Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản ti tan ở Bình Thuận

15/09/2015

     Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tính đến tháng 1/2013, tổng trữ lượng quặng titan của Bình Thuận là 599 triệu tấn. Trữ lượng quặng này phân bố chủ yếu trong tầng cát đỏ và cát xám trên diện tích khoảng 782 km2 (chiếm10% diện tích tỉnh), phân bổ chủ yếu ở các cồn cát, bãi cát ven theo 192 km đường bờ biển của tỉnh.      Những bất cập trong công tác quản lý và khai thác titan ở Bình Thuận      Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 17 Dự án khai thác mỏ titan đã quy hoạch dự kiến cấp phép khai thác, trong đó 8 dự án đã thăm dò xong. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc khai thác quặng ti tan trên diện rộng đã hủy hoại cảnh quan và địa hình tự nhiên; Làm gia tăng hiện tượng cát bay; Gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Quá trình khai thác và chế biến sâu quặng titan đã thải ra nhiều hóa chất độc hại ra môi trường, làm tích tụ và phát tán chất phóng xạ (dù chỉ ở mức độ ít nguy hiểm); Làm hoang mạc hóa toàn bộ phần cát sau khi tuyển sạch khoáng vật nặng cùng với vi sinh, mùn, chất hữu cơ…      Theo đánh giá của các nhà khoa học, đất cồn cát ven biển Bình Thuận chiếm một diện tích khá lớn (khoảng 16% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, nằm dọc theo bờ biển, kéo dài từ ranh giới Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu), có thành phần cơ giới nhẹ, tầng dày, nghèo mùn, giữ nước kém. Vào mùa khô (bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), gió mùa Đông Bắc thổi mạnh thường xuyên, kéo theo cát, bụi bay trong không trung và trên bề mặt đất từ biển vào bên trong đất liền, do thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió nên việc di chuyển dễ dàng của cát đã tràn lấp lên những khu vực canh tác, các khu dân cư tập trung sinh sống hoặc tạo nên những cồn cát mới... Ảnh hưởng nhiều nhất tại các thôn Hồng Thanh, Hồng Thịnh, Hồng Trung thuộc xã Hồng Phong, thôn Hồng Lâm, Hồng Chính, Hồng Thắng xã Hòa Thắng - huyện Bắc Bình. Nếu khai thác titan với quy mô lớn, diện rộng và khả năng sẽ xuống rất sâu dưới mực nước biển (thân quặng titan ở Bình Thuận có nơi đến độ sâu 200 m) thì việc khai thác sẽ rất khó khăn, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sinh thái, an sinh xã hội đối với cộng đồng cư dân ven biển, rất cần có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường tổng thể, toàn diện.      Thời gian gần đây, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan tại Bình Thuận đã có một số diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm quy định về BVMT trong khai thác quặng còn khá phổ biến. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tồn tại ở địa phương.      Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra Bộ TN&MT ngày 23/12/2010, 5 Công ty khai thác ti tan (Đô Thành, Đường Lâm, Dương Anh, Sao Mai, Hưng Thịnh Phát) trên địa bàn hai xã Hòa Thắng, Hồng Phong (huyện Bắc Bình) đã lập bản đồ hiện trạng khai thác chưa đúng quy định, khai thác không có thiết kế mỏ, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước. Thực tế, các công ty này đã không dùng nước ngọt để tuyển quặng như quy định, mà bơm thẳng nước biển lên để tuyển rồi xả vào môi trường đất. Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, với diện tích hơn 100 ha ven biển hiện có 5 đơn vị khai thác đều sử dụng nước biển để tuyển quặng, mỗi ngày từ 3.000 đến 4.000 m3/mỏ. Nước biển từ trên các gò cao dễ dàng thấm vào đất, cát đã xóa sổ toàn bộ các giếng nước ngọt mà người dân đã sử dụng, phá hủy toàn bộ đất nông nghiệp quanh khu vực khai thác.   Khai thác quặng ti tan trên diện rộng đã hủy hoại cảnh quan và địa hình tự nhiên        Mặc dù, tỉnh Bình Thuận đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhưng vẫn còn nhiều vi phạm, cụ thể: tháng 5/2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện 22 vụ, thu giữ trên 4.000 tấn titan và nhiều phương tiện khai thác. Đặc biệt, ngày 18/11/2013 vụ việc quá trình khai thác quặng tin tan đã gây sự cố vỡ bờ moong tại mỏ titan Suối Nhum của Công ty CP đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận gây nên bức xúc lớn trong dư luận về công tác quản lý BVMT. Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, lượng bùn thải trong hố moong rộng khoảng 1ha chảy dọc đường nội bộ mỏ, phá vỡ khoảng 100m tường rào hai bên cổng chính tràn ra biển. Sự cố môi trường này cho thấy, những tác động tiêu cực của các dự án khai thác titan gây ra cho môi trường.      Đề xuất các giải pháp BVMT trong khai thác titan      Để tăng cường BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản titan ở Bình Thuận, xin đề xuất một số giải pháp quản lý như sau:      Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và việc giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội; ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với BVMT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.      Cùng với việc phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng và cải tạo, phục hồi môi trường, nên điều chỉnh quy định phí BVMT có tính đến mức độ ô nhiễm môi trường như hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng.      Quy định cụ thể cách tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các trường hợp thời gian khai thác mỏ theo giấy phép khác với thời gian đã dự tính trong báo cáo đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường; Minh bạch các Quy định về cấp phép khai thác khoáng sản (cách tính/thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu thầu/chuyển nhượng quyền thăm dò/khai thác khoáng sản…); Phân cấp, phân vùng, phân quyền quản lý, tránh chồng chéo.      Bổ sung quy định về cải tạo, phục hồi môi trường chung cho các khu vực khai thác khoáng sản có nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác; quy trình, hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với từng loại hình khai thác; Cần có nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng cho công tác này; tính toán khoản tiền ký quỹ, hệ số trượt giá theo thực tế...      Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường...      Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi. Mặt khác, phải có ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi.      Trường hợp đã được duyệt dự án, trước khi bắt đầu khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải lập, trình đề án cải tạo, phục hồi môi trường. Các đối tượng được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ với số tiền bằng tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi, nhằm bảo đảm chắc chắn nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác có hiệu quả.      Ngoài ra, phải công khai các thông tin liên quan đến cộng đồng; cơ chế tham gia và giám sát của cộng đồng về việc thực hiện phục hồi môi trường trong quá trình khai thác mỏ. Có thể thiết lập đường dây nóng, hay trang web để người dân thông báo về ô nhễm môi trường do khai thác khoáng sản gây ra.   Dư Văn Toán Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014
Ý kiến của bạn