15/05/2025
Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, liên tục được xếp vào danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới, từng được ghi nhận tại một số tỉnh của Việt Nam nhưng hiện chỉ phân bố hẹp ở Hà Giang và Tuyên Quang. Trong đó, tại Tuyên Quang, quần thể loài suy giảm mạnh mẽ, hiện chỉ còn ghi nhận được dấu vết thức ăn và/hoặc tiếng kêu của loài ở những khu vực rừng sâu. Tại Hà Giang, loài này được ghi nhận vào năm 2002, hiện tăng lên 270 cá thể nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực Khau Ca (huyện Vị Xuyên, Bắc Mê) và một số nhỏ phân bố tại khu vực Tùng Vài (huyện Quản Bạ). Đáng chú ý, tại Quản Bạ, voọc mũi hếch được nhìn thấy lần cuối vào năm 2020 và hiện không tìm thấy dấu vết của loài dù các tổ chức bảo tồn có thực hiện các cuộc khảo sát quy mô. Thực trạng quần thể voọc mũi hếch tại cả Quản Bạ và Tuyên Quang cho thấy cần triển khai các nỗ lực rất cấp bách để bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Mới đây, từ ngày 30/3 - 4/4/2025, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức khảo sát hiện trạng bảo tồn loài voọc mũi hếch tại tỉnh Tuyên Quang thông qua thu thập tài liệu và ghi nhận thông tin từ các cơ quan kiểm lâm cùng chính quyền địa phương và cộng đồng tại 4 xã thuộc ba huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa. Đây là những địa điểm từng ghi nhận sự xuất hiện của voọc mũi hếch - loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới và là phân loài đặc hữu của Việt Nam với số lượng quần thể được khảo sát ban đầu lên tới hơn 100 cá thể vào những năm 1990. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, số lượng loài có dấu hiệu suy giảm mạnh, hiện gần như ít được quan sát hoặc ghi nhận bằng hình ảnh trong thực tế.
Trong quá trình thực hiện, nhóm khảo sát đã tiến hành phỏng vấn, ghi nhận thông tin tại 3 thôn (Tát Kẻ, Nà Cọn, Bản Bung) tương ứng thuộc 3 xã (Khâu Tinh, Sơn Phú, Thanh Tương) của huyện Na Hang từ ngày 30/3 - 3/4 và ngày 4/4 ghi nhận thông tin tại Hạt Kiểm lâm Hàm Yên cùng xã Hà Lang (huyện Chiêm Hóa). Có tổng cộng 35 cá nhân là cán bộ kiểm lâm cấp tỉnh, huyện, xã cùng lãnh đạo xã, trưởng thôn, người dân địa phương tham gia chia sẻ thông tin, trong đó, nhóm phỏng vấn sâu 16/18 cán bộ kiểm lâm, 9/12 người dân địa phương từng tham gia khảo sát voọc mũi hếch hoặc có nhiều kinh nghiệm đi rừng, nhằm thu thập thông tin về hiện trạng bảo tồn voọc mũi hếch; nguyên nhân khiến loài suy giảm cùng những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh nói chung. Ngoài ra, nhóm cũng trao đổi, làm việc với 5 cán bộ xã nhằm thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn, các nguồn sinh kế chính của người dân, nét đặc trưng văn hóa và những yếu tố có thể tác động tới sự suy giảm của loài.
Nhóm khảo sát trao đổi, thu thập thông tin tại Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ Na Hang
Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng voọc mũi hếch tại cả hai khu vực Na Hang, Cham Chu đều suy giảm mạnh với rất ít báo cáo về sự xuất hiện của loài trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Một số ý kiến cho biết chỉ còn ghi nhận được dấu vết thức ăn và tiếng kêu của voọc mũi hếch ở những khu vực rừng sâu tại thôn Khau Tép (xã Khâu Tinh), rừng Nặm Chang (xã Sơn Phú, Thanh Tương). Với thông tin thu thập được thì số lượng voọc mũi hếch có thể còn lại không quá 20 cá thể tại Na Hang (5 - 6 cá thể ở Khau Tép; 10 - 11 cá thể ở Nặm Chang), khu vực Cham Chu không có thông tin rõ ràng để khẳng định sự tồn tại của loài.
Theo cán bộ kiểm lâm, nguyên nhân chính gây suy giảm loài voọc là do môi trường sống bị thu hẹp và chia cắt sinh cảnh, đặc biệt là sau quá trình xây thủy điện Na Hang (2002 - 2008). Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân nhận định săn bắn mới là nguyên nhân chính khiến voọc mũi hếch giảm mạnh về số lượng và ngày càng khó tiếp cận, quan sát. Điều này cho thấy vẫn còn có sự tồn tại của loài mặc dù rất ít bằng chứng xác nhận chính xác số lượng cụ thể voọc mũi hếch tại cả hai khu. Đáng chú ý, công tác bảo tồn voọc mũi hếch hiện gặp nhiều thách thức do thiếu nguồn lực giám sát và cơ chế tuần tra định kỳ, đặc biệt là sau khi các dự án bảo tồn voọc mũi hếch dừng hoạt động vào năm 2013.
Từ thực trạng nêu trên, PanNature khuyến nghị: (i) Tổ chức khảo sát toàn diện nhằm xác định số lượng còn lại của loài, tạo cơ sở cho việc xây dựng đề xuất và giải pháp bảo tồn hiệu quả, phù hợp; (ii) Tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập bất hợp pháp, săn bắn trái phép; (iii) Nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm; (iv) Rà soát hệ thống tổ chức quản lý, bảo vệ rừng tại Na Hang và Cham Chu nhằm tạo điều kiện cho hoạt động bảo tồn voọc mũi hếch, đồng thời cân nhắc phương án thành lập vườn quốc gia hoặc các khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại hai khu vực để tăng cường cơ chế bảo tồn các khu vực rừng giàu giá trị; (v) Thúc đẩy hợp tác, bảo tồn trong và ngoài nước nhằm huy động nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác bảo tồn lâu dài.
Nam Việt