Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ứng dụng các mô hình thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa thân thiện với môi trường

15/09/2015

     Hiện nay, các TP lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, dẫn đến tình trạng gia tăng dân số tại các đô thị, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, trong đó có hệ thống cấp nước cũng như nguồn cung cấp nước. Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, lượng nước khai thác, sử dụng cho các đô thị hiện nay là khoảng 6 triệu m3/năm và chủ yếu được khai thác từ nguồn nước ngầm (30%). Hoạt động khai thác với cường độ lớn đã dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt và chất lượng nguồn nước ngầm cũng suy giảm. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt cung cấp cho các đô thị cũng ngày càng khan hiếm và có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các loại chất thải khác nhau, gây ra nhiều hiểm họa cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước tại các đô thị, đặc biệt là vào mùa mưa, lượng nước mưa đổ về các tuyến cống quá lớn, gây ra hiện tượng ngập úng.      Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng) đã tiến hành một số nghiên cứu hướng tới các giải pháp thoát nước đô thị bền vững theo phương thức quản lý tổng hợp nguồn nước, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý để giải quyết vấn đề trên. Tiêu biểu như Đề tài nghiên cứu “Thử nghiệm thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong đô thị’’ do Viện phối hợp với Trung tâm nước mưa (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) thực hiện từ năm 2010. Theo đó, nước mưa được thu gom từ mái của các tòa nhà trong khuôn viên trường Đại học Xây dựng, với diện tích thu gom xấp xỉ 800 m2, chảy theo các đường ống dẫn vào các bể chứa. Hệ thống gồm các công trình và thiết bị như các đường ống thu và dẫn nước mưa, thiết bị tách nước mưa đợt đầu, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước mưa bằng công nghệ màng vi lọc (MF), mạng lưới đường ống phân phối nước tới các vòi uống nước trực tiếp. Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành lắp đặt hàng chục hệ thống thu gom, xử lý và cung cấp nước mưa cho các hộ gia đình nghèo, nhà trẻ, trạm y tế ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, Hà Nam.   Lễ ký kết thực hiện Dự án Nước mưa S.I.R        Kế thừa kinh nghiệm từ ngàn năm của thế hệ trước và tham khảo các biện pháp trong thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa của các nước khác, các tác giả khuyến cáo áp dụng các giải pháp đồng bộ như thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong đô thị theo mô hình phân tán; Tăng cường lưu trữ nước mưa, thấm và bổ cập cho nguồn nước ngầm; Tiết kiệm nước trong sử dụng, xử lý và tái sử dụng nước thải để giải quyết vấn đề khan hiếm nước sạch cấp cho đô thị, suy thoái nguồn nước ngầm, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng úng ngập trong các TP, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đối khí hậu.      Năm 2015, tiếp tục các hoạt động hợp tác, Đại học Xây dựng phối hợp cùng với Đại học Tổng hợp Seoul và Công ty Eco-Protect (Hàn Quốc) triển khai mô hình pilot trình diễn công nghệ mới, ôzôn hóa, xử lý nước cấp và nước thải (Dự án H.O.P.S) với các nội dung chính: Nghiên cứu lắp đặt hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp, công nghệ khử trùng bằng ôzôn và đánh giá kết quả vận hành; Nghiên cứu lắp đặt hệ thống xử lý nước thải của tòa nhà Thí nghiệm trường Đại học Xây dựng, công nghệ ôzôn hóa. Với hệ thống này, nước thải sau xử lý có thể đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường hoặc tái sử dụng trong tưới cây; Đánh giá kết quả vận hành. Địa điểm lắp đặt mô hình xử lý nước mưa là trên nóc bể nước mưa hiện có của Viện Khoa học Kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng); Mô hình xử lý nước thải đặt trên nóc và cạnh bể tự hoại hiện có, sau nhà thí nghiệm 10 tầng; Cụm vòi uống nước trực tiếp cho giảng viên và sinh viên tại sảnh tầng 1 của nhà thí nghiệm.      Bên cạnh Dự án HOPS, hai bên cũng bắt đầu triển khai Dự án Tăng cường năng lực về nghiên cứu nước mưa (S.I.R) do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Hàn Quốc KOICA tài trợ. Thời gian thực hiện trong vòng 12 tháng (từ tháng 3/2015 - 3/2016). Mục tiêu của Dự án nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, sinh viên tại các trường đại học về sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước; Lắp đặt một số hệ thống thu gom nước mưa trình diễn ở các vùng khan hiếm nước sạch tại Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng cho cư dân về công nghệ thu gom, xử lý, cách thức sử dụng nước mưa; Quan trắc tại các địa điểm đã lắp đặt; Tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy về sử dụng nước bền vững.   Khánh thành và đưa vào sử dụng Hệ thống cấp nước uống từ nước mưa H.O.P.S        Nội dung chính của Dự án bao gồm: Lồng ghép nội dung thu gom nước mưa vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu ở trường Đại học Xây dựng; Thực hiện các nghiên cứu về thu gom nước mưa; Lựa chọn, lắp đặt hay nâng cấp một số hệ thống thu gom nước mưa tại các vùng khan hiếm nước sạch; Quan trắc các hệ thống nước mưa đã được lắp đặt và khảo sát, đánh giá sự thay đổi nhận thức, tổ chức tập huấn cho người dân quản lý hệ thống nước mưa. Bên cạnh đó, lắp đặt một số hệ thống thu gom nước mưa cho một số trường học, trung tâm y tế, quan trắc hoạt động của hệ thống; Tổ chức các chương trình tình nguyện lắp đặt hệ thống nước mưa và trao đổi khoa học giữa cán bộ, sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam; Báo cáo kết quả nghiên cứu ở một số Hội nghị, Hội thảo quốc tế có liên quan. Ngoài ra, Viện Khoa học Kỹ thuật môi trường cũng kết nối Dự án này với các hoạt động nghiên cứu đang triển khai tại trường Đại học Xây dựng về Mái nhà xanh, Công trình xanh, thu hồi tài nguyên và phát triển đô thị bền vững…      Vừa qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường và Trung tâm Nghiên cứu Nước mưa, trường Đại học Quốc gia Seoul, Công ty Eco-protect cùng các đối tác long trọng tổ chức Lễ Khánh thành, đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp, với công nghệ ôzôn H.O.P.S và Lễ ký kết triển khai thực hiện Dự án Tăng cường năng lực về nghiên cứu nước mưa. Có thể nói, những dự án này là cơ hội tốt để Viện Khoa học Kỹ thuật môi trường cũng như Khoa Kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng) nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, hội nhập quốc tế cũng như nâng cao vị thế của mình và phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng.   PGS.TS. Nguyễn Việt Anh Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015  
Ý kiến của bạn