Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 13/05/2025

Đảm bảo quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu hướng mục tiêu phát triển bền vững: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

12/05/2025

    Quyền con người vốn đã được khẳng định là một trong những nền tảng quan trọng mà mỗi quốc gia có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để mỗi cá nhân có được những quyền và lợi ích hợp của mình. Có thể thấy rằng, trong số những tác động từ kinh tế - xã hội lên việc thực thi quyền con người thì các vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đã và đang tạo ra những thách thức to lớn, làm ngăn cản khả năng thực thi hiệu quả các quyền con người. BĐKH giờ đây đã trở thành một mối lo chung của toàn nhân loại bởi những ảnh hưởng sâu sắc mà nó mang lại cho đời sống con người, đặc biệt là những bộ phận dân cư, nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhận thức được thực trạng trên, bài viết tham khảo một số vụ kiện về khí hậu cụ thể, từ đó đưa ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát huy và tiếp tục bảo vệ quyền con người, góp phần chung tay ứng phó với những thách thức của thời đại.

1. Một số vụ kiện về khí hậu và sự cần thiết đảm bảo quyền con người trong bối cảnh BĐKH hướng mục tiêu phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Khí hậu Thế giới (WCC) đầu tiên diễn ra vào năm 1979 đến việc các quốc gia cùng ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về nhận thức đối với những tác động của BĐKH đối với nhân loại [1]. Với việc trải qua 28 lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH, sự quan tâm của các quốc gia đối với quyền con người trong bối cảnh trên càng được nhấn mạnh. Hơn hết, việc ký kết các cam kết về giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ đó giảm thiểu sự gia tăng nhiều hơn các hiện tượng khí tượng cực đoan từ BĐKH cũng đã được các quốc gia đồng tình và ủng hộ. Đặc biệt, trước khi Hội nghị thưởng định về BĐKH lần thứ 26 (COP26) diễn ra, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần đầu tiên công nhận môi trường sạch, lành mạnh và bền vững hay quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền con người và cũng trở thành một trong những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan đến môi trường nói chung [2]. Do đó, các mối quan tâm dành cho quyền con người và môi trường nói chung cũng như biến đổi khí nói riêng đã và đang ngày càng được các quốc gia, cộng đồng chú trọng. Chính vì thế, khi quyền con người bị đe dọa bởi những hệ quả từ BĐKH, quốc gia là chủ thể có trách nhiệm phải đảm bảo bằng các công cụ pháp lý, chính sách của mình. Tuy nhiên, việc duy trì một công cụ pháp lý hữu hiệu vấp phải những bất cập nhất định khi những nhận thức và đánh giá của mỗi nước là khác nhau [4]. Cụ thể, trong số các vụ kiện được ghi nhận, vụ kiện giữa Bang Hà Lan với Urgenda (State of the Netherlands v. Urgenda Foundation) và vụ kiện giữa Hiệp hội cao niên khí hậu Thuỵ Sĩ và Thuỵ Sĩ (Verein KlimaSeniorinnen Schweiz v. Switzerland) là hai trong số những tiền lệ pháp lý quan trọng cho các tranh chấp liên quan đến quyền con người và trách nhiệm về BĐKH diễn ra sau này.

Vụ kiện giữa Tổ chức Urgenda và Bang của Hà Lan

    Là một trong những quốc gia đi đầu về thích ứng với BĐKH, Hà Lan đã có những điều chỉnh kịp thời và nhanh chóng trước mục tiêu giảm thiểu và ngăn chặn những tác động từ môi trường, khí hậu đến đời sống cộng đồng dân cư [5]. Trong đó, dựa theo mục tiêu chung mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra đối với tất cả các quốc gia thành viên về việc giảm 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990 [6], Chính phủ Hà Lan cũng đã xây dựng một khung pháp lý về BĐKH bao gồm: Đạo luật Khí hậu được thông qua vào tháng 5/2019; Thỏa thuận Khí hậu quốc gia nhằm hợp tác với các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, với mục tiêu chung là giảm 49% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và Kế hoạch Khí hậu và Năng lượng quốc gia (NECP) nhằm tạo ra một chiến lược cụ thể về việc sử dụng năng lượng bền vững, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và hiệu quả sử dụng năng lượng [7]. Nhờ đó, Hà Lan đã có những bước tiến vượt trội để chống lại với những ảnh hưởng từ BĐKH, góp phần vào việc giảm thiểu và ngăn chặn những hệ quả khó lường khác phát sinh tác động đến đời sống người dân.

