Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 12/05/2025

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất thải nhựa và bài học cho Việt Nam

12/05/2025

    Ô nhiễm từ chất thải nhựa (CTN) hiện được coi là một trong những khủng hoảng môi trường đang gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu. Việc phổ biến và ứng dụng rộng rãi các sản phẩm nhựa đã tạo ra những thách thức lớn về môi trường và chất thải đối với nhân loại. Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, một nửa trong số đó được sản xuất chỉ để sử dụng một lần. Ước tính, khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế [3]. Trước tình trạng này, vấn đề quản lý CTN đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Liên hợp quốc, các tổ chức, khu vực và các quốc gia trên thế giới. Nhiều công ước, cam kết, chính sách, cơ chế và tổ chức quản lý CTN đã được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này ở nhiều cấp độ toàn cầu tới khu vực và từng quốc gia.

    Bài viết phân tích chính sách và sáng kiến trong quản lý CTN từ cấp độ toàn cầu đến cấp độ khu vực và tại một số quốc gia, chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc quản lý CTN tại Việt Nam. Từ đó, một số bài học về quản lý CTN cho Việt Nam được đưa ra nhằm nâng cao năng lực quản lý và giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm CTN ở Việt Nam.

1. Chính sách, công cụ quản lý chất thải nhựa từ cấp độ toàn cầu đến cấp độ khu vực và tại một số quốc gia

    Ô nhiễm CTN là vấn đề toàn cầu, được Liên hợp quốc, các quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế triển khai nhiều hành động và nỗ lực để giải quyết. Các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế đã ban hành các tuyên bố, công ước và cam kết để giảm thiểu ô nhiễm chất thải nói chung và CTN nói riêng. Chính sách và sáng kiến quản lý CTN thông qua các hình thức tự nguyện và ràng buộc về mặt pháp lý đã và đang được thực hiện đồng bộ ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia.

                Hình 1. Các cấp độ của quản lý chất thải nhựa [8]

1.1. Cấp độ toàn cầu

    Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp đầu tiên (UNEA-1) vào năm 2014 đề cập đến vần đề CTN và thông qua Nghị quyết về các mảnh nhựa và vi nhựa trên biển. Tại phiên họp UNEA-5 (năm 2022) tại Nairobi, đại diện của 175 quốc gia đã cam kết tạo ra một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm CTN. Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (Intergovernmental Negotiating Committee) được thành lập để hỗ trợ chuẩn bị các thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nền KTTH, giúp giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính và CTN. Bên cạnh đó, nhiều cam kết, công ước, hiệp định quốc tế về quản lý CTN thông qua các hình thức tự nguyện và ràng buộc về mặt pháp lý đã được ban hành. Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP) được thành lập năm 2018 bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới để tập hợp các Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm biến các cam kết thành hành động giải quyết các vấn đề ô nhiễm nhựa cấp quốc gia và toàn cầu [1].

Bảng 1. Một số Công ước, Hiệp định quốc tế liên quan đến giảm chất thải nhựa [1]

Cam kết

Công ước, hiệp định quốc tế

Nội dung chính

Các thỏa thuận ràng buộc

 

 

 

 

Giảm

thiểu                    ô nhiễm

Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS)

Đặt khung pháp lý cho các hoạt động trên biển, bao gồm trách nhiệm của các bên về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và quản lý ô nhiễm (gồm CTN). Công ước có hiệu lực từ 16/11/1994.

Công ước Luân Đôn năm 1972 và Nghị định thư Luân Đôn năm 1996 về ngăn chặn ô nhiễm đại dương do nhận chìm chất thải và các chất khác.

Cấm đổ hoặc thải trực tiếp CTN ra biển.

Hạn chế

sử dụng

hóa chất

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 2004

Quy định việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ các chất phụ gia trong sản xuất nhựa. Công ước có hiệu lực vào năm 2004.

