Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Tăng cường quản lý, đảm bảo hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

20/05/2024

    Theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, trên địa bàn tỉnh có khoảng 124 mỏ, điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng, với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3. Hiện toàn tỉnh có 27 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép khai thác còn thời hạn. Tổng trữ lượng là trên 6,5 triệu m3; tổng công suất hằng năm là 562.012 m3. Việc cấp phép khai thác cát đã góp phần cung cấp kịp thời nguồn vật liệu phục vụ các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với một số dự án trọng điểm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác vẫn còn những tổ chức, cá nhân chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Việc khai thác ra ngoài vị trí mỏ được cấp; khai thác vượt công suất; quá trình vận chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông... có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, vẫn còn những trường hợp khai thác cát trái phép với quy mô nhỏ lẻ ở một số địa phương như Thọ Xuân, Thạch Thành...

    Xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép

     Sở TN&MT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép như nguồn cung về cát xây dựng không đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng khan hiếm cát, đẩy giá cát lên cao. Việc quản lý các phương tiện (tàu, thuyền) trên sông còn hạn chế, nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, nhiều trường hợp người dân chài sử dụng thuyền là phương tiện sinh sống kết hợp việc vận chuyển cát, khai thác cát. Cùng với đó, một số đơn vị khai thác đã lợi dụng việc phao (mốc giới mỏ) bị dịch chuyển do ảnh hưởng của mưa, bão, dòng chảy để khai thác vượt ranh giới mỏ,...

    Từ yêu cầu thực tiễn cũng như thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm, Sở TN&MT, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát của các tổ chức, cá nhân. Riêng năm 2023, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đối với 15 mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh; tổ chức 4 lượt kiểm tra đột xuất theo phản ánh của báo chí, người dân về hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy vẫn còn những đơn vị khai thác vượt công suất tại huyện Yên Định, Vĩnh Lộc... như Công ty TNHH Nam Lực có điểm mỏ tại xã Định Hải, huyện Yên Định và xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc; Công ty CP Đầu tư phát triển Lê Hoàng có điểm mỏ tại phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Một số đơn vị có số lượng tàu thuyền khai thác hết hạn đăng kiểm theo quy định như Công ty TNHH Minh Chung có điểm mỏ tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc; Công ty TNHH Xây dựng vận tải Thành Tín có điểm mỏ tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy...

    Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở TN&MT đã có công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện các nghĩa vụ theo quy định có liên quan đến khai thác khoáng sản; khai thác tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong và sau khi khai thác, không khai thác khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy... Đặc biệt, qua kiểm tra đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa hoạt động này đi vào nền nếp.

Hoạt động khai thác cát trên sông Mã

    Đơn cử như ngày 31/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 16420/UBND-CN về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với mỏ cát số 41 tại xã Quý Lộc, huyện Yên Định của Công ty CP Thương mại Đức Lộc do vi phạm quy định khai thác khoáng sản. Ngày 14/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 17229/UBND-CN về việc tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ cát số 18 xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc của Công ty TNHH Minh Chung và yêu cầu công ty khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Vĩnh Lộc và các đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá, có giải pháp kịp thời thi công chống sạt lở bờ sông Mã đoạn qua khu vực mỏ cát bảo đảm theo quy định...

    Với sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, tình trạng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chức năng là cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện (tàu, thuyền) hoạt động trên các tuyến sông, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu hành, xử lý nghiêm các trường hợp tàu thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động trên sông. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các lực lượng tại địa phương cấp huyện, cấp xã về phương tiện, trang thiết bị và kinh phí để duy trì các tổ tuần tra kiểm soát và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông, lập lại trật tự trong quản lý khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Thực hiện hiệu quả Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ

    Thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thời gian qua, tỉnh đã giao Sở TN&MT cùng các cấp, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn, do đó hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi cơ bản đã đi vào nền nếp.

    Trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 4343/QĐ-UBN D ngày 14/10/2020; Quyết định số 1701/QĐ-UBND ngày 18/5/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019; UBND tỉnh đã tích hợp các quy hoạch trên vào Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023. Theo đó, tổng số mỏ cát, sỏi và khu vực nạo vét sông, cửa biển được quy hoạch là 124 khu vực thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố với tổng tài nguyên dự báo khoảng 18,4 triệu m3.

    Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp 31 giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông đang còn thời hạn, với tổng trữ lượng, tài nguyên cát, sỏi đã cấp phép là 7 triệu m3, công suất khai thác 750.000 m3/năm. Các giấy phép được cấp chủ yếu tập trung tại các huyện: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa. Việc cấp phép cho đơn vị khai thác chủ yếu thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, nâng cao giá trị tài nguyên, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng khai thác cát trái phép.

    Những năm gần đây do có sự chỉ đạo quyết liệu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương liên quan, tình hình khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định.

    Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; tiếp tục đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản lắp trạm cân, camera giám sát, chấp hành đầy đủ các quy định theo Giấy phép đã được cấp có thẩm quyền cấp và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát tự nhiên. Chỉ sử dụng cát tự nhiên dùng cho sản xuất bê tông, xây tô, trát.

    Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, UBND các huyện tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác như: xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý  nhà nước về khai thác cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh; thành lập các tổ công tác giám sát hoạt động khai thác khoáng sản; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn