Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Công ty Hoàng Giang - Đơn vị tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh tại Bắc Cạn

14/10/2013

     Công ty TNHH Hoàng Giang (Công ty Hoàng Giang) được thành lập năm 2005 tại địa chỉ Khu II Vân Tùng - Ngân Sơn, Bắc Cạn với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là khai thác chế biến khoáng sản, chăn nuôi kết hợp trồng cây nông - lâm nghiệp. Ngoài khai thác kinh doanh, chế biến khoáng sản, Công ty Hoàng Giang đi tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo việc làm cho nhiều công nhân lao động và người dân địa phương, tăng thu nhập, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

 

                                                        http://www.congthuongbackan.gov.vn/wp-content/uploads/2012/05/26042012038-nen.jpg

Ông Cao Văn Khang - Giám đốc Công ty Hoàng Giang (bên trái)

đón nhận Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000: 2005

     Thành công nhờ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

     Sau 7 năm đi vào hoạt động, phát triển ngành chăn nuôi kết hợp trồng trọt, Công ty Hoàng Giang có địa điểm sản xuất, kinh doanh tại thôn Cốc Xả, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn đã đạt được thành quả từ lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm sạch với sản phẩm thịt đà điểu, thịt lợn rừng. Ban đầu, chỉ từ 105 con đã điểu giống nhập về từ Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi Việt Nam, đến nay Công ty đã phát triển đàn đà điểu với số lượng trên 200 con bố mẹ. Năm 2010, trang trại chăn nuôi Pắc Ả thuộc Công ty đã ấp nở thành công 250 con đã điểu con; năm 2011 phát triển thêm được 370 đã điểu con. Năm 2012, hai trang trại gồm khu Pắc Ả và khu Mỹ Thanh dự kiến sẽ đưa tổng đàn đã điểu thương phẩm lên 650 con. Cũng từ 10 con lợn rừng lai nhập về từ Bình Dương năm 2008, đến nay Công ty đã phát triển đàn lợn bố mẹ thành 65 con, nâng tổng đàn lên 410 con.

 

                                                           http://hoanggiang.com.vn/uploads/9e8653fd-0.JPG

                                                                                     Trại chăn nuôi đà điểu

 

     Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, Ban lãnh đạo Công ty luôn ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua Công ty tư vấn Giải pháp quản lý năng suất chất lượng và Trung tâm chứng nhận phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, Công ty đã xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phù hợp với tiêu chuẩn Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005. Sản phẩm thịt đông lạnh mang thương hiệu “Thịt đà điểu và thịt lợn rừng lai Bắc Cạn” đã chính thức được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005. Công ty quyết tâm xây dựng thương hiệu Thịt đà điểu, Thịt lợn rừng lai Bắc Cạn trở thành một thương hiệu uy tín vững mạnh tiêu biểu của tỉnh. Xây dựng một hình ảnh Hoàng Giang có trách nhiệm với người tiêu dùng và với sự phát triển của địa phương, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.

     Xây dựng thương hiệu cho miến dong ở Ba Bể

    Tiếp quản từ cơ sở hạ tầng từ cơ sở chế biến dong riềng Nhất Thiện còn đang xây dựng dang dở, Công ty Hoàng Giang đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền khép kín trong chế biến dong riềng. Để có đầu ra ổn định trong sản xuất, Công ty khuyến khích bà con trồng dong riềng bằng cách sẽ cung cấp cho bà con giống, phân bón. Thời điểm giáp hạt Công ty sẽ ứng trước 50% giá trị của sản lượng dong dự kiến thu hoạch mà bà con sẽ bán cho công ty ngoại ra công ty sẽ trích 20% lợi nhuận để sử dụng vào quỹ bình ổn giá. Nên đảm báo giá thành thu mua nguyên liệu, tránh thiệt hại cho người dân. Điều mà các doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn lâu nay chưa làm được.Từ ý tưởng phát triển cây dong riềng, doanh nghiệp đã tìm đến các nhà khoa học có uy tín ở viện chế tạo máy để được tư vấn ứng dụng dây chuyền sản xuất miến dong hiện đại nhất hiện nay, với giá thành chỉ vào 2,5 tỷ đồng rẻ 8 lần so với thiết bị nhập ngoại mà vẫn phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như hiệu quả kinh tế đem lại.