 Buôn bán

chất thải

Công ước Basel về kiểm soát sự di chuyển xuyên biên giới của các chất thải nguy hại và việc thải bỏ chúng

Đặt ra các yêu cầu và cấm đối với việc buôn bán các chất thải nguy hại và chất thải (nhựa) khác. Có hiệu lực từ năm 1992, với những sửa đổi đối với buôn bán CTN vào năm 2020.

Chấm dứt

ô nhiễm

nhựa

Nghị quyết Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA–5) về chấm dứt ô nhiễm nhựa

Công cụ ràng buộc pháp lý, nêu ra các lựa chọn thay thế khác nhau để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan vòng đời của nhựa; thiết kế các sản phẩm và vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế; tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, xây dựng năng lực, khoa học và hợp tác kỹ thuật trong giảm thiểu CTN.

Các thỏa thuận không ràng buộc

 

 

 

 

 

Phòng chống              ô nhiễm

Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm

Cung cấp các nguyên tắc pháp lý để đánh bắt có trách nhiệm, bao gồm các biện pháp giải quyết ngư cụ trôi nổi. Được thông qua vào năm 1995.

Cung cấp các nguyên tắc pháp lý để đánh bắt có trách nhiệm, bao gồm các biện pháp giải quyết ngư cụ trôi nổi. Được thông qua vào năm 1995.

Diễn đàn liên chính phủ về các hướng dẫn về cách giải quyết các nguồn ô nhiễm biển (trong đó có nhựa) trên đất liền. Được thông qua vào năm 1995.

Quan hệ đối tác toàn cầu về chất thải biển (GPML)

Nền tảng hợp tác và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về các công cụ để giải quyết ô nhiễm nhựa biển. Được đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (Rio + 20) năm 2012.

Chiến lược Honolulu năm 2011

Đặt khung toàn cầu để khuyến nghị chiến lược và các hành động để giảm khối lượng và tác động của CTN.

Buôn bán
chất thải

Đối tác về CTN (PWP) của Công ước Basel. Được ra mắt vào năm 2019.

Diễn đàn nhằm thúc đẩy quản lý CTN lành mạnh với môi trường.

1.2. Cấp độ khu vực

    Ở các khu vực, các sáng kiến, hiệp định của khu vực cũng được ban hành để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm CTN. Các quốc gia thuộc nhóm G7 và G20 đã đưa ra các sáng kiến, tuyên bố và cam kết liên quan đến quản lý các nguồn CTN trên đất liền và trên biển. Trong đó, sáng kiến Tầm nhìn đại dương xanh Osaka được công bố năm 2019 đã đặt mục tiêu chiến lược giảm thất thoát nhựa ra đại dương xuống mức không vào năm 2050.

    Các quốc gia thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC) đã công bố Khung hành động về rác thải biển nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới các phương pháp, giải pháp để quan trắc, ngăn ngừa và giảm rác thải biển nói chung, CTN nói riêng, tăng khả năng tiếp cận tài chính cùng với tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư, tạo lập thị trường trong các ngành công nghiệp và hoạt động phòng ngừa, quản lý rác thải biển. Các quốc gia khu vực Biển Đông Á đã thông qua Khung hành động và kế hoạch PTBV giai đoạn 2018 - 2022 gồm: Chương trình giảm thiểu ô nhiễm và quản lý chất thải, trong đó có nội dung về quản lý CTN. Khung hành động về CTN đại dương của ASEAN được hình thành vào năm 2017 và được chính thức thông qua bởi các Bộ trưởng và đại diện của cơ quan quản lý về môi trường và biển đảo [1].

1.3. Cấp quốc gia

+ Công cụ chính sách và pháp luật: Nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng các công cụ chính sách và pháp luật để giải quyết vấn đề ô nhiễm CTN bao gồm: Ban hành lệnh cấm, giới hạn số lượng phát sinh, khuyến khích thu hồi các sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc không còn khả năng sử dụng (ngư cụ…). Trong đó, hầu hết các quốc gia thành viên EU và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Ôxtrâylia và Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm đối với sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc đã ban hành các biệp pháp thỏa thuận tự nguyện hoặc bắt buộc với doanh nghiệp để loại bỏ chúng [8].

