23/05/2025
Ngày 23/5/2025, tại Hà Nội, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành, đơn vị quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố về thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, nhằm sớm đưa vào vận hành 100 phương tiện vệ sinh môi trường hiện đại do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý (Công ty Thiên Ý) nhập khẩu.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Sơn)
Theo báo cáo của đại diện Công ty Thiên Ý, khi tiếp nhận chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác vệ sinh môi trường, Công ty đã ký hợp đồng mua 100 phương tiện phục vụ vệ sinh môi trường hiện đại, trong số đó có những mẫu xe lần đầu tiên được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam. Đến tháng 4/2025, các lô hàng đã cập cảng và hoàn tất thủ tục hải quan Việt Nam, tuy nhiên, vì đây là các phương tiện sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải Euro VI - cao hơn tiêu chuẩn Euro V đang áp dụng tại Việt Nam, nên quá trình đánh giá, xác nhận, thử nghiệm kỹ thuật gặp phải một số điểm chưa tương thích. Công ty Thiên Ý đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầy đủ quy trình, gồm: Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, thử nghiệm khí thải, đăng kiểm, đăng ký lưu hành… theo đúng quy định. Dù các cơ quan chức năng đã tích cực hướng dẫn, nhưng để đưa vào vận hành các phương tiện này vẫn gặp một số khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận nội đô theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Về những vướng mắc làm chậm tiến độ đưa số phương tiện chuyên dùng này vào hoạt động, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Thành phố Hà Nội cho biết, đã nhận được văn bản xin đăng ký xe của Công ty Thiên Ý, nhưng do thiếu căn cứ pháp lý, nên chưa thể cấp giấy phép cho các xe này hoạt động.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam giải đáp một số thông tin liên quan đến đề xuất của Công ty Thiên Ý (Ảnh: Hoàng Sơn)
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, theo quy định, xe nhập khẩu về thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải đăng ký, đăng kiểm mới được lưu thông. Đối với các lô xe chuyên dụng do Công ty Thiên Ý nhập khẩu, ngày 22/5/2025, Cục Đăng kiểm đã cử cán bộ xuống kiểm tra lô hàng gồm 44/100 xe chuyên dùng và nhận thấy, về kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn quốc gia cho phép, như chiều rộng thùng xe vượt kích thước từ 14 - 19%... Các yếu tố khác như khí thải, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường… đơn vị nhập khẩu phải cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ chứng nhận của nhà sản xuất để các cơ quan của Việt Nam làm căn cứ đối chiếu theo quy định.
Để tháo gỡ vướng mắc này, có ý kiến cho rằng, có thể căn cứ vào khoản 4, Điều 5 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô để cấp phép tạm thời cho các xe này hoạt động. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm thông tin, loại ô tô chuyên dùng này không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, Thành phố đã chủ động triển khai giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, nhất là vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải, cải thiện chất lượng không khí. Trước mắt, Thành phố thực hiện vệ sinh môi trường ở 4 quận nội đô, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Ba Trưng, Đống Đa. Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn để sớm đưa số phương tiện nhập khẩu của Công ty Thiên Ý vào hoạt động, giảm công tác vệ sinh môi trường thủ công trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường nhanh chóng trình đề án vùng phát thải thấp; các công ty vệ sinh môi trường đặt thùng thu gom tại các chân rác, thay thế xe thu gom, vận chuyển rác lạc hậu; rửa hè phố hàng ngày. Về phía cơ quan chức năng của các quận, huyện, thị xã xử phạt nghiêm trường hợp vận chuyển để đất, cát rơi vãi ra môi trường…
Hoàng Đàn