    Để đạt được thành tựu trên, Hà Lan đã phải đối mặt với những thách thức về mặt pháp lý vô cùng quan trọng, điển hình là vụ kiện giữa Chính phủ Hà Lan và Tổ chức Urgenda - vụ kiện đầu tiên trên thế giới đánh dấu tầm quan trọng về trách nhiệm của quốc gia trong thực thi các biện pháp, nghĩa vụ pháp lý để bảo vệ người dân khỏi những tác động từ BĐKH bằng cách cắt giảm phát thải khí nhà kính nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, kể từ Hội nghị Copenhagen 2009, các quốc gia tham dự bao gồm cả Hà Lan đã đặt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C thành trọng tâm trong chính sách khí hậu, trên cơ sở này, Thoả thuận Cancun được thông qua và cụ thể hoá mục tiêu này bằng việc yêu cầu các nước phát triển cam kết giảm 25-40% khí thải vào năm 2020 so với 1990. Do vậy, với tư cách là một trong những quốc gia thực hiện cam kết, Hà Lan cũng đã có những điều chỉnh khi đề ra mục tiêu sẽ giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2010, nước này đã điều chỉnh mục tiêu xuống còn 14-17% thấp hơn mục tiêu chung đã đề cập cũng như mục tiêu mà EU đã yêu cầu đối với các thành viên dẫn đến những hạn chế trong việc kịp thời giải quyết những hệ quả từ BĐKH. Vì vậy, ngày 20/11/2013, Tổ chức Urgenda cùng với 886 công dân Hà Lan (nguyên đơn), đệ đơn kiện Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường thuộc chính phủ Hà Lan (bị đơn) lên Tòa án sơ thẩm quận Hague để yêu cầu Chính phủ phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ người dân khỏi các tác động của BĐKH [8]. Theo đó, ngày 24/6/2015, phán quyết sơ thẩm có lợi cho Urgenda đã được Tòa án sơ thẩm Hague ban hành với quyết định yêu cầu Chính phủ Hà Lan giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020. Không đồng tình với phán quyết trên, ba tháng sau đó, Chính phủ Hà Lan đã nộp đơn kháng cáo tại Tòa án phúc thẩm Hague, tuy nhiên, trong bản án phúc thẩm được ghi nhận vào ngày 9/10/2018, Tòa án vẫn giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm, khẳng định rằng, Chính phủ Hà Lan có nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của người dân nổi bật bởi quyền sống và quyền được sống trong môi trường trong lành. Từ phán quyết do Tòa án Tối cao Hà Lan quyết định vào ngày 20/12/2019, một lần nữa giữ nguyên phán quyết của các tòa án cấp dưới, khẳng định Chính phủ Hà Lan đã không thực hiện đủ các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Căn cứ vào Điều 21 Hiến pháp Hà Lan, Điều 2, Điều 8 Công ước Châu Âu về Nhân quyền (ECHR) và Điều 6:162 Bộ luật Dân sự Hà Lan, Urgenda đã có đủ căn cứ để chứng tỏ Chính phủ Hà Lan (i) không hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ, cải thiện môi trường và đời sống của cộng đồng; (ii) vi phạm quyền sống và quyền tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình và (iii) không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc thích đáng đối với người dân Hà Lan nói chung bao gồm các thành viên trong Urgenda trước những tác động và ảnh hưởng từ BĐKH [9].