+ Công cụ kinh tế trong quản lý CTN: Công cụ kinh tế (CCKT) trong quản lý môi trường nói chung và quản lý CTN nói riêng được thực hiện dựa trên hai nguyên tắc: (i) người gây ô nhiễm phải trả tiền; (ii) người hưởng lợi từ môi trường phải trả phí. Mục đích của CCKT trong quản lý CTN là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Các CCKT trong quản lý CTN được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, CCKT được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm: (1) nhóm tạo nguồn thu; (2) nhóm tạo lập thị trường; (3) nhóm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức. Một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công CCKT trong quản lý CTN gồm: Đan Mạch, Ireland, Hàn Quốc, Phần Lan, Nhật Bản, Inđônêxia, Singapore…

Hình 2. Công cụ kinh tế trong quản lý CTN [8]

+ Công cụ tài chính kiểm soát ô nhiễm nhựa: Tháng 1/2024, Ngân hàng Thế giới đã định giá trái phiếu liên kết giảm thiểu rác thải nhựa trị giá 100 triệu USD, được bảo vệ bằng vốn gốc trong 7 năm. Trái phiếu này cung cấp cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận tài chính liên kết với tín dụng thu gom rác thải nhựa và tín dụng tái chế rác thải nhựa (gọi là tín chỉ nhựa). Tín chỉ nhựa là một cơ chế tài chính cho phép các công ty cân bằng lượng rác nhựa mà họ thu gom với lượng rác nhựa mà họ tạo ra. Tín chỉ nhựa sẽ giúp loại bỏ lượng nhựa họ sản xuất hoặc sử dụng. Tín chỉ nhựa có thể giao dịch trên thị trường. Việc triển khai tín chỉ nhựa có thể khuyến khích đầu tư vào công nghệ tái chế và cơ sở hạ tầng tiên tiến bằng cách liên kết các phần thưởng tài chính với những cải thiện có thể đo lường được trong quản lý chất thải. Tuy nhiên, cần có các quy tắc rõ ràng để đảm bảo tín dụng gắn liền với các lợi ích thực sự về môi trường, chẳng hạn như tránh tính hai lần và tập trung vào các kết quả bền vững như tái chế hoặc tái sử dụng thay vì đốt. Hiện nay,  có 2 dự án triển khai tín chỉ nhựa đang được áp dụng thí điểm ở Ấn Độ và Inđônêxia nhằm mục đích giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa ở các cộng đồng dễ bị tổn thương, cắt giảm lượng nhựa rò rỉ ra thiên nhiên và đại dương. Kết quả bước đầu cho thấy, tín chỉ nhựa có thể thu hút đầu tư khi liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức bao gồm đảm bảo sự tham gia của những người làm việc trong lĩnh vực xử lý chất thải phi chính thức và ngăn chặn các công ty lớn thống trị thị trường [9].

+ Áp dụng nguyên tắc 3Rs - giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế CTN: Đây là biện pháp mang lại hiệu quả và được áp dụng rộng rãi các quốc gia trên thế giới để quản lý CTN. Một số quốc gia đã thực hiện thành công nguyên tắc 3Rs gồm: Sri Lanka, Inđônêxia, Thái Lan, Bangladesh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

• Kiểm soát tất cả các nguồn nhập và xuất khẩu nhựa của quốc gia.

• Giảm lượng các sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần.

• Giải quyết các nguồn rác thải

nhựa phát sinh.

• Thu gom phân loại CTN.

• Thúc đẩy thị trường tái sử dụng.

• Cải thiện thiết kế sản phẩm để có thể tái sử dụng một cách hiệu quả nhất.

• Cải thiện việc thu gom riêng CTN.

• Có những hoạt động đối với nhựa có thể ủ phân và phân huỷ sinh học.

• Cơ chế chính sách thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế.

• Đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế… đối với các sản phẩm tái chế để có cơ hội cao thâm nhập thị trường.

