Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường

29/11/2023

    Thành phố (TP) Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt có hơn 10 triệu dân, nằm trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai với hơn 2.000 km2. TP được xem là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, TP cũng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH). Hơn nữa, với tốc độ phát triển kinh tế và dân số cao, TP cũng đương đầu với nhiểu thách thức về môi trường và khai thác, sử dụng tài nguyên.

    Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai

    Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH có tính lâu dài, TP Hồ Chí Minh đã tích cực chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai. Hoạt động giảm phát thải khí nhà kính được quan tâm, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

    TP từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ công cụ quản lý, tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ đề ra. Kết quả đáng ghi nhận của TP phải kể đến đó là Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH được xây dựng và triển khai theo từng giai đoạn (giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050). Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH đã có một số đột phá và đạt kết quả tích cực như hoàn thành kiểm kê khí nhà kính tại TP Hồ Chí Minh. Qua đó, TP tận dụng nguồn lực quốc tế để đào tạo, tiếp tục thực hiện kiểm kê trong các năm tiếp theo với mục tiêu trở thành một trong những TP dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính.

    TP đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên và duy trì việc định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho báo cáo viên cấp TP và cán bộ truyền thông, lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt, tuyên truyền, vận động nhân dân có hiểu biết về BĐKH. TP thực hiện thành công “Cuộc vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, nhờ đó đã tạo ra được chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải trên toàn địa bàn TP, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Thành phố đã tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Các kết quả nghiên cứu đã làm rõ những tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và đưa ra các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong một số lĩnh vực hướng tới xã hội các-bon thấp. Nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ về tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nguồn nước, cấp thoát nước, chống ngập, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý đô thị tại TP Hồ Chí Minh trong điều kiện BĐKH.

    Trong thời gian qua, TP giữ vai trò tích cực trong nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai qua việc phối hợp với cơ quan Trung ương là Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ phát bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, thiên tai riêng cho khu vực TP Hồ Chí Minh. Xây dựng ứng dụng (app) phòng chống thiên tai cho TP trên thiết bị điện thoại thông minh (các thông tin văn bản pháp luật, tin cảnh báo thiên tai, bản đồ vị trí di dời, tính năng phản ánh cứu nạn, cứu hộ…), từ đó phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ người dân và chính quyền các cấp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, TP xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc điều tiết tích nước và xả nước hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ. Đến nay, chưa xảy ra sự cố thiệt hại do việc xả lũ của 2 hồ Dầu Tiếng và Trị An.

    Trong thời gian qua, BĐKH đã gây tác động rõ rệt đến TP là tình trạng ngập lụt. Dưới áp lực của mưa lớn, triều cường và sự quá tải của hệ thống thoát nước, TP gặp nhiều khó khăn trong công tác chống ngập. Tình trạng ngập lụt làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đô thị, gây khó khăn cho việc đi lại, từ đó gây ra những ảnh hưởng gián tiếp khác về giao thông vận tải, việc học và việc làm. Thời gian qua, TP đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng bằng việc triển khai Chương trình giảm ngập nước của TP. Chương trình được thực hiện đồng bộ tăng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước giảm ngập do mưa, vận hành các cống kiểm soát triều để tận dụng khả năng trữ nước của kênh rạch hiện hữu do triều. Từ đó, công tác chống ngập đã góp phần cải thiện bộ mặt của TP, hạn chế tình trạng ngập nước, góp phần cải thiện điều kiện sống của Nhân dân, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, đến cuối năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách. Đến cuối năm 2020, TP đã giải quyết được 22/40 tuyến đường trục chính (đạt 55%) và 179 tuyến hẻm, đường nhánh (đạt 100%); ngoài ra, đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước các tuyến đường chính. Đó là các kết quả đáng ghi nhận về giảm ngập do mưa. Về phần giảm ngập do triều, cuối năm 2015, đầu năm 2016, TP Hồ Chí Minh còn 9 tuyến đường trục chính bị ngập. Đến cuối năm 2020, TP giải quyết được 5/9 tuyến đường trục chính. Tuy nhiên, một số tuyến Nguyễn Văn Hưởng, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn chưa giải quyết được ngập do triều vẫn đang là vấn đề cần nỗ lực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TP cũng ban hành các Kế hoạch, Phương án về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô hàng năm cảnh báo, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn.

