Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nhà nước cần có chính sách cụ thể để Mặt trận đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường

02/12/2013

Ông Lê Bá Trình

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN

 

     Môi trường là vấn đề thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, mỗi quốc gia và khu vực trong thế kỷ 21. Cộng đồng tham gia BVMT có vai trò rất quan trọng được thể chế hóa, cam kết ở quốc tế và quốc gia. Do đó, trong công việc của các cán bộ Mặt trận và tổ chức đoàn thể ở khu dân cư là động viên nhân dân cùng tham gia BVMT. Bằng nhiều hình thức nỗ lực, các cán bộ Mặt trận đã tham gia tích cực vào công việc này và nhờ đó, không hiếm những kinh nghiệm hay, mô hình điểm được ghi nhận và nhân rộng. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN; Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia BVMT về những bài học kinh nghiệm khi triển khai hoạt động này trên phạm vi cả nước.

     Thưa ông, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có một Chương đề cập đến quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư về BVMT, vậy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) có góp ý, đề xuất gì nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật?

     Ông Lê Bá Trình: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của MTTQVN, các tổ chức thành viên và cộng đồng dân cư về BVMT đầy đủ, cụ thể hơn. Tuy nhiên, theo tôi, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ và sát hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN và các tổ chức thành viên thì MTTQVN mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Cụ thể, Điều 138, Chương XI cần ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức mình và nhân dân tham gia BVMT; thực hiện (Dự thảo ghi là tham gia) giám sát, phản biện xã hội (Dự thảo chưa nêu điều này) việc thực hiện pháp luật về BVMT.

     Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện (Dự thảo ghi là tạo điều kiện) để MTTQVN và các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát, phản biện xã hội (Dự thảo chưa ghi rõ những nhiệm vụ này) về BVMT”.

     Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Bộ TN&MT và các đoàn thể nhân dân vào các hoạt động BVMT ở cấp Trung ương và địa phương đã có chuyển biến tích cực. Xin ông cho biết, kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Bộ TN&MT và Ban Thường trực UBTƯMTTQVN những năm qua?

     Ông Lê Bá Trình: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ TN&MT trong thời gian qua, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đặt ra, đó là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân và cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, các ngành, các cấp, các tổ chức trong xã hội về nhiệm vụ tham gia BVMT; Từ đó dẫn đến sự thay đổi hành vi của từng cá nhân, cộng đồng trong hoạt động BVMT ở các địa bàn dân cư.

     Việc xây dựng các mô hình điểm BVMT tại khu dân cư đã cụ thể hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận các cấp để phát huy quyền làm chủ, nâng cao tính tích cực, chủ động của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như xây dựng các quy chế, hương ước của cộng đồng trong lĩnh vực BVMT; xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác trong BVMT và sống thân thiện, hài hòa với môi trường, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của từng cộng đồng dân cư.

     Tăng cường sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của MTTQVN trong việc huy động toàn dân tham gia BVMT, đồng thời là cơ sở cho việc triển khai chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” của hệ thống MTTQVN.

     Những kết quả của việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 ngày càng tạo ra các mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa ngành TN&MT với Ủy ban Mặt trận các cấp trong nhiệm vụ huy động toàn dân tham gia BVMT của đất nước.

     Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01: Ban Thường trực UBTƯMTTQVN và Bộ TN&MT chưa kịp thời trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện sự phối hợp giữa ngành TN&MT và Mặt trận các địa phương, nên vẫn còn một số địa phương chưa tiến hành ký kế hoạch hoặc chương trình phối hợp cụ thể. Có địa phương đã ký kết nhưng trong phối hợp thực hiện còn hình thức, hoặc còn nhiều lúng túng trong định hướng nội dung, điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Sự phối hợp thiếu đồng bộ ở một số địa phương dẫn đến tình trạng triển khai công việc còn mang tính độc lập của từng ngành, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau.

     Hoạt động phối hợp cung cấp thông tin, văn bản mới về nội dung BVMT hoặc phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯMTTQVN với Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp, hội thảo khoa học, tập huấn nghiệp vụ còn hạn chế. Số lượng các ấn phẩm sách, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí về nội dung BVMT do Bộ cung cấp để hỗ trợ phần kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và nâng cao kiến thức môi trường cho cán bộ Mặt trận chưa được thường xuyên.

