Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nghiệm thu và bàn giao công trình Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh

15/09/2015

     Ngày 28/12/2014, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Nghiệm thu và bàn giao công trình Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh.   Hội đồng nghiệm thu Dự án        Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí” tại xóm 10 xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình triển khai từ năm 2012 - 2014, với công suất 4 tấn/ngày do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí: 10.862.000.000 đồng. Mục tiêu xây dựng Mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương pháp ủ khô kị khí sản xuất mùn hữu cơ, áp dụng thí điểm cho cụm dân cư thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.      Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, các hạng mục công trình xây dựng, lắp đặt theo thiết kế và dự toán được phê duyệt. Tổ hợp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt được vận hành thử nghiệm thành công với cả 3 hợp phần xử lý: chế biến mùn hữu cơ, đốt rác và chôn lấp rác vô cơ. Toàn bộ rác đã được xử lý triệt để đảm bảo vệ sinh môi trường, tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 15,24% (bao gồm rác vô cơ và tro xỉ lò đốt). Sản phẩm mùn hữu cơ được sản xuất với chất lượng tốt, các thông số đảm bảo theo TCVN 7185:2002 - Quy định về chất lượng phân hữu cơ bón vào đất. Lò đốt thiết kế, xây dựng đảm bảo tuân thủ theo QCVN 30:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp. Khí thải của lò đốt đã được xử lý: bụi, khí thải, dioxin,… và tro xỉ sau đốt đảm bảo theo quy định trong QCVN. Ngoài sản phẩm chính là Mô hình công nghệ trên, dự án cũng đã hoàn thành 100% các sản phẩm là báo cáo, chuyên đề.      Trong suốt thời gian triển khai dự án, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt là UBND xã Hồi Ninh xây dựng cơ chế và bộ máy vận hành công trình. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp đào tạo nhận thức cộng đồng và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho nhân dân.      Dự án đi vào hoạt động đã góp phần giúp công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường có thêm giải pháp quản lý cũng như ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các thị trấn, thị tứ và các cùng nông thôn trên cả nước…   Lò đốt rác thải        Với mô hình công nghệ này, lượng rác chôn lấp chỉ khoảng ~15% (còn có thể giảm xuống thấp hơn); Giảm nguy cơ phát sinh các loại ô nhiễm thứ cấp khác so với việc đốt rác tùy tiện, chôn lấp không hợp vệ sinh, hay thói quen vứt rác xuống sông, kêng, mương. Chi phí đầu tư khoảng 1.625.000.000 đồng/tấn/ngày; Hệ thống thiết bị công nghệ không phức tạp, dễ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế... phù hợp với trình độ công nhân. Đặc biệt, công trình không phát sinh nước rỉ rác, không mất thêm kinh phí xử lý nước rỉ rác… do đó, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn cả nước.      Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình Lê Khắc Khoa cảm ơn sư quan tâm của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã tạo điều kiện để địa phương có được dự án xử lý rác thải hiện đại giúp người dân có môi trường xanh - sạch - đẹp. Qua đó, địa phương sẽ `xây dựng chính sách hộ trợ kinh phí, hoàn thiện đường giao thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phân loại rác tại nguồn…   Toàn cảnh Nhà máy        Kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Dự án thống nhất với ý kiến của các thành viên Hội đồng và đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo hỗ trợ chi phí xử lý rác cho Nhà máy xử lý CTRSH xã Hồi Ninh; bố trí vốn triển khai thi công nâng cấp đường giao thông vào Nhà máy. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường cùng địa phương theo sát công trình để Dự án đạt hiệu quả cao.      Sau khi nghiệm thu Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí”, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bàn giao công trình cho UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Hồi Ninh chịu trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả kể từ ngày 1/1/2015.   P. Tuyên        
Ý kiến của bạn