Hình 3. Nguyên tắc 3Rs - giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế trong quản lý CTN [8]

+ Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR): Là một công cụ quản lý, bắt buộc hoặc tự nguyện đối với các nhà sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, thu hồi, phân loại và tái chế chất thải. EPR sẽ thúc đẩy nhà sản xuất tìm cách giảm khối lượng chất thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói. Đến nay, có nhiều chính sách về EPR đã được thông qua tại châu Âu và các nước phát triển ở châu Á. EPR sẽ giúp tăng tỷ lệ CTN được tái chế, tiết kiệm tài nguyên, phát triển lĩnh vực tái chế và xử lý CTN, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong phân loại và xử lý CTN tại nguồn [8].

2. Thực trạng, khó khăn, thách thức trong quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam

    Theo Báo cáo Tình hình phát sinh CTN năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhựa bắt đầu được sản xuất ở nước ta từ năm 1959, nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh so với các ngành sản xuất khác. Các sản phẩm nhựa sản xuất trong nước gồm: bao bì, dân dụng, xây dựng và kỹ thuật. Khối lượng nhựa tiêu thụ trung bình đầu người của Việt Nam năm 1990 là 3,8 kg/người/năm nhưng đã tăng lên đến 29,7 kg/người/năm vào năm 2021. Khối lượng nhựa sử dụng lớn, đặc biệt là túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần dẫn đến phát sinh khối lượng lớn CTN hàng ngày [10]. Báo cáo Hiện trạng chất thải rắn của Bộ TN&MT năm 2023 cho thấy, hiện bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi ni lông/tháng, tương đương 1kg túi ni lông/hộ/tháng. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Điển hình tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên tới 80 tấn. Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh CTN với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ CTN được xử lý không đầy đủ. Lượng CTN và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Tuy nhiên, chỉ có 10% rác thải nhựa được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc xả ra môi trường [4].

    Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta  đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý  CTN như: Luật BVMT năm 2020; Luật Thuế BVMT năm 2010… cùng các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết từ khâu sản xuất, nhập khẩu phế liệu nhựa đến quản lý chất thải rắn (bao gồm CTN), qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các nhà sản xuất, người dân trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung.

    Mặc dù vậy, công tác xử lý, thu gom CTN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động tái chế nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát nên việc ước lượng tỷ lệ CTN được tái chế và tỷ lệ thất thoát nhựa từ quá trình tái chế còn gặp nhiều khó khăn. Phân tích một ví dụ điển hình cho thấy, khối lượng CTN nhựa được phân loại phục vụ cho mục đích tái chế trong năm 2021 là 0,89 triệu tấn/năm nhưng khối lượng CTN thực sự được đưa vào tái chế trong năm 2021 là 0,77 triệu tấn/năm. Trong đó, sẽ có khoảng 10% khối lượng CTN thất thoát trong quá trình tái chế, tương ứng với 77.366 tấn. Trong quá trình phân loại phục vụ tái chế, có 15% lượng CTN được phân loại từ nguồn thu gom chính thức và 5% khối lượng CTN được phân loại từ nguồn thu gom không chính thức sẽ không thể đưa vào chu trình tái chế CTN. Các loại nhựa khó tái chế, chủ yếu là bao bì thực phẩm và nhãn hàng hóa, được các cơ sở tái chế loại ra khỏi quá trình sản xuất và thải vào môi trường. Nhóm CTN đã phân loại nhưng không thể tái chế này được lưu giữ tại các địa điểm tái chế CTN hoặc được vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc đốt tại các địa điểm quy định.

    Bên cạnh đó, thất thoát CTN từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản (phát thải không chủ đích) cũng đóng góp khối lượng đáng kể, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và các hệ sinh thái. Theo thống kê của WWF, tổng khối lượng CTN phát sinh từ tàu đánh cá ven biển của cả nước năm 2023 là 64.143 tấn/năm trong đó thất thoát ra môi trường biển là 3.814 tấn/năm. Hoạt động nuôi tôm hùm phát sinh 2.875 tấn CTN/năm trong đó thất thoát ra môi trường biển là 139 tấn/năm. Lượng CTN phát sinh từ hoạt động nuôi tôm khoảng 301.477 tấn/năm với 164.644 tấn là bạt lót ao [10].