    Theo đó, Tòa án Tối cao đã ra lệnh Hà Lan phải điều chỉnh lại kế hoạch giảm phát thải trong đó, tăng lên mức ít nhất 25% vào năm 2020. Có thể thấy, mặc dù vụ kiện này không phải là vụ kiện đầu tiên liên quan đến khí hậu được xét xử, nhưng lại là vụ kiện đầu tiên mà Tòa án phải ra quyết định buộc chính phủ, một quốc gia phải chịu trách nhiệm về việc không giảm thiểu đầy đủ các cam kết từ BĐKH. Hơn hết, tuy các điều khoản về quyền con người được quy định trong ECHR không được áp dụng trực tiếp để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến hành vi vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia trong tôn trọng và đảm bảo nhân quyền, nhưng đã góp phần thể hiện mối liên hệ này trong nghĩa vụ chăm sóc và cẩn trọng của quốc gia. Qua đó, vụ kiện đã góp phần tạo nên một tiền lệ, một bước tiến quan trọng trong tranh tụng về BĐKH, tạo ra một công cụ pháp lý mới để thúc đẩy các chính phủ hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu.

Vụ kiện Hiệp hội cao niên khí hậu Thụy Sĩ với Chính phủ Thụy Sĩ

    Khác với vụ kiện giữa Tổ chức Urgenda và Chính phủ Hà Lan, vụ kiện giữa Hiệp hội cao niên khí hậu Thuỵ Sĩ và Chính phủ Thụy Sĩ được coi là vụ kiện mang tính bước ngoặt của Tòa án Nhân quyền châu Âu khi không chỉ xác định Chính phủ có trách nhiệm trong thực thi các biện pháp ứng phó BĐKH mà còn nhấn mạnh Chính phủ đã có hành vi vi phạm nhân quyền vì đã không thể hiện bất kỳ hành động nào để chống lại những ảnh hưởng từ BĐKH [10]. Cụ thể, năm 2016, bà KlimaSeniorinnen (nguyên đơn), đại diện cho hơn 2.000 phụ nữ lớn tuổi (trên 64 tuổi) ở Thụy Sĩ cùng 4 cá nhân là phụ nữ, đã khởi kiện Chính phủ Thuỵ sĩ (bị đơn) tại Tòa án Hành chính Liên bang Thuỵ Sĩ với lý do nước này không có các chính sách đủ mạnh để đối phó với BĐKH, vi phạm quyền được sống và quyền được bảo vệ sức khỏe của họ theo Hiến pháp và Công ước châu Âu về Nhân quyền. Tuy nhiên, đến năm 2017, Tòa án đã bác bỏ vụ kiện với lý do cho rằng vấn đề khí hậu thuộc về chính sách của nhà nước, không phải là trách nhiệm của Tòa án. Không từ bỏ, năm 2018, Hiệp hội này tiếp tục gửi đơn kháng cáo đến Tòa án Tối cao Thuỵ Sĩ, song, Tòa án tiếp tục từ chối thụ lý với lý do tương tự đã được đưa ra vào năm 2017. Có thể thấy, sau nhiều lần bị từ chối bởi các Tòa án tại nước sở tại, vào ngày 26/11/2020, bà KlimaSeniorinnen đã quyết định khởi kiện vụ việc đến Tòa án Nhân quyền châu Âu, đánh dấu một tiền lệ mới chưa từng được ghi nhận liên quan đến việc giải quyết những hệ quả từ BĐKH đến quyền con người và đặt ra nghĩa vụ pháp lý của ràng buộc quốc gia [11].

    Theo lập luận của nguyên đơn, Chính phủ Thuỵ Sĩ đã không có bất kỳ hành động nào trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền được ghi nhận trong ECHR. Cụ thể, những cá nhân trong Hiệp hội phải chịu sự ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhiệt độ kéo theo nắng nóng kéo dài và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Ngược lại, theo lập luận từ phía Chính phủ Thuỵ Sĩ, nước này đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và hạn chế những ảnh hường từ BĐKH đến đời sống con người. Do đó, không cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền như được đề cập trong Công ước.

