Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội về lĩnh vực môi trường của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

15/09/2015

     Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đại diện của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, được thành lập năm 1983. VUSTA được tổ chức thành hệ thống 2 cấp ở Trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng: Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) người Việt Nam ở trong và ngoài nước, điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; Làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung liên quan đến hoạt động của VUSTA; Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức thành viên, của trí thức KH&CN Việt Nam.      Hiện nay, VUSTA đã phát triển rộng khắp trong cả nước, gồm 77 hội, tổng hội ngành Trung ương (với 157 hội chuyên ngành), 62 liên hiệp hội địa phương và trên 600 đơn vị KH&CN hoạt động theo Luật KH&CN. Ngoài những tổ chức trên, VUSTA còn có gần 200 tạp chí, báo, bản tin và website và Nhà xuất bản tri thức. Thông qua các tổ chức thành viên,VUSTA đã thu hút được khoảng 2,3 triệu hội viên, trong đó có khoảng trên 1 triệu hội viên là trí thức KH&CN, chiếm gần 1/3 trí thức hiện có của cả nước.      Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một nhiệm vụ quan trọng của VUSTA. Hoạt động này cung cấp các thông tin khách quan, trung thực giúp cho các cơ quan chức năng có thêm luận cứ khoa học để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, vì vậy được các cơ quan chức năng đánh giá cao và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, tin tưởng. Đề cập về hoạt động TVPB&GĐXH của VUSTA, Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 16/4/2010 đã nêu: “…hoạt động TVPB&GĐXH của VUSTA ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN, đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.   VUSTA và các tổ chức thành viên tham gia góp ý kiến cho dự án thủy điện Sơn La để Quốc hội lựa chọn phương án tối ưu        Hoạt động TVPB&GĐXH được VUSTA thực hiện đầu tiên vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Hiện nay, hoạt động này ngày càng trở nên quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.      Trong lĩnh vực môi trường VUSTA và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động TVPB&GĐXH, có thể nêu một số kết quả nổi bật: Góp ý kiến vào dự án thủy điện Sơn La để Quốc hội lựa chọn phương án Sơn La thấp, chuyển từ phương án mực nước hồ từ 265 m xuống mức 215 m; Phản biện dự án thay nước hồ Tây, đề nghị các cơ quan chức năng không thông qua phương án thay thế nước hồ tránh được việc đầu tư tới 30 triệu USD vào Dự án này; Góp ý kiến vào Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua rừng Cúc Phương, đã bảo vệ được rừng quốc gia không bị xâm hại khu vực có đường quốc lộ đi qua, không làm thay đổi sinh cảnh của nhiều khu vực rừng; Phản biện dự án quy hoạch thành phố bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội với kiến nghị không thực hiện dự án theo quy hoạch đề xuất liên quan đến chế độ thủy văn và vấn đề môi trường nước của sông Hồng; Tư vấn, phản biện đánh giá chương trình khai thác bô xit tại Tây Nguyên; Phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phản biện dự án khu nghỉ dưỡng Tam Đảo 2, kiến nghị không thực hiện dự án này nhằm bảo vệ tính nguyên vẹn rừng quốc gia Tam Đảo; Đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề môi trường (quy hoạch cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rác thải đô thị...) trong Đề án quy hoạch Thủ đô mở rộng.      Theo quan điểmVUSTA, các đề án phải thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân vì sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền trong việc chủ trì triển khai thực hiện các đề án cần thực sự lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân, của xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của họ, nhất là đối với sinh kế người dân. Bất kỳ đề án, dự án nào đều coi như thất bại nếu không đặt lợi ích của quốc gia, của xã hội, của người dân lên hàng đầu. Việc lấy ý kiến phản hồi của xã hội trong quá trình triển khai đề án phải trở thành một nguyên tắc trong cuộc sống và phải được luật hóa.      Hoạt động TVPB&GĐXH là lấy ý kiến của xã hội, của người dân vào một đề án cụ thể là việc hết sức cần thiết, thể hiện quyền làm chủ của người dân. Ý kiến phản hồi có thể đồng thuận với nội dung đề án song cũng có thể không hoàn toàn đồng thuận. Không nên quan niệm phản biện có nghĩa là phản bội hoặc phản đối, các cơ quan chức năng chủ trì đề án cần thật sự lắng nghe và tiếp thu, các tổ chức xã hội, người dân thực hiện phản biện cần mang tính xây dựng và khách quan, khoa học. TVPB&GĐXH cần phải trở thành hoạt động thường xuyên giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin khách quan, khoa học để quyết định vấn đề một cách chính xác.      Cần tạo sự ủng hộ từ phía các cơ quan chức năng và sự đồng thuận xã hội để thực hiện hoạt động TVPB&GĐXH của các tổ chức xã hội, nhất là của các tổ chức có ảnh hưởng xã hội lớn như VUSTA, tạo sự hợp tác bình đẳng vì mục đích chung giữa các bên có liên quan. Cần chống khuynh hướng lợi dụng dân chủ, không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng hoạt động TVPB&GĐXH để chống lại chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi ngược lại lợi ích quốc gia.      Cần huy động các chuyên gia giỏi, am hiểu các vấn đề liên quan đến nội dung của đề án cụ thể, nhất là các đề án về BVMT, để tổ chức việc TVPB&GĐXH đạt chất lượng cao nhất và chuyển giao kết quả đánh giá cho các cơ quan có thẩm quyền chủ trì, quyết định đề án.   Phạm Văn Tân Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014  
Ý kiến của bạn