 

Người dân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng ra quân

dọn vệ sinh môi trường

 

     Trong hoạt động xây dựng mô hình điểm, Ủy ban MTTQVN ở các địa phương vẫn chưa khai thác những thế mạnh về chuyên môn của các Sở TN&MT, vì vậy hoạt động phối hợp mới dừng ở một vài nội dung đơn giản, chưa đi sâu vào những nội dung có tính chuyên ngành. Sự phối hợp trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT có nơi, có lúc chưa được thường xuyên nên chưa huy động được tiếng nói của đại đa số các tầng lớp nhân dân vào việc giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến BVMT ở các cộng đồng dân cư.

     Các nội dung, nhiệm vụ phối hợp trong Nghị quyết liên tịch 01 mới dừng lại ở lĩnh vực BVMT nói chung, trong khi tình hình, nhiệm vụ BVMT đang phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng chưa được bổ sung, cụ thể hóa.

     Phong trào “Toàn dân tham gia BVMT” đã góp phần làm chuyển biến một bước trong nhận thức, thái độ, hành vi về nhiệm vụ BVMT trong các tầng lớp nhân dân. Xin ông cho biết, những bài học kinh nghiệm khi triển khai phong trào này trên phạm vi cả nước?

     Ông Lê Bá Trình: Theo tôi, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để nhân dân ở các cộng đồng dân cư hiểu rõ tầm quan trọng, tính thiết thân và chiến lược của nhiệm vụ BVMT: Đó là bảo đảm cho điều kiện tồn tại và phát triển của chính bản thân mình, thứ đến là của cộng đồng xã hội nơi mình đang sống, rộng lớn và cao cả hơn nữa là bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước, dân tộc. Làm được điều đó cũng chính là nâng cao trình độ dân trí, ý thức về sự cần thiết phải xây dựng một cuộc sống văn minh ở các cộng đồng dân cư.

     Khi nhận thức của người dân đã được nâng lên, BVMT trở thành trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của người dân thì cần có những hướng dẫn cụ thể để vận động người dân thay đổi các hành vi trong sản xuất, canh tác, kinh doanh… và tổ chức cuộc sống theo hướng tích cực để không gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Chúng tôi đưa ra phương án: Ủy ban MTTQVN các cấp phối hợp với ngành TN&MT xây dựng các mô hình thí điểm khu dân cư BVMT (từ năm 2006 đến nay, Ủy ban MTTQVN các cấp đã tiến hành xây dựng 3 loại mô hình thí điểm: Lồng ghép nhiệm vụ BVMT vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Khu dân cư tự quản BVMT và Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT). Trên cơ sở thành công của các mô hình điểm này, hiện nay các địa phương đã nhân rộng ra hàng nghìn khu dân cư khác để cụ thể hóa các nội dung, công việc của phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”.

     Theo tôi, để phong trào thực sự thành công phải có sự đồng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các ngành chức năng và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở và các địa bàn dân cư.

     MTTQVN và các tổ chức thành viên có đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng về chính sách hỗ trợ cho các hoạt động nêu trên, thưa ông?

     Ông Lê Bá Trình: Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa để Mặt trận và các tổ chức thành viên có đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ BVMT. Hiện nay, trong Luật BVMT, Chiến lược BVMT quốc gia… đã quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên nhưng về mặt cơ chế, điều kiện thực hiện thì còn hạn chế quá thiếu. Ví dụ, nhiều khu dân cư đã hình thành các tổ chức tự quản để giám sát, nhắc nhở nhau đổ chất thải sinh hoạt đúng nơi quy định; tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư…tuy nhiên, để xử lý các hành vi đổ rác thải bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường thì chưa có cơ chế xử phạt cụ thể. Bên cạnh đó, các loại hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn hiện diện nhiều nơi… thì việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các loại hóa chất, sử dụng chất kích thích trong nuôi trồng, canh tác nông, ngư nghiệp… rõ ràng là kém hiệu quả. Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình cho thấy những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai hoạt động BVMT mà Mặt trận các cấp đang phải đối mặt.

     Mặc dù với điều kiện bập cập như vậy, tuy nhiên chúng tôi vẫn nỗ lực triển khai công việc một cách chủ động và sáng tạo, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

     Xin cảm ơn ông!

 

 P. Đình (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn