Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 16/08/2024

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

07/08/2024

    Lưu vực sông (LVS) Đồng Nai là LVS lớn thứ 3 cả nước, sau hệ thống sông Mê Kông, sông Hồng - Thái Bình, có tài nguyên nước chiếm khoảng 5,5% tổng lượng tài nguyên nước của cả nước. LVS Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 36.530 km2, thuộc phạm vi hành chính của 10 tỉnh, TP: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Long An, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh, được đánh giá là LVS Đồng Nai có nhiều giá trị to lớn, trong đó nổi bật nhất là giá trị về nguồn nước, là nguồn cung cấp chính cho các hoạt động phát triển kinh tế, dân sinh và điều hòa khí hậu của cả vùng. Đây là một trong 13  LVS của Việt Nam phải lập Quy hoạch tổng hợp LVS.

1. Một số thách thức đối với nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai

    Tài nguyên nước LVS Đồng Nai được khai thác sử dụng đáp ứng các mục đích sử dụng nước sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và phát điện, qua đó hàng năm đóng góp khoảng 35,2% GDP của cả nước. Cũng nhờ nguồn nước dồi dào, phong phú, LVS có thêm các giá trị khác như: tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, thủy sản, thủy điện, du lịch sinh thái… Hiện có những giá trị đã và đang được khai thác hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, tài nguyên nước LVS Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức do áp lực khai thác, sử dụng nước, lượng nước suy giảm mạnh vào mùa khô, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), cụ thể:

    (i)Tài nguyên nước trong vùng quy hoạch phân bố không đều theo không gian và thời gian. Tổng lượng nước trong vùng quy hoạch khoảng 56,73 tỷ m3 (gồm nước mặt khoảng 46,13 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 10,6 tỷ m3). Trong đó, tổng lượng nước mặt trong mùa lũ chiếm khoảng 78% và trong mùa kiệt chiếm khoảng 22% tổng lượng dòng chảy năm. Lượng nước bình quân đầu người trong mùa cạn khoảng 797 m3/người, nhưng khả năng tiếp cận nguồn nước ở nhiều khu vực còn gặp khó khăn, đặc biệt khu vực vùng núi cao, vùng sâu, vùng chịu tác động của xâm nhập mặn, dẫn đến thiếu nước cục bộ ở một số vùng trong mùa cạn.

    (ii) Chưa có Quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai, trong khi quy hoạch tổng hợp LVS là một trong những nền tảng để lập và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Mặt khác, một số quy hoạch có khai thác, sử dụng nước ở các ngành, địa phương đã và đang tổ chức thực hiện như: quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước nông thôn, quy hoạch cấp nước đô thị... Tuy nhiên, các quy hoạch này còn mang tính đơn ngành, chủ yếu tập trung vào mục tiêu khai thác, sử dụng nguồn nước mà chưa xét đến phân bổ tổng hòa nguồn nước giữa các ngành ở các điều kiện nguồn nước khác nhau, cũng như chưa đề cập đến vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên cơ sở bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và nâng cao giá trị sử dụng nước

    (iii) Sự phát triển mạnh mẽ về KT - XH, quá trình đô thị hóa nhanh và các hoạt động sản xuất công nghiệp được mở rộng của các địa phương trong vùng quy hoạch đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Bên cạnh đó, các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, nhất là các loại hình nước thải không được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật đã và đang tác động, gây sức ép ngày càng lớn đến số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối, kênh, rạch, cũng như các tầng chứa nước trong vùng quy hoạch, đặc biệt tại khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, việc khai thác, sử dụng nước khi chưa có quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, chưa quy định chức năng nguồn nước, chưa quy định dòng chảy tối thiểu... đã làm cho nguồn nước ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong vùng.

