29/11/2024
Ngày 29/11/2024, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Phú Yên tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả và các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ đề tài "Nhân rộng các giải pháp thu hồi chất thải - Hướng tới một xã hội tuần hoàn (AWARE)" do Viện Khoa học và Công nghệ thủy sản Thụy sĩ và Trường Đại học Phenikaa làm đơn vị chủ trì, điều phối các hoạt động lần lượt tại Thụy Sĩ, Việt Nam và được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF), thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 60 đại biểu đến từ Sở TN&MT tỉnh Phú Yên; Trường Cao đẳng nghề Phú Yên; Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung; UBND các phường, xã của TP. Tuy Hòa; UBND huyện Đông Hòa; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Tuy Hòa…
TS. Nguyễn Thị Hạnh Tiên, Chủ nhiệm đề tài, Trường Đại học Phenikaa báo cáo một số kết quả của đề tài AWARE
Quản lý chất thải chưa đúng cách là một trong những thách thức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Lượng chất thải không được quản lý ngày càng tăng dẫn đến rò rỉ chất thải ra môi trường. Do vậy, việc cải thiện hệ thống chất thải ở những nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lượng chất thải tăng lên nhiều nhưng dịch vụ quản lý chất thải lại lạc hậu như Việt Nam là điều cần thiết. Đối với nước có thu nhập trung bình thấp như nước ta vẫn còn thiếu về phương pháp nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật và các biện pháp nhằm thay đổi hành vi của người dân trong quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn. Dự án AWARE được thực hiện nhằm mục tiêu cung cấp cơ sở khoa học và các giải pháp kỹ thuật để xác định lượng chất thải, nguồn ô nhiễm và đánh giá lượng rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý chất thải. Đồng thời, phát triển các giải pháp sáng tạo để nhân rộng giải pháp thu hồi và tái chế rác thải nhựa dựa vào các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.
Báo cáo một số kết quả của đề tài AWARE, TS. Nguyễn Thị Hạnh Tiên, Chủ nhiệm đề tài, Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh, khảo sát 45 hộ (phường 7), 30 hộ (xã Bình Ngọc), 30 hộ (xã Hòa Kiến) cho thấy, mỗi ngày, lượng rác phát thải từ 0,19 - 0,39 kg/người/ngày; Ước tính phát thải 0,34 kg/ngày/người tại hộ gia đình và tại nơi khác (trường, chợ, cơ quan…). Trong đó, thành phần rác nhựa tại phường 7 chiếm 11,7% tổng lượng rác phát thải, 15% ở xã Bình Ngọc và 13,5% tại xã Hòa Kiến. Về hiện trạng quản lý rác tại TP. Tuy Hòa, mỗi ngày bãi rác Thọ Vức tiếp nhận khoảng 200 - 210 tấn rác/ngày, với khoảng 135 - 150 tấn thu gom từ Công ty Môi trường Đô thị; 30 - 31 tấn từ Công ty Tuấn Tú và 30 - 35 tấn rác từ huyện Phú Hòa. Đối với thành phần chất thải rắn ở bãi rác Thọ Vức: Rác thải nhựa chiếm 22%, rác hữu cơ chiếm 55%. Hiện bãi rác Thọ Vức đã đầy, cần giải pháp nếu tiếp tục sử dụng hoặc tìm bãi rác khác hoặc có giải pháp giảm lượng rác. Ước tính lượng nhựa thất thoát ra môi trường ở TP. Tuy Hòa khoảng từ 0,8 kg - 2,7 kg/người/năm. Toàn tỉnh Phú Yên (không tính TP. Tuy Hoà), ước tính lượng nhựa thất thoát ra môi trường khoảng 9,4 kg/người/năm, trong đó 88,6% lượng nhựa thất thoát do không được thu gom.
Về phát thải khí nhà kính, năm 2023, ước tính lượng phát thải khí nhà kính từ hệ thống quản lý chất thải của TP. Tuy Hòa vào khoảng 35.027,46 tấn CO2tđ, tương đương 533,14 kg CO2tđ/tấn chất thải được xử lý. Trong đó, hoạt động thu gom, chôn lấp chất thải hữu cơ phát sinh khí nhà kính nhiều nhất, chiếm 83%. Phát thải từ quá trình phân hủy chất thải rắn sinh hoạt tại bãi chôn lấp khoảng 35.012,58 tấn CO2tđ, tương đương 532,92 kg CO2tđ/tấn chất thải được chôn lấp và khoảng 14,88 tấn CO2tđ từ quá trình vận chuyển tương đương 0,23 kg CO2tđ/tấn chất thải. Ước tính tiềm năng giảm phát thải giai đoạn 2025 - 2030 khi thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải sẽ giảm được khoảng 60 nghìn tấn CO2tđ.
Để thu hồi chất thải, hướng tới một xã hội tuần hoàn, nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng ủ phân compost, một trong những giải pháp hiệu quả để sản xuất phân bón và xử lý chất thải hữu cơ. Chất thải sau khi ủ có thể được sử dụng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu này thử nghiệm sử dụng thùng ủ để sản xuất phân bón từ chất thải hữu cơ sinh hoạt tại 30 hộ gia đình ở TP. Tuy Hòa năm 2024 nhằm đánh giá tiềm năng xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình bằng thùng ủ compost. Kết quả cho thấy, khối lượng chất thải hữu cơ được xử lý tại hộ gia đình trung bình là 2,25 kg/ngày/hộ. Ước tính thùng ủ có thể góp phần xử lý được khoảng 32,04 tấn chất thải hữu cơ/ngày, giảm khoảng 17,8% lượng chất thải cần thu gom và xử lý của toàn Thành phố. 100% số hộ sử dụng hài lòng về thùng ủ; trong đó có 57,1% số người thích thùng ủ riêng đặt tại gia đình, 42,9% số hộ cho rằng tùy điều kiện sẽ lựa chọn ủ tại gia đình hay ở nơi công cộng, 82,1% số người trả lời sẵn sàng ủ rác tại nơi công cộng. Phân bón được tạo ra được các hộ gia đình sử dụng để bón cho hoa, cây cảnh, rau, cây ăn quả phục vụ cho nhu cầu của gia đình, thay thế hoàn toàn phân bón hoá học, góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh thùng ủ tại hộ gia đình, thùng ủ tập trung, sản phẩm phân bón dạng rắn cũng được đề xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ủ phân compost tại hộ gia đình có tiềm năng lớn để trở thành một chiến lược được thực hiện rộng rãi ở các địa phương, góp phần tài nguyên hóa chất thải, tạo phân bón hữu cho nông nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, tỉnh Phú Yên cần ưu tiên tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Thực hiện các đánh giá chuyên sâu hơn về kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và quy định cụ thể về việc phân loại chất thải tại hộ gia đình. Đồng thời, khuyến khích xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình và tăng cường phân loại thu gom chất thải có khả năng tái chế nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Thảo luận tại Hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phân loại và tái chế rác hữu cơ, đặc biệt là nâng cao vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và người dân trong quản lý rác thải rắn…
An Vi