14/05/2025
Hươu xạ (Moschus berezovskii caobangis) còn được gọi là Hươu xạ lùn, là một trong 8 loài hươu xạ, chủ yếu được tìm thấy ở châu Á; nằm trong nhóm nguy cấp của Sách đỏ IUCN và Nhóm IB Nghị định 84/2021/NĐ-CP với số lượng chỉ còn dưới 50 cá thể tại Việt Nam (số liệu ước tính cuối 2023) và hiện đang phải đối mặt với áp lực lớn từ săn bắt, bẫy cũng như môi trường sống bị phân mảnh. Tuy không có gạc nhưng cá thể đực có răng nanh to tạo thành ngà giống như lưỡi kiếm được sử dụng để cạnh tranh giành con cái trong mùa giao phối. Chúng cũng có tuyến mùi đặc biệt và chính điều này khiến chúng trở thành mục tiêu của hoạt động buôn bán xạ hương bất hợp pháp nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành nước hoa, mỹ phẩm.
Hươu xạ được ghi nhận tại Cao Bằng
Hươu xạ lần đầu tiên được ghi nhận bằng bẫy ảnh tại một khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam vào năm 2021, giúp xác nhận sự tồn tại của loài ở Việt Nam sau hơn hai thập kỷ vắng bóng. Lần ghi nhận này không chỉ củng cố thêm cơ sở bảo tồn Hươu xạ mà còn nối dài hy vọng cho việc bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam. Việc bảo tồn loài Hươu xạ có tầm quan trọng lớn vì chúng đóng vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái rừng và là loài chỉ thị sức khỏe hệ sinh thái, chẳng hạn Hươu xạ thường tiêu thụ nhiều loại quả chín và lá cây, góp phần phát tán hạt giống khắp môi trường sống của chúng và thói quen ăn cỏ của loài này cũng giúp duy trì sự đa dạng của rừng.
Vừa qua, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tại Việt Nam đã ghi nhận được hình ảnh loài Hươu xạ trong tự nhiên tại Cao Bằng thông qua bẫy ảnh. Dự tính, FFI sẽ sử dụng dữ liệu để đảm bảo ước tính tốt hơn về quy mô quần thể Hươu xạ tại Cao Bằng, đồng thời làm việc với cộng đồng địa phương để tiến hành đặt bẫy ảnh có hệ thống hơn nhằm ghi lại dữ liệu về các loài khác, chẳng hạn như gấu đen châu Á.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Quản lý dự án FFI tại Việt Nam, kết quả của FFI có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn của người dân địa phương cùng lực lượng kiểm lâm, những người cung cấp thông tin quan trọng về nơi có thể tìm thấy Hươu xạ và hướng dẫn FFI đến những địa điểm rất khó khăn để đặt bẫy ảnh. Kiến thức bản địa của cộng đồng về khu vực này rất quan trọng đối với nỗ lực bảo tồn của FFI tại Cao Bằng.
An Vi