Toàn bộ dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường cho TP. Hồ Chí Minh

    Một trong những giải pháp giảm nhẹ BĐKH là triển khai hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Đó là các Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2014-2020, Chương trình năng lượng xanh và các Chương trình tiết kiệm điện trên địa bàn TP, Chương trình thúc đẩy hợp tác các vấn đề hướng đến phát triển xã hội phát thải các-bon thấp giữa TP Osaka Nhật Bản và TP Hồ Chí Minh. TP triển khai Kiểm kê khí nhà kính mỗi 2 năm/lần, xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn. Hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính từ hoạt động giao thông như phát triển giao thông xanh (phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, xây dựng các ứng dụng xe buýt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm tuyến, giờ xe đến), dịch vụ thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn Quận 1 chính thức hoạt động từ tháng 12/2021 đến nay đã nhận được sự quan tâm tích cực của người dân. Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030 và các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, và đang tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại (06 tuyến: 3a, 3b, 4, 4b, 5 và 6) và 03 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) trên địa bàn TP không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP mà còn giữ vai trò kết nối với khu vực.

    Bên cạnh giảm nhẹ khí nhà kính thì hoạt động tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái, phát triển rừng và cây xanh cũng được TP đặc biệt quan tâm. Công tác phòng chống cháy rừng, trồng rừng và cây xanh phân tán đạt được tỷ lệ che phủ rừng, cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên được đẩy mạnh đạt 40,3%. Công tác tập trung quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có, ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại cũng được TP quan tâm.

    Tập trung các giải pháp quản lý tài nguyên, BVMT

    Song song với các giải pháp BĐKH, TP còn tập trung các giải pháp quản lý nguồn tài nguyên như thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác trên địa bàn TP, triển khai Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước dưới đất TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2018 đến nay, sau khi áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, Thành phố đã thực hiện giảm lưu lượng khai thác từ 716.581 m3/ngày đêm m3/ngày đêm xuống còn 262.417 m3/ngày đêm đạt tỷ lệ 73,7% so với lộ trình Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố đến năm 2025. Ban hành danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất. Giải pháp phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống được triển khai. TP thúc đẩy nghiên cứu, đề xuất chính sách kêu gọi đầu tư các nhà máy nhiệt điện sạch (khí, khí hóa lỏng, chu trình hỗn hợp,..), điện mặt trời, điện gió,... theo công nghệ mới, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để bổ sung nguồn điện tại chỗ, triển khai nghiên cứu các nguyên liệu, vật liệu mới phù hợp với điều kiện phát triển TP là vật liệu xây dựng không nung (VLXKN).

    Đối với công tác BVMT, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ gắn với thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường với mục tiêu tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, chất thải, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tăng trưởng kinh tế với BVMT, xây dựng TP sạch, xanh, phát triển bền vững. Về nước thải công nghiệp, TP đảm bảo lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối với nước thải đô thị, đến nay, tổng công suất các nhà máy/trạm xử lý nước thải sinh hoạt là 200.200 m3/ngày, bao gồm 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các vấn đề khí thải cũng được triển khai, bên cạnh các giải pháp xử lý khí thải trong các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất, khí thải do giao thông cũng là vấn đề trọng yếu cần giải quyết. Công đo đạc các chỉ tiêu về chất lượng không khí tại 19 vị trí quan trắc không khí do hoạt động giao thông và triển khai các giải pháp đồng bộ gắn liền với với Chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông góp phần làm giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm. Đối với chất thải rắn, TP triển khai công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, gắn GPS trên phương tiện vận chuyển, lắp đặt camera giám sát tại các trạm trung chuyển, cải tạo các trạm trung chuyển rác, bố trí trang thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo chất lượng vệ sinh. TP áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với kết quả đạt 31% công nghệ đốt, compost, tái chế và 69% công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. TP cũng đã triển khai chương trình thu gom chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình theo chương trình tuần thu gom chất thải nguy hại chung của TP, triển khai chương trình công tác quản lý, thu gom chất thải y tế nguy hại và chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải phát sinh trên địa bàn, thu gom và tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt đạt tỷ lệ 50% khối lượng chất thải túi ni – lông khó phân huỷ phát sinh trong sinh hoạt, tăng lượng túi thân thiện môi trường tại hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt nhiều kết quả khả quan.

    Kết luận

    Những kết quả của TP mang lại đã khẳng định vai trò của TP Hồ Chí Minh trong việc đóng góp, phối hợp trong triển khai nhiệm vụ, quyết định sự thành công trong tăng cường hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, vì mục tiêu chung của quốc gia của toàn cầu. Các chương trình, dự án về BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT của TP đã, đang và sẽ lồng ghép, hướng đến mục tiêu chung của Nghị quyết số 24-NQ/TW. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, các giải pháp chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn, triển khai các chương trình trọng điểm, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án về môi trường. Đánh giá xu thế đến năm 2050, TP hứa hẹn sẽ đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), sử dụng hợp lý tài nguyên, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc BVMT xanh sạch, đẹp.

Huỳnh Văn Thanh - Phó Giám đốc

Châu Trúc Phương

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

 

Ý kiến của bạn