Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Biến bùn thải ao tôm thành phân bón

15/09/2015

     Công trình khoa học “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm” do sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, Lê Minh Vương thực hiện, đã được chuyển giao miễn phí cho bà con ở Quãng Ngãi, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Tây. Với nghiên cứu này, bà con nuôi tôm vừa có thể tận dụng bùn từ ao nuôi, qua các bước cải tạo thành phân bón vi sinh; đồng thời có thể kết hợp để nuôi trùn quế, bán thành phẩm ra ngoài thị trường, phân trùn một lần nữa được sử dụng làm phân bón vi sinh, việc này vừa giúp tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.   Lê Minh Vương tìm hiểu kỹ thuật trồng rau sạch tại vườn rau sạch ở Củ Chi, TP.HCM        Vương cho biết: “Trong nuôi tôm thâm canh, chỉ có 15 - 20% thức ăn được dùng vào phát triển mô động vật, còn lại bị thải ra ngoài. 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với mật độ 200 con/m2, năng suất khoảng 20 tấn/ha/vụ sẽ thải ra môi trường khoảng 15 - 20 tấn chất thải, chủ yếu là thức ăn dư thừa, phân tôm. Hậu quả ô nhiễm từ lượng bùn khổng lồ này rất lớn và việc sử dụng chúng để cải tạo làm phân bón là hết sức thiết thực. Hơn nữa, hàm lượng chất hữu cơ, đạm, phốt pho… trong bùn khá cao, có thể tận dụng để cải tạo thành phân bón hữu cơ chất lượng cao.”      Ngoài công trình trên, Vương cũng cho ra đời nhiều nghiên cứu cải tiến chất lượng nước, gồm “Mô hình chuyển hóa nước mặn thành nước ngọt”; “Ba lô lọc nước”; “Sử dụng tảo Chlorella xử lý nước thải chế biến thủy sản”… Đặc biệt, cuối năm 2014, sản phẩm sáng tạo mới mang tên “Mô hình tủ lạnh không sử dụng điện và kết hợp hệ thống lọc nước dung tích nhỏ” đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững” do Tổng cục Môi trường tổ chức.      Hiện công trình nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ này đang được Công ty PETECH Corporation tại TP.HCM đầu tư sản xuất đại trà và đang trong giai đoạn triển khai bước đầu.   Phạm Tuyên
Ý kiến của bạn