Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về kiểm soát ô nhiễm khí thải

15/09/2015

     Ô nhiễm môi trường không khí là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái chất lượng môi trường trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các nguồn ô nhiễm không khí rất đa dạng, có thể kể đến các hoạt động từ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sinh hoạt của người dân... Trên thế giới đã có một số nghiên cứu về kiểm soát ô nhiễm (KSÔN) môi trường không khí phù hợp với điều kiện của từng khu vực, quốc gia thông qua những văn bản luật và chính sách rõ ràng, cụ thể, điển hình tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Hàn Quốc…      1. Kinh nghiệm của một số nước      Là một nước có nền kinh tế phát triển lâu đời và thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU) nên việc KSÔN không khí ở Anh luôn được Chính phủ đặt mối quan tâm hàng đầu. Chính phủ và chính quyền phân cấp đã lồng ghép nội dung môi trường trong các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chính sách KSÔN không khí thể hiện chi tiết, rõ ràng trong Chiến lược quốc gia về không khí lần đầu tiên vào năm 1997, trong đó quy định rõ nồng độ cho một số chất độc hại gồm benzen, 1,3-butadien, carbon monoxide, chì, nitơ dioxide, bụi, sulfur dioxide, nồng độ ozone mặt đất, và polyaromatic hydrocarbon (PAH).      Luật Môi trường năm 1995 của Anh đã yêu cầu chính quyền các địa phương đánh giá chất lượng không khí trong khu vực. Nếu cơ sở nào vượt quá hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường thì sẽ phải ngừng hoạt động và thực hiện kế hoạch hành động nhằm làm giảm hàm lượng chất gây ô nhiễm. Đây là một chính sách tích cực được cộng đồng Anh hưởng ứng và đem lại kết quả cao trong quản lý chất lượng không khí. Ngoài ra, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích chính quyền địa phương cùng với các nước láng giềng cải thiện chất lượng không khí trong khu vực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp các sáng kiến và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.      Mỹ là một nước hình thành hệ thống chính sách pháp luật về KSÔN từ rất sớm. Từ những năm 1940, Chính phủ liên bang đã thực hiện KSÔN không khí và phổ biến thông tin rộng rãi đến cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Năm 1947, Bang California đã thông qua pháp luật về ô nhiễm không khí đầu tiên. Ban đầu, chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thông qua và thực thi pháp luật. Sau đó, các luật về KSON không khí dần hoàn chỉnh và vào năm 1970 đã thành lập Cơ quan BVMT Mỹ (EPA). Sự hình thành của EPA đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc gia về KSÔN không khí.      Sau đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi Luật Không khí sạch (CAA) vào năm 1970, năm 1977 và năm 1990. CAA năm 1990 đã đánh dấu một sự thay đổi tổng thể với các mục tiêu nhằm nâng cao sức khỏe con người và phúc lợi công cộng: Giảm khả năng gây hại đối với con người và ảnh hưởng đối với hệ sinh thái; Hạn chế nguồn rủi ro từ việc tiếp xúc với HAPS, còn được gọi là chất độc không khí; Bảo vệ và cải thiện môi trường trong khu vực hoang dã và công viên quốc gia; Giảm lượng khí thải của các loài gây ra mưa axit, đặc biệt là SO2 và NO2; Hạn chế việc sử dụng các hóa chất có khả năng làm suy giảm các lớp O3 tầng bình lưu.      EPA cũng đã ban hành Tiêu chuẩn chất lượng môi trường quốc gia đối với không khí, trong đó có 6 chất gây ô nhiễm không khí thông thường, được gọi là tiêu chuẩn chất gây ô nhiễm. Các chất ô nhiễm trong tiêu chí đó là: carbon monoxide (CO), nitơ đioxit (NO2), sulfur dioxide (SO2), chì (Pb), bụi (PM), và ozone (O3)... Tiêu chuẩn được quy định bằng cách thiết lập nồng độ không khí xung quanh và thời gian để đạt được các tiêu chuẩn này.   Kiểm soát môi trường không khí luôn được Chính phủ Anh quan tâm hàng đầu        Tại Hàn Quốc, nền tảng cho chính sách bảo vệ không khí là Luật Bảo vệ không khí sạch, Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung, Luật Cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị và Luật Ngăn ngừa mùi hôi. Thủ đô Se-un của Hàn Quốc là nơi tập trung đông dân số và các phương tiện giao thông nên mức độ ô nhiễm không khí cao. Năm 2013, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ban hành Luật đặc biệt về cải thiện chất lượng không khí đô thị tại Se-un. Trên cơ sở đó, các giải pháp đặc biệt cải thiện chất lượng không khí đô thị trong giai đoạn từ 2005 - 2014 được thực thi: Tập trung ưu tiên các khu vực bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong đô thị; đưa ra hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực và tổng lượng phát thải của từng khu vực. Đối với những khu vực thải ra lượng lớn NO2, SO2 và bụi phải đưa ra hạn ngạch tổng lượng thải cho phép trong mỗi năm. Khi vượt quá hạn ngạch cho phép doanh nghiệp sẽ phải trả phí. Các nguyên tắc quản lý khí thải cũng được mở rộng trong lĩnh vực giao thông, người bán xe mô tô được yêu cầu phải cung cấp các phương tiện có động cơ phát thải thấp.      2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam      Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý môi trường không khí như Luật BVMT năm 2005, Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia KSÔN môi trường đến năm 2010, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và chất vô cơ...      Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy rõ vai trò quản lý nhà nước của các Bộ/ ngành/địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống pháp luật luôn được nhấn mạnh và đề cao. Tùy vào đặc trưng ô nhiễm của từng quốc gia và theo từng thời kỳ phát triển, các văn bản chính sách cần được chỉnh sửa, ban hành phù hợp. Có quốc gia ban hành luật về kiểm soát không khí theo từng nguồn thải như giao thông, công nghiệp, xây dựng... nhưng nhìn chung kinh nghiệm thực tế cho thấy với những biện pháp cứng rắn, xử phạt nghiêm minh mới có thể ngăn chặn và hạn chế tình trạng ô nhiễm.      Các quốc gia đã xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường không khí, trong đó có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, kết hợp với các biện pháp như áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, kiểm soát các phương tiện phát thải, đưa ra hạn ngạch phát thải đối với các loại khí... Bên cạnh đó, cần phải công khai minh bạch các chính sách mới được sửa đổi, bổ sung để phù hợp tình hình thực tiễn. Các chính sách cần thiết có sự tham gia của cộng đồng và trao quyền để cộng đồng giám sát. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế trong KSÔN không khí.   ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, CN. Lưu Thị Hương, TS. Nguyễn Hải Yến Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014
Ý kiến của bạn