Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần xử lý 104 làng nghề ô nhiễm nhất tại Việt Nam

15/09/2015

     ​Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến tại Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 20/4/2015.      Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề ở Việt Nam là 5.096; Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.74. Nhiều làng nghề đã tồn tại từ 500 đến 1.000 năm, thu hút sự tham gia của khoảng 10 triệu lao động, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến. Tuy nhiên, các làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp; Thị trường hạn hẹp; Đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức; Việc liên kết giữa các cơ sở, làng nghề còn nhiều hạn chế, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, nên hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chậm cải tiến, sức cạnh tranh kém. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất không có biện pháp xử lý chất thải, toàn bộ lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm… sử dụng hóa chất công nghiệp, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần so với quy chuẩn cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, hiện Việt Nam có đến 104 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần phải có kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020. Vì vậy, thời gian tới, việc công nhận làng nghề phải bám sát các điều kiện về BVMT.   Toàn cảnh Tọa đàm        Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như: Tiếp cận vốn tín dụng; giảm thiểu các thủ tục; tăng cường cho vay tín chấp; giảm lãi suất… Đồng thời, phát triển làng nghề không chỉ dừng lại ở mục đích tạo ra việc làm cho người dân địa phương, mang giá trị về kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị của người Việt từ văn hóa (ăn, mặc…), tâm linh (thờ cúng), sản xuất (dụng cụ sản xuất), nhà ở (giường, tủ, bàn ghế...), văn hóa nghệ thuật (trưng bày).                                                                                                PV (Tổng hợp)          
Ý kiến của bạn