    Tuy nhiên, Tòa án nhận định đã có một số lỗ hổng quan trọng trong quá trình Thuỵ Sĩ xây dựng khung pháp lý trong nước liên quan đến ứng phó BĐKH, bao gồm việc “họ không định lượng, thông qua ngân sách các-bon hoặc các hạn chế phát thải khí nhà kính quốc gia. Hơn nữa,  Nhà nước đã không đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá khứ, không hành động đúng lúc, một cách thích hợp và nhất quán liên quan đến việc xây dựng, thực hiện khuôn khổ pháp lý và hành chính có liên quan, vượt quá giới hạn đánh giá cao và không tuân thủ các nghĩa vụ tích cực của mình trong bối cảnh hiện nay” [12]. Qua đó, Tòa đã kết luận Chính phủ Thuỵ Sĩ vi phạm Điều 8 ECHR và yêu cầu Thụy Sĩ phải trả cho người nộp đơn chi phí tố tụng với số tiền là 80.000 EUR [13]. Từ những căn cứ trên, theo Điều 46 ECHR, Thuỵ Sĩ có trách nhiệm phải thi hành bản án, đánh dấu một quyết định mang tính ràng buộc đối với Thụy Sĩ và được tất cả các quốc gia thành viên khác của Hội đồng châu Âu tôn trọng. Tóm lại, vụ kiện giữa Hiệp hội cao niên Thuỵ sĩ và Chính phủ Thuỵ Sĩ không chỉ này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tiếp cận công lý trong các vụ kiện về khí hậu và sự cần thiết của các biện pháp quốc gia nhằm đối phó với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng của BĐKH mà còn khẳng định rằng các chính phủ có thể vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận nếu họ không thực hiện được các cam kết giải quyết và giảm thiểu tác động của BĐKH. Nhờ vậy, phán quyết trên của Tòa án Nhân quyền châu Âu đã góp phần làm tăng áp lực buộc Thụy Sĩ và các quốc gia thành viên khác của Hội đồng châu Âu phải thông qua luật pháp và biện pháp phù hợp để giải quyết hiệu quả vấn đề BĐKH, bao gồm cả việc định lượng khí thải nhà kính và đạt được mục tiêu giảm phát thải. Các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức tương tự và có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách nghiêm ngặt hơn và có thể gia tăng rủi ro kiện tụng [14].

    Thông qua thực tiễn xét xử về các vụ kiện khí hậu, có thể thấy, mặc dù luật pháp về nhân quyền môi trường không yêu cầu các quốc gia ngăn chặn mọi suy thoái môi trường, nhưng khi có sự xuất hiện và những đe dọa từ hệ quả của BĐKH mang lại, ECHR đã cho phép nhà nước rất nhiều quyền nhằm tìm kiếm sự “cân bằng công bằng” giữa quyền của cá nhân và lợi ích của những người khác trong cộng đồng rộng lớn hơn, cho dù tác hại đó là do nhà nước trực tiếp hay do một tác nhân tư nhân gây ra. Mặt khác, cũng từ thực tiễn trên, trách nhiệm pháp lý cũng quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người càng được nhấn mạnh ngay cả khi các quy định của luật hiện hành không áp đặt các nghĩa vụ trên. Đồng thời, việc tạo điều kiện và công nhận quyền tiếp cận tư pháp của mọi chủ thể trong xã hội cũng cần phải được đặt ra một cách bình đẳng và công bằng. Chỉ có như vậy, việc giảm thiểu những hệ luỵ từ BĐKH nói riêng và các vấn đề khác trong xã hội nói chung mới được giải quyết một cách cặn kẽ. Sự thay đổi, điều chỉnh và tuân thủ các cam kết cũng được coi là định hướng và kinh nghiệm cho các quốc gia nói chung trong việc hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững sau này.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh BĐKH

    Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã sớm có những nhận thức kịp thời và phù hợp về việc tham gia vào các cam kết quốc tế chung về ứng phó với BĐKH. Cụ thể Việt Nam đã phê chuẩn UNFCCC vào năm 1994, ký kết Nghị định thư Kyoto trong khuôn khổ UNFCCC năm 2002, phê chuẩn Bản Sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto năm 2015 hay phê duyệt tham gia Thoả thuận Paris về BĐKH năm 2016… để góp phần củng cố, nội luật hóa và xây dựng các kế hoạch phù hợp nhằm bảo vệ người dân trước BĐKH. Đồng thời, pháp luật Việt Nam hiện hành trong vấn đề đảm bảo quyền con người trước bối cảnh BĐKH và việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện những nhận thức đúng đắn và kịp thời trước thách thức mà cộng đồng đặt ra. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi thất thường và khó lường mà BĐKH mang lại, một số quy định pháp luật nhìn chung vẫn chưa đáp ứng một cách toàn diện nhằm thúc đẩy BĐKH trong vấn đề về nhân quyền. Với mong muốn hoàn thiện hơn các quy định pháp luật đặc biệt là trong vấn đề về ứng phó BĐKH, thiết nghĩ Việt Nam cần có sự bổ sung và sửa đổi nhất định để góp phần thúc đẩy việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người đáp ứng với các mục tiêu lâu dài về xây dựng một xã hội hoà bình, công bằng và thịnh vượng, cụ thể như:

Bổ sung các quy định hướng dẫn về việc giải quyết tranh chấp về môi trường và quyền về tiếp cận tư pháp đối của cá nhân, tổ chức trong vấn đề về môi trường

    Từ thực tiễn xét xử ở hai vụ kiện đã được đề cập, các nguyên đơn khi khởi kiện tại quốc gia sở tại đều bị cơ quan xét xử từ chối thụ lý do những căn cứ cho rằng, họ không phải là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH. Tuy nhiên, bởi vì quyền tiếp cận tư pháp đối với môi trường nói chung và vấn đề về BĐKH nói riêng được khẳng định là một trong những thủ tục quan trọng giúp công dân tìm kiếm sự hỗ trợ của luật pháp khi quyền tiếp cận của họ bị từ chối hoặc trong trường hợp quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Do đó, trong trường hợp nhiều cá nhân cùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH, việc cho phép khởi kiện theo cơ chế tập thể không chỉ góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức và vật chất mà còn tạo cơ hội để những chủ thể này bảo vệ trọn vẹn quyền lợi của mình. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.” Như vậy, lợi ích công cộng trong trường hợp này hoàn toàn có thể được hiểu là liên quan đến các vấn đề về bảo vệ nhân quyền trước tác động của BĐKH, tương tự như những lập luận mà các nguyên đơn đã trình bày ở trên. Vì thế, sự cân nhắc về cơ chế khởi kiện tập thể sẽ được coi là một trong những bước đột phát trong pháp luật hiện hành về chống BĐKH và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua các kế hoạch phát triển thị trường các-bon

    Thị trường các-bon là một cơ chế kinh tế được thiết kế để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí CO2. Đây được coi là một trong những động lực tài chính để các doanh nghiệp, tổ chức có trách nhiệm trong việc hạn chế những tác động lên môi trường. Có thể thấy, trong các cam kết quốc tế về ứng phó BĐKH, rõ ràng, những đòi hỏi về việc tuân thủ cam kết giảm phát thải khí nhà kính luôn được đặt ra. Do vậy, sự hình thành, phát triển của thị trường các-bon trong việc ngăn trở sự phát thải một cách không kiểm soát của các tổ chức, doanh nghiệp được coi là cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo sự cân bằng hài hoà giữa các mục tiêu về lợi nhuận và những giá trị bền vững mà xã hội, cộng đồng hướng đến. Sau cùng, bên cạnh hai kiến nghị cơ bản được nêu trên, tác giả thiết nghĩ việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó BĐKH và thúc đẩy các chính sách pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong vấn đề về môi trường và quyền con người. BĐKH như đã khẳng định, không còn dừng lại với tư cách là một vấn đề riêng rẻ của từng quốc gia và khu vực. Đồng thời, những hệ quả mà nó mang lại cũng không chỉ tác động ở một bộ phận dân cư cụ thể. Sự chung tay của các quốc gia trong việc ứng phó BĐKH càng được nhấn mạnh nhất là khi thực trạng về những tác động của BĐKH đối với diễn biến phức tạp và hình thành những hiện tượng xã hội chưa được điều chỉnh. Tóm lại, BĐKH và sự phát triển bền vững có sự kết nối chặt chẽ và sâu sắc, vì thế, quốc gia với tư cách là chủ thể đảm bảo quyền cần có trách nhiệm trong việc tạo mọi biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, bảo vệ và xây dựng một đời sống ý nghĩa, tôn trọng nhân quyền cho mỗi cá nhân, cộng đồng.

