Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới

04/12/2023

    1. Tình hình thực hiện bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo Nghị quyết số 24-NQ/TW

    Từ sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết số 24-NQ/TW) được ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và đa dạng sinh học (ĐDSH) tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế. Theo đó, Bộ TN&MT đã tham mưu với Chính phủ ban hành các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tiêu chí xác định và danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; lập và công khai danh mục các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại; nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Công tác quản lý, BTTN và ĐDSH đã đạt được những kết quả tích cực.

    Số lượng khu BTTN trên cạn đã tăng từ 166 năm 2015 lên 178 khu năm 2022, diện tích tăng tương ứng từ khoảng 2.453.300 ha lên 2.663.265 ha; đã có 10 khu bảo tồn biển và vùng biển thuộc VQG được thành lập và quản lý với diện tích 187.810,93 ha, chiếm khoảng 0,19% diện tích vùng biển tự nhiên. Thành lập và quản lý 2 khu bảo tồn đất ngập nước, có hơn 40 khu BTTN thuộc diện xem xét, chuyển đổi thành khu bảo tồn đất ngập nước. Nhiều khu BTTN được công nhận danh hiệu quốc tế như Vườn Di sản ASEAN, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsar. Mở rộng phạm vi bảo vệ, BTTN và ĐDSH thông qua quy hoạch và xác lập hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng.

    Tiêu chí xác định và Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ đã được điều chỉnh, bổ sung. Việc bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như các loài linh trưởng, voi, hổ, sao la và các loài thủy sinh…được triển khai thông qua các đề án, kế hoạch. Các hình thức bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ được triển khai. Một số quần thể loài nguy cấp đã dần được phục hồi trong tự nhiên như voọc Cát Bà, voọc mông trắng ở Khu BTTN Vân Long (Ninh Bình), voọc mũi hếch ở rừng Khau Ca (Hà Giang), cá sấu xiêm tại VQG Cát Tiên.

    Cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã được thiết lập theo điều ước quốc tế. Hệ thống quản lý an toàn sinh học (ATSH) đối với sinh vật biến đổi gen đã đi vào vận hành, bảo đảm 100% cây trồng biến đổi gen được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học trước khi trồng trọt; thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được đánh giá an toàn trước khi đưa ra thị trường.

    Bước đầu, Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH thông qua việc triển khai một số nhiệm vụ, dự án; phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, BTTN và ĐDSH cũng gặp một số khó khăn, thách thức như:

    Xu hướng suy giảm ĐDSH chưa được ngăn chặn. Việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu BTTN trên cạn chậm so với mục tiêu đề ra, đến 2022 mới đạt khoảng 2,6 triệu ha về diện tích; các khu bảo tồn biển mới đạt 0,19% diện tích vùng biển. Các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển ở nhiều nơi tiếp tục suy thoái. Quần thể các loài hoang dã nhìn chung có xu hướng giảm, đặc biệt là số lượng cá thể các loài nguy cấp. Các loài ngoại lai xâm hại chưa được kiểm soát hoàn toàn, vẫn có nguy cơ xuất hiện. Năng lực phát hiện, nhận dạng sinh vật biến đổi gen trên cả nước còn nhiều hạn chế.

    Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH vẫn còn nhiều quy định chưa đồng bộ từ đó dẫn đến hạn chế trong thực thi pháp luật.  Tiếp cận kinh tế trong hoạch định chính sách bảo tồn ĐDSH còn hạn chế, nhất là thiếu thông tin, luận cứ có tính định lượng làm căn cứ cho việc ra các quyết định liên quan đến bảo tồn ĐDSH hoặc còn thiếu các khuyến khích kinh tế cho bảo tồn ĐDSH.

    Nguồn lực đầu tư cho BTTN và ĐDSH còn hạn chế. Thiếu các chính sách cụ thể để huy động đóng góp hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam.

