Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Yêu cầu khẩn trương lập thủ tục đất đai đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương

07/10/2024

    Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được, do đó cần khai thác và sử dụng hợp lý. Hiện, tỉnh Bình Dương đang tích cực sử dụng công nghệ, trang thiết bị mới, hiện đại nhằm tăng khả năng thu hồi tối đa khoáng sản, nguồn đất, đá thải tại các mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị… Qua điều tra xác định sơ bộ cho thấy, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không có khoáng sản kim loại, khoáng sản quý hiếm khác. Trữ lượng đá xây dựng trên địa bàn tỉnh là gần 5 tỷ 122 triệu m3, sét gạch ngói gần 620 triệu m3, cát xây dựng gần 24,4 triệu m3, đất sạn sỏi trên 14,5 triệu m3; tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng.

    Toàn tỉnh Bình Dương có 8 mỏ khai thác cát xây dựng được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác Trữ lượng cát được cấp phép khai thác gần 2.918.000 m3; công suất khai thác cát đã được cấp phép là 424.000 m3/ năm. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2/8 mỏ đang hoạt động với trữ lượng 888.977 m3, công suất 127.000 m3/năm.

    Đất san lấp có 3 nguồn, gồm đất tầng phủ từ các mỏ đá xây dựng đã được cấp phép; đất san lấp dôi dư được thu hồi từ dự án công trình như xây dựng nhà xưởng, xây dựng khu dân cư, khu chưng cư cao tầng; các mỏ đất san lấp đã quy hoạch. Tỉnh Bình Dương đã khoanh vùng quy hoạch diện tích là 125 ha với trữ lượng khoảng 6 triệu m3 đất san lấp nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đầu tư, lập thủ tục cấp phép.

    Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản phải phù hợp với chiến lược quốc gia về khoáng sản, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương. Hiện nay, định hướng của Bình Dương là chuyển không gian quy hoạch hoạt động khoáng sản lên phía Bắc, ưu tiên những vùng đất xấu, bạc màu sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.

    Đối với các mỏ đá, hiện nay doanh nghiệp đã lắp ráp các công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến như sử dụng kíp nổ phi điện làm giảm lực văng đá và giảm tiếng ồn, giảm độ rung khi nổ mìn, lắp đặt các loại máy sàng - nghiền, cho ra nhiều loại sản phẩm như đá 0 x 4, 4 x 6, 1 x 2… dùng trong xây dựng, không xuất bán sản phẩm thô (đá sau nổ mìn) ra thị trường. Đối với mỏ sét, các doanh nghiệp sử dụng sét làm vật liệu cho các nhà máy sản xuất gạch, ngói, không xuất bán sét ra bên ngoài; một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất gạch ngói cao cấp để xuất khẩu, điển hình như Công ty Cổ phần gạch ngói Đồng Nai.

    Để hoạt động khai thác khoáng sản phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Khoáng sản mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Sau khi nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản mới có hiệu lực, tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật; khẩn trương áp dụng các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; sớm hướng dẫn thi hành luật mới để đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong tình hình mới...

Ảnh minh họa

    Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình thanh, kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương phát hiện có nhiều doanh nghiệp chưa lập thủ tục đất đai nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản, điều này đã vi phạm nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích được quy định tại khoản 1, Điều 5, Luật Đất đai năm 2024. Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 4565/STNMT-CCQLĐĐ về việc khẩn trương lập thủ tục đất đai đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

    Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho hay, căn cứ khoản 2, Điều 205, Luật Đất đai năm 2024 quy định về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản cần có Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khai thác khoáng sản hoặc sử dụng cho các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Qua đối chiếu các quy định nêu trên, ngày 3/10/2024, Sở TN&MT đã có Văn bản số 4565/STNMT-CCQLĐĐ yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương khẩn trương liên hệ Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở TN&MT (Tầng 1 Tháp A - Trung tâm hành chính tỉnh) để lập thủ tục đất đai theo đúng quy định. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện lập thủ tục đất đai thì hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Tại Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ xác định, toàn tỉnh sẽ có 26 mỏ. Trong đó, đá xây dựng 7 mỏ, sét gạch ngói 8 mỏ, cát xây dựng 3 mỏ và vật liệu san lấp 8 mỏ. Về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch yêu cầu việc thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phải phù hợp với chiến lược quốc gia về khoáng sản, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và các đơn vị hành chính Bình Dương, đảm bảo tích hợp, cân đối, hài hòa, không xung đột, chồng chéo với các quy hoạch chuyên ngành khác. Hoạt động khoáng sản phải theo quan điểm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, bền vững, gắn kết chặt chẽ với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, môi trường và mọi dạng tài nguyên khác.

    Tăng cường sử dụng công nghệ, trang thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tuần hoàn khép kín, có khả năng thu hồi tối đa khoáng sản, tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên, sử dụng ít nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng. Tận dụng tối đa nguồn đất, đá thải tại các mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị... giảm áp lực lên các bãi thải mỏ. Ưu tiên chế biến sâu, đa dạng sản phẩm với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có giá trị sử dụng rộng rãi, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Định hướng chuyển không gian quy hoạch hoạt động khoáng sản lên phía Bắc của tỉnh, ưu tiên những vùng đất xấu, bạc mầu sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.

Châu Long

Ý kiến của bạn