Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC)

15/09/2015

     Ngày 20/7/2015, tại Hà Nội, Bộ TN&MT cùng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, thông qua Viện Pháp ngữ về phát triển bền vững đã tổ chức Hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Vanuatu. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu tại Hội thảo.     Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo        INDC lần đầu được nhắc tới tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 19 (COP 19) tại Ba Lan năm 2013, nhằm kêu gọi tất cả các bên xây dựng INDC thực hiện mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng dưới 20C vào cuối thế kỷ 21. Tiếp đó, tại COP 20 tổ chức tại Lima (năm 2014), các bên đã thống nhất xây dựng và đệ trình INDC trong năm 2015 và các bên tham gia Công ước UNFCCC đang khẩn trương tiến hành các hoạt động đàm phán nhằm xây dựng Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu dự định được thông qua tại COP 21 tổ chức tại thủ đô Pari (Pháp) vào tháng 12/ 2015. Theo đó, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, INDC của mỗi quốc gia cần nêu rõ đây là đóng góp công bằng, được thực hiện với nỗ lực và cố gắng cao nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước, đồng thời góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất. Trong thời gian qua, nhiều hội thảo, diễn đàn quốc tế cũng như khu vực đã được tổ chức, nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin và đi đến thống nhất về nội dung trong INDC. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 19 INDC được chính thức gửi cho Ban thư ký Công ước.      Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, không nằm ngoài nỗ lực toàn cầu, từ năm 2014 Việt Nam đã tiến hành xây dựng INDC. Tôn trọng nguyên tắc của Công ước khí hậu về “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt”, công bằng và phù hợp với bối cảnh của một đất nước đang phát triển, mục tiêu của INDC Việt Nam là cung cấp các thông tin ban đầu về mức đóng góp dự kiến của Việt Nam với các thông tin rõ ràng, minh bạch và định lượng, kỳ vọng về giảm phát thải khí nhà kính, hoạt động thích ứng với BĐKH sẽ được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 cho UNFCCC. Qua đó thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam chung tay cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH, nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất và phát triển bền vững trong thời gian tới.   Toàn cảnh Hội thảo         INDC của Việt Nam gồm 2 hợp phần giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, trong đó hợp phần giảm nhẹ bao gồm các thông tin và mức đóng góp dự kiến định lượng, khả thi có kỳ vọng về giảm phát thải/tăng cường các bể hấp thụ khí nhà kính bằng các nỗ lực quốc gia cũng như có sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế cùng với việc áp dụng một số cơ chế thị trường các bon quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030; Hợp phần thích ứng bao gồm các thông tin và mức đóng góp của Việt Nam liên quan tới thích ứng với BĐKH được thực hiện trong cùng giai đoạn trên. Đồng thời, xác định các hành động ưu tiên thích ứng với BĐKH đối với các lĩnh vực nhạy cảm trước tác động của BĐKH như nông nghiệp, tài nguyên nước, vùng ven bờ. Trong giai đoạn 2021 - 2030, hành động thích ứng của Việt Nam bao gồm việc chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị.      Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm những nội dung liên quan đến xây dựng INDC về những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai, cũng như những giải pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng INDC, kịp thời phục vụ việc xây dựng và thông qua Thỏa thuận quốc tế 2015.   G.L
Ý kiến của bạn