Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ðề xuất giải pháp giảm thiểu thủy sinh vật ngoại lai xâm hại

15/09/2015

   Các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại - NLXH (gồm động vật, thực vật sống trong môi trường nước) là loài lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Theo Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có 48 loài động, thực vật thủy sinh ngoại lai, trong đó có 10 loài xếp vào mục vào mục “trắng”là những loài không có tác động xấu tới ĐDSH và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống; 24 loài xếp vào mục “xám” là những loài chưa rõ có hay không tác động xấu tới ĐDSH và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống nên cần phải tiếp tục theo dõi; 14 loài xếp vào mục “đen” là những loài tác động xấu tới ĐDSH và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần được quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên như rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá hoàng đế, cá hổ, cá vược miệng bé, cá vược miệng rộng, tôm càng đỏ, ốc biêu vàng…   Kiểm soát các loài thủy sinh vật NLXH đang trở thành vấn đề cấp bách NGUYÊN NHÂN GIA TĂNG CÁC LOÀI THỦY SINH VẬT NGOẠI LAI    Nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của các loài thủy sinh vật ngoại lai là do các sinh vật và vi sinh vật vào Việt Nam theo con đường tự nhiên (theo gió, dòng nước, theo các loài di cư) và do hoạt động nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải thương mại, con người đã vô tình hay hữu ý đưa các loài sinh vật từ nơi khác đến Việt Nam. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng không được kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Tác động mà các loài thủy sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống thường là cạnh tranh với các loài thủy sản bản địa về thức ăn, nơi sống, ăn thịt các loài khác, phá hủy hoặc làm mất cân bằng sinh thái, môi trường, truyền bệnh... Thực tế cho thấy, nhiều loài NLXH không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn “ủ bệnh” trước khi bùng phát. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng, sinh sản của từng loài cũng như môi trường mà chúng xâm nhập vào. Bài học ốc bươu vàng là một ví dụ điển hình. Được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước, loài ốc này đã nhanh chóng lan từ miền Nam ra miền Bắc, phá hại nghiêm trọng sản xuất của các địa phương. Đến nay cũng chưa có thống kê một cách đầy đủ những thiệt hại do ốc bươu vàng gây nên, nhưng sơ bộ, chi phí cho chiến dịch tiêu diệt ốc bươu vàng trong cả nước lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, những đe dọa từ ốc bươu vàng đến hệ sinh thái, môi trường, suy giảm đa dạng sinh học bản địa cũng là điều mà các chuyên gia môi trường lo ngại. Hay như ở Đồng Nai, một số loài cá ngoại lai, trong đó có loài cá hoàng đế xuất hiện tại hồ Trị An. Đây là loài ngoại lai du nhập từ Nam Mỹ, do một số hộ dân thả xuống lòng hồ để nuôi làm cá cảnh. Không lâu sau, loài cá hoàng đế xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều trong khu vực lòng hồ Trị An. Loài cá hoàng đế ăn tạp và sinh trưởng rất nhanh gây mất cân bằng hệ sinh thái…    Ngoài ra, hoạt động thải nước dằn tàu ra biển có nguy cơ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ sản và môi trường biển do sự xâm nhập của các loài thủy sinh vật lạ. Theo các số liệu đã được công bố, hàng năm các tàu thuyền trên thế giới thải ra khoảng 10 tỷ tấn nước dằn tàu, một con tàu có thể hút nước dằn cùng với vô số sinh vật biển tại một vùng biển rồi xả nước đó ở một vùng biển khác. Có khoảng 7.000 loài sinh vật khác nhau được vận chuyển vòng quanh thế giới trong các két nước dằn. Chỉ một số ít trong đó có thể tồn tại trong môi trường mới nhưng cũng đủ làm biến đổi nhiều hệ sinh thái. Tại Việt Nam, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, hoạt động hàng hải ngày càng phát triển, các tàu đến cảng biển thường bơm thải nước dằn tàu trong quá trình nhận, trả hàng.Các hoạt động này có thể phát sinh các vi sinh vật gây nhiễm nấm các loài tảo biển và có thể lây lan nhanh chóng ở những chủng loại bản địa dễ tổn thương. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THỦY SINH VẬT NGOẠI LAI    Để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan, giảm thiểu tác hại của một số loài thủy sinh vật ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam, trước hết cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện nội dung Kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH của Luật Đa dạng sinh học. Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý loài thủy sinh vật NLXH. Xây dựng các văn bản xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến loài thủy sinh vật NLXH. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH. Nâng cao năng lực và sự phối hợp của các đơn vị kiểm định, khảo nghiệm, các chi cục hải quan. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ phòng ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH.    Đồng thời, áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ để ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý loài thủy sinh vật NLXH. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát hiện, khảo nghiệm, phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro đến môi trường và đa dạng sinh học, kiểm soát và diệt trừ các loài thủy sinh vật NLXH. Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học trong việc áp dụng phương pháp phòng trừ sinh học và giải pháp tổng hợp trong kiểm soát, diệt trừ các loài thủy sinh vật NLXH tại Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ để xác định hướng lây lan của các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài thủy sinh vật NLXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài thủy sinh vật NLXH. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, phổ biến việc nhận dạng loài thủy sinh vật NLXH, phương pháp ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ và tiến tới loại bỏ loài NLXH; tăng cường đào tạo, tập huấn cho sinh viên tại các trường đại học chuyên ngành về phân loại học đối với loài thủy sinh vật ngoại lai. Thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về loài thủy sinh vật NLXH trên toàn quốc.    Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác phòng ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH. Bảo đảm kinh phí cho công tác ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ các loài thủy sinh vật NLXH, chú trọng đầu tư cho hoạt động ngăn ngừa, diệt trừ và tiến tới loại bỏ các loài thủy sinh vật NLXH nguy hiểm. Tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, chuyển giao công nghệ phục vụ công tác ngăn ngừa, diệt trừ và quản lý các loài thủy sinh vật NLXH. Áp dụng các công cụ kinh tế trong ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ và quản lý loài thủy sinh vật NLXH.    Tăng cường hợp tác quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH, đặc biệt với các nước trong khu vực ASEAN, các quốc gia thành viên Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài NLXH. Tích cực tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH.Đa dạng hóa các hình thức hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực về ngăn ngừa và kiểm soát loài thủy sinh vật NLXH. Sớm tham gia ký kết và thực thi Công ước quản lý nước dằn tàu (BWM) của Tổ chức IMO và nhiều công ước của IMO khác cùng các công cụ như hệ thống các vùng đổ thải, các trang thiết bị thu gom nước thải tại các cảng biển, nhằm ngăn chặn, quản lý và kiểm soát các loại vi sinh ngoại lai qua nước dằn tàu; yêu cầu tàu thuyền phải có các trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm, thực hiện việc thải theo quy định và ghi chép chính xác việc thải này, còn đối với cảng thì phải có các trang thiết bị thích hợp để tiếp nhận các chất thải từ tàu… DƯ VĂN TOÁN VIỆN NGHIÊN CỨU BIỂN VÀ HẢI ĐẢO (Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015)    
Ý kiến của bạn