Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

11 dự án các-bon thấp được tham gia Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam

16/02/2024

    Ngày 22/1/2024, Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam đã công bố 11 dự án sáng tạo về các-bon thấp được chọn tham gia vào giai đoạn hai của Chương trình.

    CFA là Chương trình do Chính phủ Anh tài trợ nhằm nâng cao năng lực của dự án các-bon thấp và cơ hội thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế. 11 dự án được chọn vào giai đoạn 2 của CFA thuộc các lĩnh vực có khung chính sách và quy định đã được kiện toàn bao gồm: năng lượng sạch và chuyển dịch năng lượng, phương tiện giao thông điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải… giúp giảm thiểu rủi ro chậm trễ của dự án. 436 triệu USD là tổng nguồn đầu tư mà các dự án này đang tìm kiếm nhằm góp phần vào nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Phát triển giao thông xanh là một trong những dự án được tham gia Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu

    Danh sách 11 dự án tham gia vào giai đoạn hai của chương trình CFA Việt Nam bao gồm: Dự án Apeh Việt Đan - nuôi tôm có trách nhiệm, thân thiện với môi trường; Dự án Babio - nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm tự hủy sinh học thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu xanh như tinh bột, cellulose để thay thế các loại nhựa truyền thống; Dự án Cenergy - sản xuất pin dòng oxy hóa khử nội địa và cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng đáng tin cậy cho khách hàng công nghiệp; Dự án CME Biomass - Với một hệ sinh thái toàn diện bao gồm việc trồng rừng - sản xuất - nhà máy điện sinh khối; Dự án Công nghệ Dược phẩm Quốc tế Đại Việt - phát triển mô hình nuôi tảo Spirulina platensis trên quy mô công nghiệp; Dự án Công ty cổ phần Emmay và các cộng sự - tạo ra nguồn protein bền vững và lành mạnh hơn từ nấm và thực vật; Dự án Grac - cung cấp giải pháp số cho quản lý rác và tái chế tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn; Dự án Liên doanh Lagom Việt Nam và UPP! UpCycling Plastic - tái chế rác thải nhựa có giá trị thấp và khó tái chế trên quy mô lớn và chi phí thấp thành vật liệu xây dựng; Dự án Phương tiện điện Thông minh Selex - hệ sinh thái điện tử dành cho giao thông đô thị; Dự án thử nghiệm sản xuất hydro/amoniac xanh TGS Trà Vinh 2.5MW - sản xuất và kinh doanh hydro/amoniac xanh, năng lượng sạch và bền vững cho các ngành công nghiệp, giao thông, năng lượng; Dự án Việt Nam Food (VNF) - ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải để chế biến phụ phẩm từ tôm thành các sản phẩm ứng dụng có giá trị.

    Sau các buổi cố vấn và xây dựng năng lực, các dự án sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tại một hội thảo được dự kiến tổ chức vào tháng 5/2024. Hội thảo này sẽ cho phép các đơn vị phát triển dự án điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu tài chính của mình thông qua các cuộc thảo luận đi sâu vào từng dự án với các tổ chức tài chính quan tâm. Đồng thời tạo cơ hội cho các dự án tham gia tạo dựng mạng lưới quan hệ và cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách hiểu được những thách thức mà các bên liên quan khác phải đối mặt trong lĩnh vực tài chính khí hậu.

    CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện 11,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính khí hậu quốc tế (ICF) của Vương quốc Anh tài trợ. Chương trình được triển khai ở 10 quốc gia trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng nguồn dự án các-bon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia. CFA là một trong những nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Đồng thời, hỗ trợ triển khai Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng Việt Nam (V-JETP) được thỏa thuận vào tháng 12/2022. PwC Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện chương trình CFA Việt Nam.

Nam Việt

Ý kiến của bạn