    Nhận thức về BTTN và ĐDSH chưa đầy đủ; chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn ĐDSH, giữ gìn sinh thái cảnh quan, bảo vệ động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ di sản thiên nhiên; tình trạng khai thác và sử dụng quá mức nguồn tài nguyên động, thực vật, làm mất sinh cảnh sống của các loài vẫn còn tiếp diễn...

    Thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH đang phân tán ở nhiều cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng hệ thống CSDL tổng hợp và thống nhất về ĐDSH mới chỉ ở bước đầu. Tuy đã có nhiều CSDL nhưng các CSDL này chưa có sự liên kết, tích hợp thông tin, dữ liệu với nhau hoặc chưa có sự kết nối, chia sẽ từ trung ương đến địa phương, đối tượng quản lý để quản lý đồng bộ, thống nhất các đối tượng về BTTN và ĐDSH.

    Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém có hai nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trải qua giai đoạn phát triển nóng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; hoạt động khai thác lâm sản và săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã tác động tiêu cực đến ĐDSH. Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức về BTTN và ĐDSH được nâng lên nhưng chưa tương xứng với diễn biến, mức độ suy giảm ĐDSH; ý thức về bảo vệ, bảo tồn ĐDSH ở nhiều địa phương, các cấp, ngành còn hạn chế, chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách, phân công quản lý về BTTN, ĐDSH còn có sự giao thoa, chồng chéo giữa các Bộ, ngành, nhất là về nội dung quản lý nhà nước và đối tượng quản lý; sự phối hợp liên ngành, địa phương còn yếu kém. Việc tổ chức thực thi pháp luật về BTTN và ĐDSH còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn chưa cao. Nguồn lực (tài chính, con người, trang thiết bị) cho công tác BTTN và ĐDSH còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong BTTN và ĐDSH chưa đáp ứng yêu cầu; công tác hợp tác quốc tế còn dài trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

    2. Công tác quản lý, BTTN và ĐDSH trong thời gian tới

    Để thực hiện hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế về ĐDSH mà Việt Nam đã cam kết, triển khai Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh – Montreal, Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030) của Liên hợp quốc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra hiện nay, công tác BTTN, ĐDSH trong thời gian tới tập trung một số vấn đề trọng tâm.

    Về quan điểm: Xác định rõ quan điểm ĐDSH là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn ĐDSH vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm BVMT, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; bảo tồn ĐDSH kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn ĐDSH, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH.

    Về mục tiêu đến 2030: Gia tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; nâng diện tích các khu BTTN trên cạn đạt 3 triệu ha; tăng số lượng và diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước thông qua thành lập mới và chuyển đổi các khu BTTN có diện tích đất ngập nước trên 50%; đạt mục tiêu 30% diện tích đất liền và biển được bảo vệ thông qua mở rộng và bảo vệ các khu bảo tồn và các khu vực có hiện pháp bảo tồn hiệu quả khác (OECM).

    Về nội dung, nhiệm vụ trọng tâm:

    - Tăng cường bảo tồn, phục hồi ĐDSH thông qua việc mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu BTTN và hành lang ĐDSH; củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại khu vực ngoài khu BTTN, nhất là các vùng đất ngập nước quan trọng, sinh cảnh sống của các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái, nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển.

    - Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư: Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư; tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các tuyến di cư quan trọng của các loài hoang dã di cư, thực hiện các giải pháp phục hồi và mở rộng diện tích trồng các loài thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng Danh mục các loài hoang dã nguy cấp và chế độ quản lý, bảo vệ phù hợp với từng nhóm loài; hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật để quản lý các cơ sở bảo tồn ĐDSH.

    - Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen: tăng cường công tác điều tra, thu thập, lưu giữ nguồn gen các loài hoang dã nguy cấp, cây lâm nghiệp, cây thuốc, cây trồng, vật nuôi và họ hàng hoang dại của các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật trong các ngân hàng gen; thực hiện các biện pháp bảo tồn các nguồn gen hoang dã quý, hiếm, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng; mở rộng và củng cố mạng lưới quỹ gen; tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm giữa các thành viên trong mạng lưới; thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen quốc gia; thúc đẩy việc thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện pháp luật về tiếp cận nguồn gen; triển khai, nhân rộng thực hiện các mô hình về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích liên quan đến nguồn gen; xây dựng cơ chế tài chính cho việc sử dụng các lợi ích thu được từ nguồn gen trong công tác bảo tồn ĐDSH và bảo vệ tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen.

    - Đánh giá, phát huy lợi ích của ĐDSH phục vụ phát triển bền vững: Điều tra, kiểm kê, thống kê, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH; sử dụng bền vững ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái (hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; thực hiện các mô hình du lịch sinh thái tại các khu BTTN, cảnh quan sinh thái quan trọng, khu di sản thiên nhiên với các kết cấu hạ tầng dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù gắn kết và góp phần bảo tồn ĐDSH; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên ĐDSH, dịch vụ hệ sinh thái và các hoạt động phát thải vào môi trường tự nhiên trong giới hạn chịu tải của hệ sinh thái,…); thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển ĐDSH đô thị và nông thôn (bảo tồn, phục hồi và phát triển các không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong đô thị; bảo đảm diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị theo quy định; thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” ở các khu đô thị và vùng nông thôn; phát triển các công trình xanh, đô thị xanh….); bảo tồn ĐDSH thích ứng với BĐKH (bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH, dịch vụ hệ sinh thái dựa vào cộng đồng và thích ứng với BĐKH; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH ở các khu vực dễ bị tổn thương; xây dựng, nhân rộng mô hình bảo tồn ĐDSH tại các khu vực ĐDSH cao, dễ bị tổn thương do BĐKH, mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên và tri thức cộng đồng...)

    - Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến ĐDSH:  thực hiện đánh giá tác động cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược; xây dựng, ban hành và triển khai áp dụng cơ chế bồi hoàn ĐDSH; hạn chế tối đa và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt các khu vực bảo tồn trọng điểm, các lưu vực sông và vùng ven biển trọng yếu; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến ĐDSH; thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu tốn ít nhiên liệu, năng lượng; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các bon thấp, sinh thái, thân thiện với môi trường; kiểm soát nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.

    Về giải pháp chủ yếu

    Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về ĐDSH theo hướng tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BTTN và ĐDSH theo hướng khắc phục các bất cập, giao thoa, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, bảm đảm thống nhất, thể chế hóa để các cam kết quốc tế về ĐDSH. Kiện toàn và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ĐDSH, của cán bộ quản lý khu BTTN, khu di sản thiên nhiên và đơn vị, cơ quan liên quan; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ĐDSH và các tổ chức chính trị - xã hội, các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

    Thứ hai, nâng cao nhận thức, ý thức về BTTN và ĐDSH. Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách phát triển; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương về bảo tồn ĐDSH. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về BTTN và ĐDSH của các tổ chức, cá nhân; thường xuyên phổ biến pháp luật về bảo tồn ĐDSH trên phương tiện truyền thông; tôn vinh các tấm gương, sáng kiến của các tổ chức, cá nhân về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

    Thứ ba, đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ĐDSH; giám sát việc thực hiện các cam kết về bảo tồn ĐDSH trong quá trình triển khai xây dựng, triển khai của các dự án phát triển.

    Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH

    Thứ năm, bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH. Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động các nguồn ODA để thực hiện các hoạt động đầu tư cho bảo tồn ĐDSH; khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn ĐDSH; áp dụng các cơ chế tài chính mới, đột phá để huy động nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thông lệ quốc tế.

    Thứ sáu, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Chủ động tham gia và thực hiện các cam kết trong các Điều ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH mà Việt Nam đã ký kết; nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế mới, sáng kiến, diễn đàn, tổ chức quốc tế về ĐDSH.

Nguyễn Văn Tài - Cục trưởng

Đặng Quốc Thắng - Chánh Văn phòng

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn