Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

02/12/2013

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục môi trường đối với thế hệ trẻ tương lai của đất nước, những năm qua, các trường học trong toàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục môi trường trong học đường gắn liền với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Từ đó, tạo sự đổi mới trong nhận thức của các em về môi trường.

     Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.

     Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lý, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, trong nhà trường kiến thức bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào bài học để giáo dục ý thức cho các em.

     Cô Hồ Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Bình cho biết: Đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong các môn học và hoạt động giáo dục thông qua các môn đạo đức, tự nhiên-xã hội, khoa học... Chẳng hạn, ở mỹ thuật có thể cho học sinh vẽ tranh về môi trường, trong các môn tự nhiên và xã hội có thể giúp học sinh hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, cũng như cách bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục bảo vệ môi trường, biển đảo.

 

Các buổi ngoại khóa vẽ tranh mang chủ đề "Bảo vệ môi trường"

 

     Sở GD-ĐT luôn chú trọng công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá và nhân rộng các điển hình làm tốt. Nhiều trường đã thiết kế khuôn viên, trồng cây xanh, làm bồn hoa, thảm cỏ, xây dựng thư viện xanh, bảo đảm xanh-sạch-đẹp; trang trí lớp học vui tươi, xanh mát, đem lại môi trường giáo dục tốt, an toàn và hài hòa với thiên nhiên. Tiêu biểu như Trường tiểu học Nghĩa Ninh, Trường tiểu học Hải Đình (Đồng Hới), Trường tiểu học số 2 Hoàn Lão, Trường tiểu học Đồng Trạch (Bố Trạch), Trường tiểu học Hải Ninh (Quảng Ninh)... “Từ những hoạt động đó, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường sinh hoạt, môi trường sống ở cộng đồng xã hội của các em học sinh ngày càng được nâng cao, các em trở thành những tuyên truyền viên và thành viên tích cực trong bảo vệ môi trường”, cô Hà chia sẻ.

     Không chỉ trong các tiết học, ở hầu hết hoạt động ngoại khóa của các trường tiểu học cũng được lồng ghép nhiều nội dung mang ý nghĩa giáo dục môi trường. Ở Trường tiểu học Nghĩa Ninh, mỗi tháng tổ chức một hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm, trong đó đều có lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường như biểu diễn thời trang bằng lá cây, vẽ tranh mang chủ đề môi trường, làm vệ sinh khuôn viên nhà trường và các điểm di tích... Cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhờ hình thức lồng ghép này, ý thức bảo vệ môi trường của học sinh đã khá hơn trước rất nhiều. Không chỉ có ý thức bảo vệ môi trường, các em còn nhắc nhở bạn bè, người thân thực hiện việc vứt rác và phân loại rác đúng quy định.

     Cùng với việc lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường trong các bài giảng, mỗi trường còn tổ chức nhiều hình thức để học sinh tự tham gia, góp sức vào việc bảo vệ môi trường xung quanh. Để có được khuôn viên trường xanh-sạch-đẹp như hiện nay, Trường tiểu học Hải Ninh (Quảng Ninh) đã thường xuyên tổ chức phân công các lớp thay phiên nhau chăm sóc và làm sạch khu vực bồn hoa, sân trường. Để các em trực tiếp chăm sóc và bảo vệ khuôn viên của lớp, sẽ tạo cho các em cảm giác gần gũi với thiên nhiên, thêm yêu quý và có ý thức bảo vệ thiên nhiên.

 

Mô hình "Học cùng thiên nhiên" được triển khai thường xuyên tại

Trường tiểu học Nghĩa Ninh

 

     Anh Lê Văn Hải, Phó ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết: Vấn đề nâng cao nhận thức cho các em đội viên về bảo vệ môi trường luôn được Hội đồng Đội các cấp quan tâm, thông qua việc tăng cường công tác giáo dục thể chất nhằm hình thành cho các em ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, trường lớp gắn với mô hình “Học từ thiên nhiên”, “Học từ làng nghề”, “Học từ dân gian”; đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Trồng cây gây quỹ Đội”, “Vì màu xanh quê hương”, “Sạch nhà - sạch lớp - sạch trường”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”...

     Từ những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, toàn tỉnh đã hình thành 391 công trình măng non với trị giá trên 550 triệu đồng, tiêu biểu có mô hình “Lớp học xanh” của Liên đội Trường tiểu học Hải Ninh (Quảng Ninh) và mô hình “Lò đốt rác” của Liên đội Trường THCS Mai Hóa (Tuyên Hóa).

     Anh Phạm Quang Trung, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Mai Hóa cho biết: Mô hình “Lò đốt rác”, được đưa vào hoạt động năm 2012, kinh phí để hoạt động được trích từ nguồn quỹ Đội của trường. Trước đây, sau mỗi giờ tan học, các phòng học, khuôn viên nhà trường ngập trong rác, đủ các loại từ giấy, bút, vỏ bìa, hộp sữa, lá cây...

     Là một giáo viên tổng phụ trách Đội, anh luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt tình trạng rác thải quá nhiều trong trường học. Từ đó, anh đã tiến hành tìm hiểu và tham khảo các mô hình trên các trang mạng và  mô hình “lò đốt rác” ra đời từ đó. Trong quá trình hoạt động, nhà trường còn lồng ghép với công tác tuyên truyền qua hệ thống phát thanh và bản tin măng non của trường. “Nhờ có mô hình “Lò đốt rác” ý thức bảo vệ môi trường của các em được nâng cao, việc vứt rác bừa bãi giảm hẳn, rác được xử lý rất triệt để và sau đó được làm phân bón cho cây”, anh Trung chia sẻ.

 

Theo Báo Quảng Bình

 

Ý kiến của bạn