     Để giúp người dân và các đầu mối thu mua chủ động và thuận tiện hơn trong khâu vận chuyển, Công ty Hoàng Giang đã thành lập 4 đội vận tải đi đến các điểm thu mua để vận chuyển dong riềng về công ty phục vụ việc chế biến. Với diện tích nhà xưởng 1.500 m2, bao gồm 4 khu nhà xưởng (xét tuyển bột, nhà kho nguyên liệu, xưởng chế biến miến và xưởng đóng gói), công suất chế biến 40 tấn củ/ngày, Công ty Hoàng Giang đã có kế hoạch thu mua khoảng 24.000 tấn dong củ và cam kết bao tiêu củ dong riềng cho các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn. Từ tháng 6/2012, Công ty đã hợp đồng nguyên tắc với các địa phương vùng nguyên liệu như: Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông và cam kết bao tiêu sản phẩm củ dong riềng cho người nông dân với giá thấp nhất là 1.600 đồng/kg.

     Theo đánh giá của Công ty Hoàng Giang, với hiệu quả kinh tế ổn định, người dân mở rộng diện tích, đầu tư chăm sóc cây dong riềng nên chất lượng củ tốt hơn so với trước kia. Ở các địa phương như xã Phúc Lộc, Hà Hiệu, Mỹ Thanh của huyện Ba Bể và huyện Ngân Sơn dong riềng có chất lượng khá cao với tỷ lệ tinh bột đạt khoảng từ 19 - 21%. Ông Trần Đức Khiêm - Cán bộ điều hành Nhà máy cho biết: Hiện nay Công ty đã lắp đặt 10 máy chế biến tinh bột và hệ thống máy lọc bột, nhưng hiện tại mới chỉ có thể hoạt động được 50% công suất, trung bình mỗi ngày sẽ chế biến được khoảng 200 tấn củ dong riềng. Công ty đang sử dụng 30 lao động là người địa phương với mức lương trung bình từ 3 triệu đồng trở lên, khi dây chuyền chế biến hoạt động hết công suất sẽ cần khoảng 60 công nhân. Bên cạnh chế biến tinh bột, Công ty Hoàng Giang hiện có dây chuyền chế biến miến dong với công suất 1 tấn sản phẩm/giờ, miến dong được sấy khô bằng điện nên sẽ bảo đảm an toàn vệ sinh, chất lượng cao. Cùng với việc xây dựng thương hiệu cho miến dong ở Ba Bể thì Công ty Hoàng Giang cũng đã xúc tiến đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu miến dong ra thị trường nước ngoài.

     Về công tác BVMT, Công ty đầu tư khu xử lý môi trường với quy trình thu hồi toàn bộ chất hữu cơ lơ lửng, trồng cỏ cao sản để hấp thụ lượng chất hữu cơ này, hạn chế nước thải tới mức thấp nhất ra môi trường. Vấn đề mà các cơ sở sản xuất cũng như làng nghề chế biến miến dong ở các tỉnh miền xuôi chưa làm. Điểm mới trong dây chuyền sản xuất, chế biến dong riềng là sẽ sử dụng toàn bộ lượng bã củ dong sau khi đã ép lấy tinh bột, Bã củ dong sẽ đưa vào trồng nấm. Với công suất của dây chuyền sẽ có khoảng 9.600 tấn bã, từ số bã này sẽ sản xuất được 6.000 tấn nấm thành phẩm/năm. Trồng nắm lại là nghề mà công ty đã có nhiều kinh nghiệm trước đây. Từ bã của chế thải trồng nấm Công ty sẽ đưa vào sản xuất phân hữu cơ vi sinh, cung cấp phân bón cho những hộ dân trồng dong riềng, vừa tiết kiệm được 50% chi phí mua phân bón, vừa hiệu quả cao do đất được cải tạo tốt.

 

                     

Dây chuyền sản xuất dong riềng

 

     Có thể nói, cây dong riềng đã mang lại thu nhập khá cho nông dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số và các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn những năm gần đây. Tuy nhiên, từ thực tế năm 2012 cho thấy, tỉnh cần phải tổ chức lại từ khi trồng đến khâu chế biến sản phẩm dong riềng nhằm làm cho loại cây này phát triển lâu dài, giúp nông dân xóa giảm nghèo một cách bền vững.

     Công ty Hoàng Giang là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc tiêu thụ nông sản kết hợp với đầu tư cho nông dân nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Do đó Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến hoạt động xuất khẩu, tiếp cận nguồn vốn... để Công ty Hoàng Giang yên tâm sản xuất và là cầu nối quan trọng hỗ trợ hộ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản tại địa phương.

 

N.H

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2013

Ý kiến của bạn