Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hiện trạng môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường công nghiệp tỉnh Quảng Trị

15/09/2015

     Tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng về đất đai, rừng, biển, nguyên liệu cho chế biến nông, lâm thủy sản, phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập mở cửa, Quảng Trị là cửa ngỏ của Hành lang kinh tế Đông - Tây, khai thông giao thương với các nước Lào,Thái Lan, Myanmar... Phát triển công nghiệp trong những năm qua của Tỉnh Quảng Trị có chuyển biến tích cực, nhưng rõ ràng rằng, hoạt động này cũng đã và đang gây sức ép lên môi trường.      Ngoài các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị có 2 khu công nghiệp gồm: KCN Nam Đông Hà và KCN Quán Ngang với tổng diện tích đất quy hoạch là 341 ha. Sự phát triển công nghiệp của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nhiều nhà máy, công ty, cơ sở dịch vụ đã và đang được xây dựng, phát triển, tạo việc làm đáng kể cho người lao động, thực hiện thắng lợi chiến lược xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mặt trái của hoạt động này còn nhiều bất cập và thiếu sự đồng bộ. Hầu hết các cơ sở sản xuất và kinh doanh tập trung vào việc đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực kinh doanh, mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý các chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung...), gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.      Đáng lưu ý là trong thời gian qua, công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất công nghiệp không được đầu tư kịp thời với quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Nhiều cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường trước đây nằm ở vị trí xa các khu dân cư, nhưng nay đã nằm xen kẽ và rất gần khu dân cư, nên nguy cơ tác động đến sức khỏe cộng đồng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất và chế biến cà phê, cao su… nằm ở đầu nguồn các sông, suối, nên nguy cơ gây ô nhiễm các nguồn nước mặt cũng rất đáng lo ngại.   Sản xuất ván ghép thanh tại Công ty TNHH Phương Thảo, Khu CN Nam Đông Hà        Ngành nghề công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phong phú, điển hình như chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng thủy sản và khai thác khoáng sản. Các sản phẩm tạo ra của các loại ngành nghề trên phải tiêu thụ nhiều nguyên, nhiên liệu và tiêu tốn năng lượng. Năng lượng của quá trình sản xuất là xăng, dầu (DO và FO), than…và thường gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ và phát thải khí nhà kính. Về môi trường nước, những đầu tư về xử lý nước thải công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng ở Quảng Trị còn rất hạn chế. Đến nay mới chỉ có một số cơ sở chế biến có hệ thống xử lý nước thải như các cơ sở chế biến tinh bột sắn ở Hải Lăng và Hướng Hoá, cơ sở chế biến cà phê, cao su… Tuy vậy, hiệu quả xử lý nước thải vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát quy trình công nghệ, chẳng hạn do lưu lượng và đặc điểm nước thải không ổn định, kinh nghiệm giám sát liên tục hệ thống còn yếu kém… Các hệ thống xử lý nước thải hiện tại chủ yếu là các hệ thống xử lý kết hợp lắng trọng lực với hồ sinh học ổn định nước thải, và phần lớn là điều khiển hoạt động thủ công nên hiệu quả xử lý rất khó duy trì ổn định, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khả năng giám sát hệ thống.      Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển bền vững, các nhóm giải pháp tổng thể đề xuất như sau:       1. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường công nghiệp trên địa bàn tỉnh        - Thực hiện nghiêm quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường trong các KCN, CCN.      - Triển khai xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đã quy hoạch; thực hiện nghiêm chủ trương di dời các cơ sở TTCN và các làng nghề gây ô nhiễm cao vào các CCN; tăng cường kiểm tra môi trường các cơ sở sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.        - Tổ chức tốt hệ thống thu gom, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và chất thải nguy hại, thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải đảm bảo về môi trường công nghiệp.        - Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp, KCN, CCN; xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải tập trung ở các KCN, CCN, các doanh nghiệp nằm trong và nằm ngoài KCN, CCN.         - Tiếp tục thực hiện điều tra và phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để triển khai kế hoạch xử lý.        - Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát môi trường, đánh giá tác động của các nguồn thải từ các KCN, CCN tập trung; triển khai hệ thống quản lý môi trường tại các KCN, CCN theo phương pháp hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.         - Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản. Kiên quyết bắt buộc mỏ khai thác khoáng sản phải áp dụng các biện pháp khống chế ô nhiễm trong hoạt động khai thác và các biện pháp khắc phục, khôi phục hiện trạng môi trường sau khi đóng cửa mỏ, nhằm giảm thiểu hậu quả và tăng hiệu quả sử dụng đất sau khi đóng cửa mỏ.         - Có những cơ chế, chính sách để khuyến khích các dự án sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, khuyến khích việc đầu tư các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp không khói và không nước thải, hạn chế các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp đặc biệt là gần khu dân cư và khu du lịch.          2. Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường công nghiệp: Để tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bảo vệ môi trường, bảo đảm khả năng giải quyết triệt để ô nhiễm cuối đường ống và tiến tới một nền sản xuất “xanh - sạch - đẹp” và sinh thái công nghiệp, các giải pháp công nghệ về bảo vệ môi trường như sau:        - Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ về sản xuất sạch, sạch hơn nhằm phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn trong các hoạt động sản xuất như: Tiết kiệm nguồn nhiên liệu, nguyên liệu và hạn chế phát sinh chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, khu đô thị, làng nghề, cơ sở chăn nuôi và TTCN.        - Tăng cường việc đầu tư các giải pháp kỹ thuật như: đổi mới công nghệ, thiết bị kỹ thuật; ứng dụng và gia tăng hàm lượng công nghệ cao, mới, tiên tiến; áp dụng các biện pháp cải tiến quản lý nội vi, hợp lý hoá quy trình và quá trình sản xuất; thay thế nguyên, nhiên vật liệu ô nhiễm bằng nguyên, nhiên vật liệu sạch hơn; thực hiện và quản lý tiết kiệm năng lượng, điện, nước,...        - Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm xây dựng các mô hình thân thiện môi trường trong phát triển công nghiệp: Mô hình KCN, CCN thân thiện môi trường; khu công nghệ cao; doanh nghiệp “xanh - sạch - đẹp”.        - Nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường trên cơ sở đầu tư thích hợp về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm và dự báo diễn biến môi trường.        - Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN.        - Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn KCN, CCN, kể cả chất thải nguy hại.         - Hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải KCN, CCN.        - Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường phục vụ cho công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp.   Theo quangtri.gov.vn  
Ý kiến của bạn