    (iv) LVS Đồng Nai là một trong những LVS bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng. Sự biến động này gây ra các hiện tượng thủy văn cực đoan như xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán làm biến đổi chế độ dòng chảy trong cả mùa mưa và mùa khô. BĐKH cũng ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước, làm cho tình trạng phân bố nguồn nước không đồng đều giữa mùa khô và mùa mưa ngày càng thêm trầm trọng. Hậu quả là xâm nhập mặn, lũ, lụt và hạn hán xuất hiện với tần suất và mức độ ngày càng khốc liệt và hiện tượng này đã xuất hiện rõ hơn trong những năm gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước, điển hình là hiện tượng hạn hán lịch sử vào mùa khô năm 2016, hệ quả của nó là dòng chảy của hầu hết các sông, suối trong vùng quy hoạch đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt ở nhiều khu vực.

    (v) Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn đang diễn ra. Tỷ lệ thất thoát nước trong cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng trên 20%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế, nhất là khai thác nước trong nông nghiệp (chỉ ở mức từ 70 đến 80%) năng lực thiết kế công trình…

    Từ những thách thức trên, nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khôi phục, giảm thiểu suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và thích ứng với BĐKH cho tài nguyên nước quốc gia nói chung, LVS  Đồng Nai nói riêng, ngày 8/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch quy định cụ thể về mục tiêu, giải pháp, chức năng nguồn nước và quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển KT - XH trong vùng quy hoạch; xây dựng các giải pháp, quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ và địa phương có liên quan nhằm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu quả.

2. Quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, bảo đảm an ninh nguồn nước trên toàn vùng quy hoạch

    Quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi lập quy hoạch, bao gồm diện tích LVS Đồng Nai thuộc địa giới hành chính TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng (không kể phần diện tích thuộc tỉnh Long An được đưa vào Quy hoạch tổng hợp LVS Cửu Long) và một phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng nhận chuyển nước từ LVS Đồng Nai, được phân chia thành 6 tiểu vùng quy hoạch, gồm: Thượng lưu sông Đồng Nai; hạ lưu sông Đồng Nai; sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ; sông Bé; sông La Ngà và phụ cận ven biển.

    Quy hoạch được ban hành dựa trên các quan điểm tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo LVS, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng và giữa các địa phương trên cùng lưu vực, bảo đảm phù hợp quy hoạch của các tỉnh và các quy định của điều ước quốc tế, hợp tác song phương mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Quy hoạch tổng hợp LVS được xây dựng trên cơ sở lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng…; tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước linh hoạt, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với khả năng của nguồn nước. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị sử dụng nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và thích ứng với BĐKH; bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý, chia sẻ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, các địa phương trên lưu vực và một số địa phương khó khăn về nguồn nước khu vực duyên hải Nam Trung bộ (Ninh Thuận và Bình Thuận). Bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở bảo vệ chức năng nguồn nước đáp ứng chất lượng nước cho các mục đích sử dụng, bảo vệ nguồn sinh thủy và phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra với phương châm chủ động phòng ngừa là chính để giảm thiểu tối đa tổn thất, ổn định an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

    Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên LVS và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo LVS và thích ứng với BĐKH. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.

    Đến năm 2030, Quy hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 70% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý, bảo vệ; Hoàn thành việc lập và công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào nguồn nước; 40% đến 45% lượng nước thải tại các đô thị từ loại II trở lên và 25% đến 30% lượng nước thải tại các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào nguồn nước.

    Tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp vớicác điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyênnước mà Việt Nam đã tham gia; phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông, kênh, rạch bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng; phòng,chống sạt, lở bờ sông, kênh, rạch có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông,hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông; bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng vớicác quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao giá trị sử dụng nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Các nội dung chính của Quy hoạch, bao gồm:

    Chức năng nguồn nước: Các nguồn nước trong vùng Quy hoạch có một hoặc nhiều chức năng cơ bản: Cấp nước cho sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ; cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; cấp nước cho sản xuất công nghiệp; cấp nước cho thủy điện, du lịch; giao thông thủy; tạo cảnh quan, môi trường; bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái thuỷ sinh, đa dạng sinh học; trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước. Chức năng nguồn nước được xác định trên cơ sở đặc điểm phân bố của nguồn nước, hiện trạng, mục tiêu sử dụng nước và quy hoạch, kế hoạch về phát triển KT-XH. Chức năng nguồn nước được xác định theo từng thời kỳ (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050); định kỳ thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng nguồn nước để phù hợp với tình hình thực tế của từng nguồn nước và nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ phát triển KT - XH.

    Quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển KT - XH trong vùng Quy hoạch: Phân phối nguồn nước mặt, nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng trong điều kiện bình thường trên vùng quy hoạch từ 36.088 triệu m3(ứng với tần suất 85%) đến khoảng 46.134 triệu m3 (ứng với tần suất 50%), góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước đến năm 2030 khoảng 12.169 triệu m3 trên phạm vi vùng quy hoạch…

    Trong điều kiện bình thường, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động điều hoà, phân phối tài nguyên nước bảo đảm phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phù hợp với kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước cho các khu vực sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao (đối với tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai) và tiểu vùng phụ cận ven biển (Ninh Thuận và Bình Thuận), kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối,khai thác, sử dụng nước và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra(đối với tiểu vùng sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ) và phù hợp với các quy định pháp luật về tài nguyên nước.

    Hằng năm, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND tỉnh có liên quan xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước (cả năm và cập nhật vào đầu mùa cạn) trên cơ sở hiện trạng và dự báo xu thế diễn biến lượng mưa, xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa theo các thời kỳ trong năm. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND tỉnh có liên quan chủ động chỉ đạo,hướng dẫn tổ chức thực hiện việc khai thác, sử dụng nước phù hợp, bảo đảm ưu tiên nước cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các tiểu vùng quy hoạch…

    Quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên sông, suối, kênh, rạch phải bảo đảm giá trị dòng chảy tối thiểu đã được Bộ TN&MT công bố quy định tại Phụ lục VI kèm theo Quyết định này. Trong trường hợp thực hiện hoạt động phát triển KT - XH đòi hỏi phải điều chỉnh giá trị dòng chảy tối thiểu, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm nguồn nước, UBND cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

    Ngoài ra, Quy hoạch cũng quy định cụ thể về các nội dung như: Nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; Công trình đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước; Bảo vệ tài nguyên nước; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; Phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất; Giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước…

3. Một số giải pháp thực hiện Quy hoạch nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, nâng cao giá trị sử dụng nước

    Một là, tiếp tục thực hiện giải pháp về pháp luật, chính sách đã được đề ra theo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù (nếu có) đối với vùng quy hoạch này.

    Hai là, điều hòa, phân phối, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước. Theo đó, thực hiện các nội dung cụ thể: Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước; ưu tiên lập kếhoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các vùng thường xuyên xảy ra thiếu nước; hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên LVS Đồng Nai; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống đồng bộ, hiệu quả; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên LVS Đồng Nai thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước theo quy định…

    Ba là, phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra: Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng sạt lở trên dòng chính sông Đồng Nai thuộc địa bàn các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu các biện pháp công trình phòng, chống sạt lở tại các khu vực đô thị, khu vực dân cư tập trung, gồm: TP. Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước; huyện Bắc Tân Uyên và TP. Tân Uyên - tỉnh Bình Dương; Quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh...; Lập bản đồ phân vùng lún bề mặt đất, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc, giám sát diễn biến lún tại một số khu vực có nguy cơ sụt lún bề mặt đất, mức độ lún cao, đánh giá xác định nguyên nhân sụt lún bề mặt đất làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp như ở khu vực TP. Hồ Chí Minh; lập bản đồ ngập lụt cho toàn lưu vực trên cơ sở ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại…

    Bốn là, tăng cường khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế: Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để phục vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát, sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, nghiên cứu chuyển giao khoa học về nguồn nước, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng nước; Ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức xây dựng, vận hành mạng quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đáp ứng các yêu cầu vận hành liên hồ chứa nhằm điều tiết, vận hành hồ chứa theo thời gian thực, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Trần Thị Thanh Tâm

Cục Quản lý Tài nguyên nước

(Nguồn: Bài đang trên Tạp chí Môi trường số 7/2024)

Ý kiến của bạn