Nguyễn Văn Quý

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2025)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “What is climate change legislation?”, The London School of Economics and Political Science, [https://www.lse.ac.uk/granthaminstitute/explainers/what-is-climate-change-legislation/] (truy cập ngày 28/9/2024).

2. “Landmark UN resolution confirms healthy environment is a human right”, UN Programme, [https://www.unep.org/news-and-stories/story/landmark-un-resolution-confirms-healthy-environment-human- right] (truy cập ngày 28/9/2024).

3. Nguyên tắc số 1, Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người (Stockholm - năm 1972).

4. Laura Paddison và Vasco Cotovio, “‘Truly a David and Goliath case’: Six young people take 32 countries to court in unprecedented case”, CNN World, [https://edition.cnn.com/2023/09/27/europe/portugal-climate-lawsuit- human-rights-court-intl/index.html] (truy cập ngày 6/10/2024).

5. “Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của Hà Lan”, Hànộimới, [https://hanoimoi.vn/kinh-nghiem-ung- pho-voi-bien-doi-khi-hau-cua-ha-lan-595241.html] (truy cập ngày 06/10/2024).

6. Fiona Harvey, “EU to cut carbon emissions by 40% by 2030”, The Guardian, [https://www.theguardian.com/environment/2014/jan/22/eu-carbon-emissions-climate-deal-2030] (truy cập ngày 6/10/2024).

 7. “Climate Policy”, Government of the Netherlands, [https://www.government.nl/topics/climate-change/climate- policy] (truy cập ngày 6/10/2024).

8. Urgenda Foundation v. State of the Netherlands, Supreme Court of the Netherlands, Case No 19/00135, ngày 20/12/2019.

9. Jolene Lin (2015), “The First Successful Climate Negligence Case: A Comment on Urgenda Foundation v. The State of the Netherlands”, University of Hong Kong Faculty of Law Research Paper, (021), tr. 10.

10. Verein KlimaSeniorinnen Schweiz v. Switzerland, European Court of Human Rights, Application no. 53600/20, Judgment of 29 March 2023.

11.  “KlimaSeniorinnen v Switzerland (ECtHR)”, [https://climatecasechart.com/non-us-case/union-of-swiss-senior- women-for-climate-protection-v-swiss-federal-council-and-others/] (truy cập ngày 6/10/2024).

12. Verein KlimaSeniorinnen Schweiz v. Switzerland, tlđd (52), tr. 211, đoạn 573,

13. Andres Hösli và Chloé Terrapon Chassot, tlđd (54).

14. Andres Hösli và Chloé Terrapon Chassot, tlđd (54).

15. Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người (Stockholm - năm 1972).

16. Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người năm 1948, Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

17. Luật Bảo vệ môi trường 2020.

18. United Nations Environment Programme (2015), Climate Change and Human Rights.

19. Nguyễn Đức Minh, (2017), “Xây dựng chính sách, pháp luật và triển khai các hành động ứng phó BĐKH ở Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, (19) (347).

20. The Intergovernmental Panel on Climate Change, Principle Governing IPCC Work.

 

Ý kiến của bạn