Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Cần đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên

02/12/2013

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh

Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật

 

     BVMT là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của 54 cộng đồng sống trên lãnh thổ Việt Nam. Cộng đồng người Việt từ miền đồng bằng đến miền núi, vùng biển đảo xa xôi ngay từ thuở sơ khai đã đề ra các luật tục, quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ cuộc sống của con người, bảo vệ các nguồn vốn tự nhiên (đất, nước, rừng, thực vật, động vật...). Có rất nhiều bài học về tính tự nguyện, tự giác bảo vệ các khu rừng thiêng, các nguồn nước suối trong lành, các cây cổ thụ như cây đa, giếng nước, sân đình. Nhờ đó, thiên nhiên là chỗ dựa, che chở cho cuộc sống tồn tại và phát triển của nhiều cộng đồng mà sinh kế của họ còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các nguồn vốn tự nhiên của con người đã đến lúc cần nhìn nhận và thay đổi khi mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên là có hạn. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

     Để cứu vãn tình trạng trên chỉ có con đường duy nhất là phải có luật pháp. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có luật pháp để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đa dạng sinh học (ĐDSH) với khoảng 49.200 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: 7.500 chủng vi sinh vật, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 loài động vật trên cạn, 11.000 loài sinh vật biển và khoảng 2.000 loài động vật không xương sống ở vùng nước ngọt, vùng biển... là nguồn vốn tự nhiên vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã trải qua giai đoạn lịch sử phức tạp, hậu quả của chiến tranh cùng với sự khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành thị và nông thôn ngày càng trầm trọng, đáng báo động. Chính vì vậy, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ra đời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác BVMT. Từ đó, hệ thống pháp luật về BVMT từng bước được hoàn thiện theo hướng tiếp cận Chương trình Nghị sự 21 với mục tiêu phát triển bền vững. Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, Luật BVMT đầu tiên năm 1993 và được sửa đổi bổ sung năm 2005 là bộ luật quan trọng trong thời kỳ cả nước phấn đấu xây dựng, phát triển KT-XH theo hướng công nghiệp hiện đại.

     Trải qua giai đoạn 8 năm, Luật BVMT năm 2005 đã phát huy tác dụng nhất định trong quá trình phát triển KT-XH và BVMT, bảo vệ rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và ĐDSH. Tuy nhiên cũng bộc lộ một số tồn tại, thách thức cần phải chỉnh sửa bổ sung. Mặt khác, trong thực tế mỗi bộ luật đều có phạm vi và thời gian ảnh hưởng trong từng giai đoạn phát triển. Do vậy, chủ trương của Đảng - Nhà nước - Quốc hội là phải sớm hoàn thiện bộ luật BVMT cho phù hợp với tình hình phát triển KT-XH hiện nay và trong thời gian tới, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

     Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Bộ TN&MT được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo Luật BVMT (sửa đổi). Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Bộ TN&MT đã hoàn thành bản Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 160 điều thuộc 19 chương. Đây là một văn bản pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm hoàn thiện các điều luật phục vụ cho sự nghiệp BVMT của đất nước. Là Nhà nước pháp quyền do dân, của dân và vì dân, nên tất cả các điều khoản trong bộ luật BVMT đã thể hiện tính khoa học, thực tế, thời sự, phù hợp với quá trình phát triển KT-XH của đất nước, đồng thời thể hiện phù hợp với trào lưu hợp tác, quan hệ quốc tế. Điều quan trọng là đã thể hiện được tính đồng thuận cao của cộng đồng quản lý, cộng đồng dân sự.

     Nhận thức được tầm quan trọng của Luật BVMT (sửa đổi) đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước, với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ TN&MT đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thể hiện tính cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện bản Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Các điều, khoản trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã thể hiện nội hàm khoa học, luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT và phát triển bền vững. Cụ thể, quy định bắt buộc đối với các dự án, các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH cấp quốc gia, cấp ngành, các lĩnh vực... phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và quy định rõ ràng, chi tiết việc phân công, phân nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước về BVMT theo hướng tăng cường trách nhiệm cho các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương.

     Bên cạnh đó, các điều, khoản trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng đã thể hiện tính pháp lý, tính thời sự phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp các ngành, địa phương làm căn cứ, áp dụng trong quản lý BVMT. Tuy nhiên, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng cần làm rõ một số điều còn chồng chéo với một số điều trong các bộ luật có liên quan như Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật ĐDSH (2008), cụ thể:

     - Giữa Luật ĐDSH và Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi): Khoản 7, Điều 9 của Luật ĐDSH đề ra quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước là phải ĐMC. Vấn đề cần làm rõ là quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước là dạng quy hoạch nào trong số các quy hoạch quy định tại Điều 14, Mục 2 (ĐTM) của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Là chủ dự án có trách nhiệm thực hiện ĐTM hoặc thuê tổ chức thực hiện đánh giá.

 

Vân Long - Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng

đồng bằng châu thổ Bắc bộ

 

     - Về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng tại Điều 14 của Luật BVMT năm 2005, vậy có quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng không? Vì tính chất ĐDSH mang tính liên tỉnh, liên vùng rất cao.

     - Luật BVMT năm 2005 quy định cần quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, như vậy có sự khác biệt nào giữa quy hoạch bảo tồn thiên nhiên với quy hoạch bảo tồn ĐDSH không? (Luật ĐDSH).

     - Để giải quyết sự chồng chéo trong các quy hoạch, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đề xuất quy về một mối là nhất thể hóa các loại quy hoạch có cùng một mục đích bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bổ sung đề xuất 1 loại là xây dựng chiến lược, quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 2 tỉnh trở lên. Còn nếu như trường hợp vẫn phải thực hiện các quy hoạch mà Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật ĐDSH, Luật Thủy sản thì Luật BVMT cần thiết quy định rõ mối quan hệ giữa các luật theo hướng quy hoạch nào được lập trước, quy hoạch nào là căn cứ cho việc xây dựng các quy hoạch còn lại. Mặt khác, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng phải làm rõ mối quan hệ giữa các bộ luật đã ban hành.

     - Điều 15, Mục 2 trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) về ĐTM quy định tham vấn cần phải bổ sung thêm tham vấn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Đối với việc bảo vệ các thành phần môi trường ghi trong Chương V cần bổ sung thành phần môi trường và ĐDSH.

     Là bộ luật tương đối hoàn chỉnh, Dự thảo Luật thể hiện nội hàm khoa học cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đã luật hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT và phát triển bền vững. Kỳ vọng với sự khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị của cơ quan soạn thảo Bộ TN&MT, bản Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XIII xem xét và hy vọng được thông qua để Luật BVMT sớm đi vào cuộc sống.

 

GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn