Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Các tác động môi trường từ hoạt động khai thác sa khoáng titan

15/09/2015

                                                                                                                                          Tại mỏ Hưng Lạc, rừng bị tàn phá để khai thác titan       Bình Định là một trong những tỉnh có trữ lượng titan lớn nhất cả nước, với tổng trữ lượng khoảng 10 triệu tấn ilmenit (sa khoáng chính dùng để sản xuất titan). Mỗi năm, Bình Định khai thác khoảng 150 nghìn tấn ilmenit, chủ yếu là xuất khẩu quặng thô và tinh quặng, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên này còn thấp.      Tuy nhiên, hầu hết các dự án đầu tư khai thác, tuyển quặng đều tác động đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội. Bởi vậy, đánh giá tác động môi trường cần phân tích, đánh giá, dự báo những ảnh hưởng tiêu cực cũng như tích cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.      Sự thay đổi địa hình và nguy cơ xói lở bờ biển      Trong quá trình khai thác quặng sa khoáng, trật tự địa tầng của các lớp cát cũng như bề mặt địa hình của cồn cát hoàn toàn bị xáo trộn và thay đổi so với ban đầu. Khi khai thác, những diện tích trũng mới hình thành với độ sâu 6-10 m và đến khi hoàn thổ do không được kiểm soát chặt chẽ nên địa hình vẫn còn những hố tròn, trũng, sâu 1-2 m. Bên cạnh đó có những đụn cát mới cao 3-4 m so với mặt bằng xung quanh. Như vậy có thể thấy, việc thay đổi địa hình trong khu vực khai thác titan là khá rõ nét.      Bình Định có đường bờ biển dài trên 134 km, là nơi chịu tác động trực tiếp của sóng lớn khi có gió mùa Đông Bắc và bão. Hoạt động khai thác titan trên cồn cát đã phá hủy đai rừng phòng hộ, làm xáo trộn cồn cát, thay đổi bề mặt địa hình. Ngoài ra, ranh giới của một số khu khai thác còn áp sát đến đê cát tự nhiên ngoài cùng, có nơi chỉ cách mép nước biển 80 m như ở khu vực mỏ Tân Thành. Hậu quả là trạng thái cân bằng tự nhiên của cồn cát và đới bờ biển bị phá vỡ.      Thảm thực vật và rừng phòng hộ bị tàn phá      Thảm thực vật tự nhiên, chủ yếu là các lùm cây bụi và các loại cỏ dại như cây bồ cu, chim chim, dũ dẽ, trâm bầu, cỏ gấu, cỏ lông chông mọc ở ven biển. Tuy  số lượng không nhiều nhưng chúng có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ven biển. Trên dải cồn cát ven biển là rừng cây phi lao với các loại cây bụi và cỏ dại đã hình thành đai rừng phòng hộ. Đai rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn cát bay, chắn gió bão, bảo vệ các khu dân cư, đồng thời cung cấp một phần chất đốt cho dân cư địa phương.      Tuy nhiên, có một số trường hợp xảy ra, sau khi hoàn thành công việc, công ty khai thác đã trồng phi lao thành những rừng cây xanh tốt thì các công ty khai thác khác lại đến chặt phá để khai thác tận thu quặng. Kết quả là rừng phi lao phòng hộ ven biển hiện nay không còn như những năm về trước. Ngoài ra, các công ty khai thác còn chậm trễ trong việc hoàn thổ, trồng lại rừng để bù vào những khoảnh rừng đã mất. Điều này cho thấy, có sự chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động khai thác titan.      Sự thay đổi chất lượng nước ngầm      Nguồn nước ngầm tương đối phong phú trong dải cồn cát rộng và cao. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và một phần tưới tiêu cho dân cư địa phương. Tuy nhiên, lưu lượng nước ngầm lại có sự biến động mạnh theo mùa, nguồn nước vào mùa mưa thì dồi dào và mùa khô có sự thiếu hụt.      Việc khai đào gây hiện tượng xáo trộn cấu trúc của tầng cát đến độ sâu 8-15m so với bề mặt địa hình ban đầu, cùng với việc mở rộng các hố khai thác đến gần bờ biển. Đồng thời, việc sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ cho hoạt động khai thác và tuyển quặng làm cho một lượng lớn nước bị bốc hơi và hao hụt. Điều đó dẫn đến chất lượng cũng như trữ lượng nguồn nước ngầm bị thay đổi. Mực nước ngầm sẽ bị hạ thấp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của dân cư trong vùng.      