Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Mô hình ứng dựng công ghệ sinh thái vào canh tác lúa

15/09/2015

     Sau các tỉnh Tiền Giang, An Giang hiện nay mô hình áp dụng công nghệ sinh thái vào canh tác lúa giảm chi phí từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải khí nhà kính, tích cực bảo vệ môi trường đã và đang được triển khai tại tỉnh Hậu Giang. Không còn nỗi lo cháy rầy, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường… là những hiệu quả thực tế đã thu hút sự quan tâm áp dụng của nhiều hộ nông dân.      Mấy vụ lúa gần đây, ven bờ những đồng tại phường 4, TP. Vị Thanh xuất hiện rất nhiều hoa. Những loại hoa đủ màu sắc, hương thơm như: sao nhái, cúc, móng tay xen lẫn hoa của đậu bắp, đậu cô ve, đậu đũa... tỏa hương thơm, dẫn dụ thiên địch về trú ngụ. Tuy mới thực hiện thí điểm nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy, mật số các loài thiên địch chính của rầy nâu như nhện lớn bắt mồi, bọ xít mù xanh và ong ký sinh của rầy nâu ở khu mô hình luôn cao hơn so với khu ruộng đối chứng. Điều này đã làm cho rầy nâu không có điều kiện bộc phát thành dịch. Bằng chứng là cả vụ không ghi nhận trường hợp nào nhiễm rầy. Trong khi đó, số lần phun thuốc trừ sâu ở mô hình giảm từ 1-2 lần/vụ so với ruộng không áp dụng mô hình. Việc này đồng nghĩa với tiết giảm được ảnh hưởng xấu của thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường sống.      Từ đợt thực hiện thí điểm mô hình công nghệ sinh thái vụ Hè thu 2014, ông Triệu Văn Trứ, ở khu vực 7, phường 4 cho biết sẽ tiếp tục duy trì cách làm này trên đồng ruộng của mình để đảm bảo lợi nhuận cũng như sức khỏe gia đình, cộng đồng nơi mình sinh sống.      Thật ra, mô hình áp dụng công nghệ sinh thái vào canh tác lúa đã được triển khai áp dụng tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang) từ 3 năm qua. Thị trấn Bảy Ngàn, là một trong những địa phương tiên phong thực hiện mô hình công nghệ sinh thái. Đến nay, thị trấn đã nhân rộng áp dụng trên 30% diện tích trồng lúa, với tổng chiều dài ước khoảng 6km, gồm hơn 160 hộ nông dân tham gia. “Lúc mới triển khai, cán bộ ngành nông nghiệp phải xuống ruộng trực tiếp trồng hoa, chăm sóc. Sau vài vụ lúa, ở những ruộng có trồng hoa giảm được số lần phun thuốc trừ sâu nên nông dân thấy lợi ích và tự mình thực hiện” - Anh Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn, cho biết.      Theo ông Nguyễn Văn Như (ấp 4a) đã trồng hoa bao bọc 1,3ha bờ ruộng lúa của gia đình, thì: “Áp dụng mấy vụ rồi, ruộng của tôi đã giảm được sâu bệnh rõ rệt. Mỗi vụ tiết kiệm được vài triệu đồng tiền phun thuốc trừ sâu, tình trạng cháy rầy trên lúa không còn nữa. Chưa bao giờ làm ruộng lại khỏe như năm nay”. Vì giảm sâu bệnh nên lúa của ông Như cho năng suất cao, nhờ đó mà lợi nhuận từ bán lúa của ông tăng thêm gần 5 triệu đồng từ việc tiết kiệm được chi phí thuốc, công xịt.   Những con đường, bờ ruộng rực rỡ hoa là đặc trưng thân thiện với môi trường của mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái vào canh tác lúa ở Hậu Giang        Thấy rõ hiệu quả tích cực từ công nghệ sinh thái mang lại, tại thị trấn Một Ngàn, nhiều nông dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Anh Trần Thanh Hải (ấp Tân Lợi) cho hay: “Thấy người bà con ở xã Trường Long Tây làm ruộng hiệu quả nên tôi tìm hiểu mới biết rằng một phần là nhờ ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái. Áp dụng mới được 2 vụ mà lúa của tôi xanh mướt hơn nhiều”. Được biết, từ đầu năm đến nay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A đã thực hiện mô hình với tổng chiều dài bờ ruộng hơn 29km. Hàng năm, trạm đều tổ chức tập huấn triển khai ít nhất 2 lần ở những nơi chưa áp dụng để nông dân biết. Mục tiêu của trạm là tiếp tục khép kín toàn bộ 8.800ha đất sản xuất lúa trên địa bàn, giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.      Như vậy, có thể thấy sau mấy năm thử nghiệm mô hình ở nhiều địa phương đã cho thấy lợi ích rõ rệt từ phòng chống dịch bệnh đến bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa. Tuy nhiên, trong thời gian áp dụng vẫn còn nhiều tồn tại. Thời gian nhân giống hoa khá dài, tốn nhiều công chăm sóc, hoa bị chết nhiều, hoa nở không đúng lúc lúa làm đòng, trổ nên chưa phát huy tối đa hiệu quả,… khiến cho việc nhân rộng bị hạn chế. Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: Nếu mở rộng ra quy mô lớn ngay thì sẽ không làm nổi, mà phải làm lần lượt. Tuy vậy, hiện nay mô hình đang dần lan ra các địa phương trồng lúa khác trong toàn tỉnh.      Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết hiện trên địa bàn đã triển khai thực hiện được 6 mô hình áp dựng công nghệ sinh thái vào canh tác lúa. Vị Thu đông tới, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng thêm 3 mô hình nữa tại huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, TP.Vị Thanh. Năm nay, Chi cục cũng sẽ chi 80 triệu đồng để hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân ứng ụng thực hiện mô hình này.   Theo Monre
Ý kiến của bạn