Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu chưa đạt tiến triển

15/09/2015

       Bất chấp việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hối thúc "Hành động mạnh mẽ hơn nữa" nhằm đối phó với mối hiểm họa biến đổi khí hậu đang ngày một lớn, các cuộc đàm phán hiện ở cấp bộ trưởng tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) vẫn chưa đạt được tiến bộ do bất đồng giữa các nước phát triển và các nước nghèo về vấn đề tài chính. Mặc dù Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Warsaw chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc, các bên vẫn bất đồng về khoản ngân quỹ giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng Trái Đất nóng lên và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.      Đại diện của Mỹ Todd Stern cho biết, trong năm 2013, Chính phủ nước này đã đóng góp khoảng 2,7 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (mức cao nhất trong vòng bốn năm qua).      Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Connie Hedegaard nhấn mạnh, EU cũng đã quyết định chi khoảng 1,7 tỷ euro trong giai đoạn 2014 - 2015. Tuy nhiên, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cho rằng, mức đóng góp trên là chưa đủ và các quốc gia nghèo đang phải cố gắng hết sức để huy động các nguồn tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu, song cái giá phải trả cũng rất cao.      Về Ấn Độ, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan kêu gọi cần vạch ra lộ trình cụ thể để hiện thực hóa cam kết mà các quốc gia giàu có đưa ra năm 2009, theo đó tới năm 2020 sẽ hỗ trợ 100 tỷ USD cho hoạt động chống BĐKH. Theo Bộ trưởng, các quốc gia phát triển ngay bây giờ cần hành động nhiều hơn nữa để không trút gánh nặng biến BĐKH lên các nước nghèo.      Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, BĐKH hiện đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của toàn thế giới. Theo ông, để hoàn thành mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ tài chính cho BĐKH.      Hội nghị Warsaw khởi đầu tiến trình hai năm thương lượng, dự kiến kết thúc vào năm 2015 tại Pari, nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên.      Hiệp định tương lai này sẽ tiếp nối Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi - trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, đồng thời giúp các quốc gia nghèo đối phó với tình trạng lụt bão, hạn hán đang ngày càng trở nên tồi tệ và mực nước biển dâng cao.   Theo TTXVN  
Ý kiến của bạn