Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Những nội dung cơ bản của Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

02/09/2013

Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đến nay, trong sinh giới Việt Nam, đã xác định được trên 48.000 loài sinh vật, trong đó có khoảng: 7.500 loài vi sinh vật, 16.428 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn, 3.500 loài thủy sinh vật nước ngọt và trên 11.000 loài sinh vật biển. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới, gồm khoảng 800 loài cây trồng và 14 loài gia súc, gia cầm chính. ĐDSH ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm cung cấp cho con người; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và BVMT, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).

            Trong thời gian qua, ĐDSH của nước ta vẫn đang trên đà suy thoái: diện tích rừng tự nhiên đã và đang suy giảm nghiêm trọng, ước tính hiện chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha rừng nguyên sinh, ĐDSH rừng bị xuống cấp, kể cả tại các khu bảo tồn; số lượng các loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam ngày càng gia tăng, năm 2007 đã ghi nhận có 882 loài thực vật, động vật nguy cấp, tăng so với năm 1992 là 161 loài; các hệ sinh thái đất ngập nước, sinh thái biển tiếp tục bị đe dọa, các rạn san hô ven bờ đều bị suy thoái, trong đó có 44% số rạn san hô bị suy thoái nhẹ và trung bình, 56% số rạn san hô bị suy thoái nặng và rất nặng, thậm chí nhiều vùng đã bị mất; diện tích hệ sinh thái thảm cỏ biển bị mất khoảng 40-50% chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây. Suy giảm ĐDSH có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài của các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và đặc biệt là đang gây ảnh hưởng xấu tới sự cân bằng sinh thái.

            Các nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm ĐDSH bao gồm: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước thiếu hợp lý; khai thác, tiêu thụ quá mức tài nguyên sinh học; ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và BĐKH. Số vụ vi phạm về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn rất cao. Theo thống kê, chỉ trong năm 2010 đã ghi nhận được 11.000 vụ vi phạm về khai thác, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Sự tuyệt chủng của loài tê giác Java một sừng, nạn nuôi nhốt gấu, buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi, hổ và nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm khác đang gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những nội dung cơ bản của Dự thảo Chiến lược quốc gia.tif

Phấn đấu đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi

            Trong vòng 20 năm qua, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn ĐDSH. Nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã ra đời và được hoàn thiện, như: Luật Đất đai (2003); Luật Thủy sản (năm 2003); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004); Luật BVMT (2005); Luật Tài nguyên nước (2012). Đặc biệt, Luật ĐDSH (2008) đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH, trong đó xác định các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn ĐDSH ở cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương; tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích. Năm 1995, Chính phủ Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động bảo vệ ĐDSH của Việt Nam” lần đầu tiên ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước ĐDSH. Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” tại Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 (Quyết định 79). Trong năm 2010, Bộ TN&MT đã tổ chức đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Quyết định số 79. Báo cáo chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn ĐDSH như diện tích các hệ sinh thái được bảo tồn ngày càng tăng, các loài mới được phát hiện đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa cho khoa học, các nguồn gen được bảo tồn và lưu giữ phát huy giá trị trong công tác chọn, tạo giống…, công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần có tầm nhìn, bước đi chiến lược phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

            Bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam: Quy hoạch bảo tồn ĐDSH là một vấn đề mới và thiếu các quy định pháp lý cụ thể cũng như phương pháp xây dựng, quản lý và triển khai; Lợi ích từ ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái chưa được đánh giá đầy đủ, thiếu cơ chế chia sẻ công bằng, hợp lý; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển ĐDSH còn rất hạn chế; Ảnh hưởng của BĐKH đến ĐDSH chưa được đánh giá đầy đủ cũng như chưa có kế hoạch bảo tồn ĐDSH nhằm chủ động ứng phó với BĐKH; Các vấn đề đã phát sinh do toàn cầu hóa như sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, buôn bán, vận chuyển xuyên biên giới trái phép các động, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng…

            Do vậy, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng vừa góp phần thực hiện cam kết đối với Công ước ĐDSH mà Việt Nam là thành viên, đồng thời xác định các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH ở nước ta nhằm phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước.

            Quan điểm của Dự thảo Chiến lược khẳng định: ĐDSH có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và có vai trò tích cực trong thích ứng, giảm nhẹ BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH là trách nhiệm của toàn xã hội, nghĩa vụ của mọi người dân sẽ đạt được khi phát huy sự tham gia và tính tự giác của cộng đồng, các tổ chức quần chúng và sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn lực quốc tế; việc lồng ghép nội dung về ĐDSH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của quốc gia, các ngành và địa phương nhằm bảo đảm các hoạt động phát triển, tôn trọng và hài hòa với các quy luật của tự nhiên.

 

Bảng 1: Danh mục 9 chương trình, đề án, dự án ưu tiên quốc gia

TT

Tên chương trình, đề án, dự án ưu tiên

Cơ quan chủ trì xây dựng và trình

Cơ quan phối hợp

Thời gian trình

  1.  

Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức về ĐDSH

Bộ TN&MT

Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh

2015

 

  1.  

Đề án điều tra, kiểm kê ĐDSH và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH

Bộ TN&MT

UBND cấp tỉnh, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

2014

 

  1.  

Chương trình nâng cao nhận thức về ĐDSH

Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên, UBND cấp tỉnh

2014

 

  1.  

Chương trình kiểm soát buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ

Bộ NN&PTNT

Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Công thương

2014

 

  1.  

Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên

Bộ NN&PTNT

Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên

2014

 

  1.  

Chương trình bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa nguy cấp và họ hàng hoang dại của chúng

Bộ NN&PTNT

Bộ TN&MT, Bộ KH&CN

2014

 

  1.  

Đề án tăng cường phòng chống tội phạm về ĐDSH

Bộ Công an

Bộ TN&MT, NN&PTNT

 

2014

 

  1.  

Đề án phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái

Bộ NN&PTNT

Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh

2014

 

  1.  

Dự án lượng giá kinh tế dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH

Bộ TN&MT

Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

2015

 

           

            Mục tiêu tổng quát đến năm 2020: “Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền Kinh tế Xanh, chủ động ứng phó với BĐKH”. Về tầm nhìn cho 20 năm tới, Dự thảo Chiến lược đề ra “Đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; ĐDSH được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

            Ba mục tiêu cụ thể về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài và nguồn gen được chi tiết hóa kèm theo các yêu cầu về định tính và các chỉ số về định lượng:

            - Nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm: diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ rừng đạt 45%; rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả; diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt: 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN.

            - Cải thiện về chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo đảm: không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng, cải thiện đáng kể tình trạng một số loài nguy cấp, quý, hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng.

            - Kiểm kê, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen (vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật) bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, bảo đảm các nguồn gen bản địa, quý, hiếm không bị suy giảm và xói mòn.

            Các chỉ tiêu cụ thể được đề ra phù hợp và đồng bộ với các chỉ tiêu của các chiến lược liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trước đây: Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược BVMT quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

            Dự thảo Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở các nhiệm vụ chủ yếu, Dự thảo Quyết định đề xuất Danh mục 9 chương trình, đề án, dự án ưu tiên quốc gia cần thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020 (Bảng 1).

            Bản Dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hiện đang được trình Bộ trưởng xem xét, ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Hoàng Thị Thanh Nhàn

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

Ý kiến của bạn