Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Nuôi tôm sinh thái xuất khẩu - Sáng kiến bảo vệ môi trường theo cơ chế thương mại quốc tế

15/09/2015

     Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn có liên quan đến nguy cơ về tranh chấp môi trường khi đi vào các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu (EU)... Các sáng kiến BVMT trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm xuất khẩu nói riêng là giải pháp giúp Việt Nam thoát khỏi những tranh chấp.        Quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là đảm bảo tất cả các nước thành viên - những nước phát triển và đang phát triển - phải tuân thủ những quy tắc và luật lệ trong thương mại quốc tế. Với việc tự do hóa trong thương mại quốc tế, các nước đang phát triển đang phải chịu những áp lực về việc cải thiện nền kinh tế để đáp ứng các yêu cầu của các nước phát triển.      Thủy sản xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tôm được coi là mặt hàng chủ lực đem lại khoảng 20% tổng giá trị thương mại của hàng thủy sản toàn cầu cho hơn 100 quốc gia tham gia ngành công nghiệp nuôi tôm. Thị trường tiêu thụ tôm chủ yếu tập trung tại Hoa Kỳ, Nhật Bản (50%) và EU (12 - 15%).      Tuy nhiên, việc mở rộng ngành công nghiệp nuôi tôm đã gây ra các xung đột giữa các nước phát triển và đang phát triển về cán cân thương mại tự do và môi trường. Hầu hết, các nước phát triển đặt ra các bộ tiêu chuẩn cao về BVMT trong hoạt động sản xuất và chất lượng hàng hóa thương mại quốc tế. Trong khi đó, một số nước đang phát triển chưa quan tâm tới BVMT trong quá trình sản xuất. Hậu quả là môi trường bị suy thoái và nhiều vấn đề xã hội khác nảy sinh. Thái Lan là quốc gia xuất khẩu số 1 trên thế giới đã mất hơn 50% tổng diện tích rừng ngập mặn từ năm 1961. Việt Nam cũng mất đi hơn 60% diện tích rừng ngập mặn trong hơn 5 thập kỷ (từ 1943 đến giữa những năm 1990) do phát triển kinh tế và nuôi trồng thủy sản ven biển. Điều tương tự này cũng đang xảy ra với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ.   Mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn        Hoạt động thương mại và những tranh chấp về môi trường      Theo Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), các nước thành viên được phép áp đặt trừng phạt thương mại lên các nước khác vì những vi phạm môi trường miễn là các chính sách này tuân thủ đúng điều khoản XX của GATT.      Nguyên tắc 2 của Tuyên bố Rio 1992 đã khẳng định nguyên tắc phát triển bền vững như là quy tắc của luật pháp quốc tế. Phát triển bền vững yêu cầu các giá trị về môi trường và thương mại cần được tôn trọng. Năm 1994, lời mở đầu của Hiệp định thành lập WTO đã đề cập nghĩa vụ cụ thể cho các nước thành viên trong việc thực hiện các quy định thương mại quốc tế theo cách nhất quán với nguyên tắc của Phát triển bền vững.      Tuy nhiên, tháng 10/1998, WTO đã ban hành phán quyết quan trọng về các biện pháp thương mại - môi trường trong vụ kiện Tôm - Rùa biển. Vụ kiện chống lại Mỹ về việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm với lý do bảo vệ rùa biển của các nước Ấn Độ, Malaixia, Pakistan và Thái Lan. Trong phán quyết của vụ kiện, WTO cho rằng, các nước có thể phòng vệ bằng một lệnh cấm nhập khẩu đơn phương như là một biện pháp môi trường được phép theo quy định của GATT, miễn là các nước tránh phân biệt đối xử không công bằng. Vụ kiện Tôm - Rùa biển không chỉ ảnh hưởng đến sự sống sót của loài rùa biển, đồng thời đưa ra những hiểu biết quan trọng trong việc cách thức giải quyết của WTO với các nỗ lực BVMT toàn cầu.      Tác động của việc nuôi tôm đến môi trường      Xâm nhập mặn: Một trong những tác động tới môi trường của hoạt động nuôi tôm là việc xâm nhập mặn vào đất liền, các nguồn nước ngọt và những cánh đồng lúa nước xung quanh. Hơn nữa, khoảng 65% nước thải của ao nuôi tôm (nước lợ) được thải trực tiếp vào các nguồn nước công cộng biến những nguồn nước này thành các nguồn nước lợ.      