Các tác động đến môi trường không khí     Trong quá trình chế biến tinh quặng titan tại phân xưởng của các nhà máy sẽ gây tác động đến môi trường ở mức độ khác nhau, do đó chủ dự án cần phải có biện pháp giảm thiểu các tác động đến môi trường.      Quy trình công nghệ khai thác quặng titan có thể gây bụi cát. Bụi cát có hàm lượng silic tương đối lớn do cát khu vực này có hàm lượng SiO2 chiếm 95.76%. Bụi silic là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Bên cạnh đó, khí thải động cơ và bụi phát sinh từ các phương tiện vận chuyển và máy móc khai thác gây ô nhiễm và tác động đến môi trường xung quanh.      Quặng thô sau quá trình khai thác được đem về phân xưởng và phơi khô tại sân hay được sấy khô. Do đó, bụi được gió cuốn từ các sân phơi quặng làm ô nhiễm không khí trong khu xưởng và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm bụi kim loại. Bụi cũng phát tán trong các công đoạn tuyển quặng trên các máy tuyển gây ảnh hưởng cho công nhân vận hành và công nhân tham gia sản xuất trong phân xưởng.      Nhiệt thoát ra từ các lò sấy quặng cũng gây ảnh hưởng tới người lao động và môi trường xung quanh. Nếu không được quản lý và áp dụng các biện pháp chóng nóng tốt thì sẽ gây hậu quả khôn lường cho công nhân trong phân xưởng.      Xung đột xã hội      Khai thác quặng ilmenit là hoạt động gây ra nhiều tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội. Khoáng sản trong lòng đất là tài sản của quốc gia do Nhà nước quản lý, các công ty được cấp phép khai thác thu lợi nhuận cao, trong khi cộng đồng dân cư ở khu vực có sa khoáng titan chịu nhiều thiệt thòi và tổn thất.      Một khi lợi ích thu được từ khai thác tài nguyên không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng dân cư thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội. Có lúc, có nơi, mâu thuẫn trở nên gay gắt. Như vậy, mâu thuẫn xã hội nảy sinh liên quan đến hoạt động khai thác quặng ilmenit, có khi lên đến đỉnh điểm gây mất trật tự, an ninh chính trị khu vực ven biển.      Kết luận      Tài nguyên khoáng sản titan là một dạng tài nguyên quý hiếm, có giá trị cao và là nguyên liệu rất có triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác titan trên địa bàn tỉnh diễn ra ồ ạt và phức tạp đã phá hủy nhiều diện tích rừng. Bên cạnh đó làm hư hỏng đường giao thông nông thôn, thay đổi bề mặt địa hình nơi khai thác, nguy cơ xói lở bờ biển, suy kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm do phóng xạ và ô nhiễm môi trường đất, không khí. Đồng thời làm nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa các bên có liên quan.      Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đề ra những chiến lược cụ thể trong việc khai thác và sử dụng quặng sa khoáng titan ven biển, ban hành cơ chế, chính sách hợp lý, chỉ đạo các địa phương có nguồn tài nguyên sa khoáng titan ngừng ngay các hoạt động khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô. Đồng thời kết hợp xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT và chậm trễ, không chấp hành việc hoàn thổ, trồng lại rừng.      UBND tỉnh nên có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền khai thác tiên tiến, công nghệ chế biến sâu. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị sản xuất trong nước có sử dụng trực tiếp các sản phẩm hậu titan như các lĩnh vực sản xuất que hàn, bột màu, gốm sứ, sơn, giấy, nhựa.      Tăng cường nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục ý thức BVMT cho người dân và các doanh nghiệp khai thác titan. Bằng những nguồn lợi thu được từ sa khoáng titan, cần đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, các dịch vụ phục vụ người dân tại các địa phương đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, BVMT khu vực ven biển.   ThS. Võ Thanh Tịnh Chi cục BVMT Bình Định                                                                                                 TS. Chế Đình Lý                                                                         Viện Môi trường và Tài nguyên Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013  
Ý kiến của bạn