    CTN thất thoát ra môi trường đã tác động đến môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước, môi trường trầm tích và các hệ sinh thái biển. Túi nilông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, dụng cụ nuôi trồng thủy sản là các thành phần CTN chính tìm thấy trên các bãi biển, vùng biển ven bờ và các đảo. CTN trôi nổi trên biển có thể gây ra các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loài sinh vật, gây suy giảm nguồn lợi…

    Mặt khác, vẫn còn một số thách thức trong triển khai kế hoạch giảm phát thải nhựa như: Chưa thống kê và quản lý chặt chẽ việc sản xuất túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; việc thu thuế đối với túi ni lông khó phân hủy chưa triệt để và đồng bộ; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì và các sản phẩm nhựa chưa được phát huy và triển khai rộng rãi; chính sách về phân loại CTRSH chưa được thực hiện đồng bộ tại các địa phương; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt mục tiêu tại các khu vực nông thôn; thu hồi CTN trong CTRSH để tái chế còn thấp; chưa thu hút đầu tư được trạm trung chuyển kết hợp thu hồi phế liệu nhựa, cơ sở xử lý CTRSH hiện đại; chưa có nhân lực chuyên trách quản lý CTN thực hiện ở cấp địa phương. Các khó khăn, thách thức trong công tác quản lý CTN kể trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các biện pháp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong xử lý tình trạng ô nhiễm CTN.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Từ việc phân tích các chính sách, công cụ quản lý CTN ở các nước trên thế giới, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho quản lý, thu gom, xử lý về CTN của Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và quản lý CTN từ khâu sản xuất, tiêu dùng, thu gom, xử lý CTN đến việc quy định trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cần có cơ chế giám sát các hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

    Để giảm thiểu CTN, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ khâu sản xuất, tiêu dùng và thu gom, xử lý CTN. Xây dựng các quy định pháp luật để giám sát và xử lý vi phạm hành chính, xử lý bằng các biện pháp phù hợp đối với sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và hành vi vứt rác bừa bãi. Đặc biệt là các khu vực tập trung đông người, các khu du lịch, làng nghề tái chế phế liệu, cảng biển, ngư trường đánh bắt hải sản.

    Đẩy mạnh thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 trong phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy. Trong đó, thực hiện nghiêm quy định về phân loại CTRSH thành ba loại: rác hữu cơ, rác thải có thể tái chế và các loại rác khác. Có chính sách phát triển hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đã được phân loại, quy định việc thu gom các loại CTN. Thực hiện thu phí CTRSH của hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ dựa trên khối lượng rác thải phát sinh.

    Thứ hai, rà soát và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến CTN. Cần nghiên cứu, sửa đổi Luật thuế BVMT năm 2010 để mở rộng danh mục sản phẩm nhựa chịu thuế, quy định mức thuế BVMT phù hợp, góp phần khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; hạn chế việc sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa gây tác động xấu đến môi trường.

    Thứ ba, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc trong sản xuất, phân phối, sử dụng, thu gom, tái chế CTN. Đối với người dân, cần nâng cao ý thức của cộng đồng trong phân loại CTN tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế CTN được thuận lợi và dễ dàng.

    Thứ tư, tăng cường việc triển khai quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Luật BVMT năm 2020 đã quy định chi tiết về  EPR tại Việt Nam tại các Điều 54 (quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu) và Điều 55 (Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu). Theo đó, một số vấn đề tác động đến tính khả thi khi triển khai EPR tại các doanh nghiệp như: Quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc (tỷ lệ tái chế phụ thuộc rất nhiều yếu tố, khác nhau đối với từng loại thiết bị, từng loại bao bì, từng loại vật liệu làm ra bao bì, phụ thuộc vào thị trường tái chế, công nghệ tái chế); Xác định mức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam (do việc tính toán xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc rất khó khăn, nên việc tính toán số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì cũng sẽ hạn chế); Tồn tại hai hình thức hoạt động tái chế (tái chế phi chính thống tại các làng nghề và tái chế chính thống sẽ gây khó khăn cho việc triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); Điều chỉnh các quy định nhằm đảm bảo tính khả thi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp tự tái chế; đảm bảo việc áp dụng EPR không tạo nên rào cản cho doanh nghiệp trong việc tăng chi phí sản xuất, giảm cạnh tranh; xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; phổ biến các quy định về EPR cho doanh nghiệp SMEs.

    Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn về sử dụng các vật liệu thay thế bao bì nhựa (để tăng khả năng tái chế). Thực hiện từng bước từ khuyến khích sử dụng các vật liệu nhựa sinh học có khả năng phân hủy để thay thế cho vật liệu nhựa truyền thống trong sản xuất túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần đến cấm sản xuất túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Thứ năm, tăng cường việc trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế về thực hiện cam kết, thỏa thuận toàn cầu cũng như học hỏi kinh nghiệm trong quản lý CTN; đào tạo nâng cao năng lực, học tập kinh nghiệm về các mô hình thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng CTN; thu hút các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong tái chế và sản xuất các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế nhựa…

    Thứ sáu, thúc đẩy và tăng cường việc áp dụng KTTH nhựa ở Việt Nam. KTTH đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và tác động nặng nề của biến đổi khí hậu gia tăng. Ngành nhựa Việt Nam là ngành kinh tế năng động với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và cũng là ngành được đánh giá có nhiều tiềm năng áp dụng KTTH vì những hiệu quả có thể mang lại không chỉ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa mà còn cho cả kinh tế và môi trường của đất nước. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để tái chế nhựa là điều hướng dòng chảy của nhựa, để nhựa được tuần hoàn và quay lại phục vụ đời sống, xây dựng một vòng tròn khép kín, trong đó rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom, phân loại và tái chế thành các sản phẩm mới, giúp giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nhựa. Việc phát triển thị trường tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần nhiều sáng kiến mới đột phá, các mô hình tuần hoàn nguyên vật liệu ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn do đó cần sự chung tay của Nhà nước, các doanh nghiệp trong để tăng cường việc áp dụng KTTH nhựa ở Việt Nam.

Bùi Thị Cẩm Tú

Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2025)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ASEAN (2019). Bangkok declaration on combating marine debris in ASEAN region.

2. Báo cáo Hiện trạng CTR Bộ TN&MT 2016-2020.

3. Nguyễn Thị Hằng (2022), Bình luận một số quy định về kiểm soát chất thải nhưa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công thương, số tháng 10/2022, 47-51.

4. Xuân Lộc (2024). Rác thải nhựa - thực trạng và thách thức. https://dangcongsan.vn/xa-hoi/rac-thai-nhua-thuc-trang-va-thach-thuc-667423.html, truy cập ngày 2/11/2024.

5. Nhật Nam (2023). Hóa giải thách thức rác thải nhựa ở Việt Nam, Tạp chí điện tử Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/hoa-giai-thach-thuc-rac-thai-nhua-o-viet-nam.html. Truy cập ngày 2/11/2024.

6. Nguyễn Trung Thắng (2019). Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số 9/2019.

7. Nguyễn Hồng Thao (2022). Nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 2+3 (450+451) – tháng1+2/2022.

8. Tạ Đình Thi, Lưu Anh Đức, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Chí Công (2021). Ô nhiễm chất thải nhưa là vấn đề toàn cầu được Liên hiệp quốc, các quốc gia, tổ chức và các cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số tháng 9/2021, 25-27.

9. Nguyễn Tài Tuệ và cộng sự (2023). Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhưa năm 2022. NXB Thanh niên.

10. https://baotainguyenmoitruong.vn/tim-giai-phap-tuan-hoan-nhua-cho-viet-nam-386624.html.

11. Báo cáo Tình hình phát sinh CTN năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Ý kiến của bạn