Hoang hóa đất nuôi tôm: Nuôi tôm thâm canh quá mức có thể dẫn đến mất mùa nghiêm trọng do các dịch bệnh về vi rút và vi khuẩn. Năng lực sản xuất của các ao đầm nuôi tôm suy giảm đáng kể qua các năm, giảm từ 3% - 8%/năm ở Thái Lan, khoảng 9% giai đoạn 2000 - 2001 ở Việt Nam. Việc suy giảm năng suất sau một thời gian sẽ làm mất khả năng nuôi trồng của đầm nuôi (do suy giảm chất lượng nước, chất lượng đất, chất lượng trầm tích ao nuôi) dẫn đến tuổi thọ của ao, đầm nuôi tôm chỉ kéo dài từ 5 -7 năm trước khi dịch bệnh bùng phát. Từ bỏ ao đầm nuôi là giải pháp phổ biến để giải quyết sau tình trạng mất mùa. Ít nhất 50% đầm nuôi tôm đã bị hoang hóa và ước tính chỉ còn khoảng 5% những ao đầm đầu tiên vẫn còn khai thác ở Thái Lan. Nuôi tôm thâm canh còn làm cho đất đai nhiễm mặn và không thể chuyển đổi các khu vực ao đầm trở về đất nông nghiệp trừ phi phủ lên khu vực đó một lớp đất sạch.           Ô nhiễm nguồn nước: Hoạt động nuôi tôm thâm canh đã làm xuất hiện hiện tượng thiếu nước ngọt, suy giảm nguồn nước ngầm ở các vùng nuôi tôm trên cát. Việc phát triển nuôi tôm thâm canh đi đôi với việc người nuôi sử dụng ngày càng nhiều thức ăn, thuốc, các chế phẩm và hóa chất. Thức ăn dư thừa và chất thải sau đó được thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý làm ô nhiễm các con sông và các nơi cư trú dọc ven biển, hủy hoại các hệ sinh thái, giảm tính đa dạng sinh học.      Suy giảm diện tích rừng ngập mặn: Theo các nhà khoa học, đến năm 1983, tính cả 46.600 ha rừng trồng, rừng ngập mặn ở Việt Nam còn lại khoảng 252.500 ha. Ngân hàng Phát triển Châu Á (2000) ước tính Việt Nam chỉ còn lại khoảng 110.000 ha rừng ngập mặn. Như vậy, trong các thập kỉ 80 và 90 của thế kỷ XX, Việt Nam bị mất tiếp 142.500 ha rừng ngập mặn. Diện tích rừng bị mất trong thời kỳ này có lẽ chủ yếu do phát triển nuôi trồng thủy sản.      Nuôi tôm sinh thái để BVMT     Trong những năm qua, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam bình quân đạt 20%/năm (Nguyễn Công Sách, 2003). Giá trị xuất khẩu tôm thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 6,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm Việt Nam vượt xa kế hoạch đề ra với tổng kim ngạch ước đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.      Nhằm giúp ngành xuất khẩu tôm Việt Nam tránh được những vụ kiện hoặc những tranh chấp có liên quan đến các vấn đề về môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngành nuôi tôm Việt Nam nên có những sáng kiến môi trường đảm bảo thu được lợi nhuận từ hoạt động nuôi tôm đồng thời bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhất là bảo tồn các vùng rừng ngập mặn và các hệ sinh thái ven biển.      Nuôi tôm sinh thái được khởi nguồn từ nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) áp dụng trên diện tích 12.500 ha tại khu vực rừng ngập mặn phòng hộ Nhưng Miên, tỉnh Cà Mau với sự tham gia của 2.600 hộ nuôi tôm. Mô hình này dựa trên sự canh tác kết hợp tôm và rừng ngập mặn, trong đó rừng ngập mặn phải chiếm ít nhất 60% diện tích khu vực nuôi. Các ao tôm được liên kết với nhau qua một hệ thống dẫn nước và cửa cống. Cứ nửa tháng, vào kỳ nước triều cao, cửa cống được mở ra lấy nước, đồng thời thu hút thêm cá và ấu trùng tôm. Khi triều thấp, cửa cống được mở trong khoảng 4-5 đêm, tôm trưởng thành bơi ra và được thu hoạch bằng túi lưới.      Nuôi tôm sinh thái không bị ảnh hưởng trước các biến động của thị trường và dịch bệnh, mà còn rất ổn định và cho thu nhập cao. Một nghiên cứu của GIZ kết hợp với SNV tiến hành vào năm 2013 đã chỉ ra rằng, tổng thu nhập của mô hình tôm - rừng ngập mặn là 2.142 USD/ha/năm, cao gấp 2 lần hình thức nuôi tôm truyền thống, hay nuôi tôm kết hợp trồng lúa không có rừng ngập mặn (đạt 1.000 đến 1.300 USD/ hecta/năm).      Với phương thức nuôi tôm hoàn toàn thiên nhiên, sản phẩm tôm rừng Cà Mau có thể được chứng nhận sinh thái, điều này đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm, giá thành cao hơn trên thị trường.   ThS. Đặng Thị Diệu Thúy Trường Đại học Thương Mại Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014
Ý kiến của bạn