Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 16/08/2024

Một số kết quả đàm phán quan trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ủy ban đàm phán liên Chính phủ về Thỏa thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa

07/08/2024

    Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng, trở thành một trong những cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu, năm 2022, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thống nhất tiến hành đàm phán xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Hội nghị lần thứ tư Ủy ban đàm phán liên Chính phủ về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (Hội nghị INC-4) đã diễn ra từ ngày 21- 30/4/2024 tại Ottawa, Canada, tiếp nối từ các Hội nghị INC-1 năm 2022 và INC-2 và INC-3 năm 2023 đã đạt được một số kết quả quan trọng nhằm hướng tới việc kết thúc đàm phán và có thể thông qua thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024 nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng nêu trên.

Toàn cảnh Hội nghị INC-4 diễn ra tại Ottawa, Canada

Một số nội dung và kết quả đàm phán quan trọng

    Hội nghị INC-4 đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia chính thức đàm phán trên cơ sở dự thảo số 0 sửa đổi của Thỏa thuận với các nội dung: quản lý sản phẩm nhựa theo toàn bộ vòng đời của nhựa; cơ chế tài chính và tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; kế hoạch quốc gia, thực hiện và tuân thủ, báo cáo tiến độ, đánh giá, giám sát tiến độ định kỳ, hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức, sự tham gia của các bên liên quan… Những nội dung thảo luận tập trung vào những vấn đề sau đây:  

    Đối với nhựa polyme nguyên sinh: Đây là nội dung có nhiều tranh cãi và cho thấy sự chia rẽ khá lớn trong quan điểm của các quốc gia. Một số quốc gia sản xuất dầu mỏ như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Kuwati, Malaysia, Kazastan… (khoảng 20 quốc gia) đề nghị không quy định nội dung này vào trong Thỏa thuận, trong khi đó các quốc gia phát triển đề nghị cần có quy định bắt buộc về nhựa nguyên sinh vào Thỏa thuận và kêu gọi cần có các biện pháp để kiểm soát sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững trong suốt vòng đời của nhựa. Việt Nam cũng có quan điểm ủng hộ không có quy định về quản lý nhựa nguyên sinh vào văn kiện và đề nghị việc tuân thủ phải được thực hiện theo năng lực của từng quốc gia. 

    Hoá chất và polyme đáng quan tâm:Các quốc gia phát triển đề xuất các điều khoản mang tính ràng buộc toàn cầu (ngược lại với các biện pháp do quốc gia xác định) để kiểm soát hoặc điều chỉnh việc sử dụng hóa chất, các nhóm hóa chất và polyme, thông qua danh sách được nêu trong các phụ lục và được thực hiện thông qua các biện pháp trong nước và được phản ánh trong các kế hoạch quốc gia. Một nhóm quốc gia đề xuất đưa ra hai danh sách trong một phụ lục, trong đó phân biệt giữa các hóa chất trong nhựa bị cấm/loại bỏ và những hóa chất cần tránh và giảm thiểu, đồng thời đề xuất các tiêu chí để xác định các hóa chất cần quan tâm.

    Đối với vấn đề vi nhựa: Đây cũng là một nội dung mà các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Hàn Quốc, Thái Lan cho rằng nội dung này đã được nhắc đến ở các mục khác như Phát thải và loại bỏ nhựa và đề nghị không quy định nội dung này tại Thỏa thuận. Một nhóm các quốc gia gồm Kenya và Philippin đề xuất yêu cầu các bên “thực hiện các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy nghiên cứu về quy mô và phạm vi rò rỉ của nhựa vi mô và nano trong toàn bộ vòng đời của nhựa và tác động của chúng đối với tất cả các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, chuỗi thức ăn, và sức khỏe con người”, đồng thời đề xuất yêu cầu các biện pháp nhằm thúc đẩy tính minh bạch và giảm lượng phát thải của các thành phần vi nhựa được cố ý thêm vào cũng như vô tình phát tán hạt vi nhựa; thành lập các trung tâm khu vực để giám sát và báo cáo về sự rò rỉ và phát tán hạt vi nhựa, đồng thời thành lập một quỹ chuyên dụng để cung cấp nguồn lực cho đẩy mạnh nghiên cứu về vấn đề này.

    Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất:  Hội nghị INC-4 thảo luận gồm 3 phương án: (1) không có quy định về vấn đề này trong văn kiện của Thỏa thuận; (2) khuyến khích áp dụng theo điều kiện từng quốc gia; (3) các nước thành viên nên đảm bảo tất cả các nhà sản xuất đều là một phần của chương trình EPR. Về cơ bản các nước ủng hộ việc đưa EPR để giảm ô nhiễm nhựa, trong đó các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Nauy…) đề nghị thiết lập cơ chế EPR mang tính chất ràng buộc với bộ quy tắc chung để áp dụng thống nhất. Các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia hoặc các quốc gia đang phát triển hoặc chưa áp dụng cơ chế EPR … đề nghị thiết lập cơ chế EPR để thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình nhưng cần thực hiện linh hoạt, dựa trên hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia; một số quốc gia ủng hộ chương trình EPR tự nguyện hoặc nêu rõ xóa bỏ các điều khoản về EPR

    Hội nghị INC-4 đã dự thảo EPR thành 02 phương án: (1) không có quy định về vấn đề này; (2) mỗi thành viên cần phải hoặc khuyến khích thiết lập một chương trình/hệ thống thực hiện EPR. Hiện nay các nước thành viên đã bổ sung các nội dung, các nhóm vấn đề cần thiết, cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, quá trình chuyển đổi công bằng, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu trong việc thực hiện các chương trình EPR để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện tại Hội nghị INC-5 tiếp theo.

    Phát thải và thải bỏ nhựa trong vòng đời của nhựa: Trong dự thảo số 0, nội dung phát thải và thải bỏ nhựa theo vòng đời đưa ra 05 phương án, bao gồm: (1) các nước thành viên cần phải thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát phát thải nhựa, ngăn chặn việc phát thải và thải bỏ các sản phẩm nhựa theo vòng đời; (2) các nước thành viên sẽ ngăn ngừa và loại bỏ việc phát thải và thải bỏ các polyme nhựa, nhựa, bao gồm vi nhựa và các sản phẩm nhựa trong suốt vòng đời ra môi trường từ các nguồn được xác định trong Phụ lục E; (3) các nước thành viên nên thực hiện các biện pháp cần thiết để điều chỉnh lượng phát thải và thải bỏ nhựa, bao gồm vi nhựa, trong suốt vòng đời ra môi trường được xác định theo kế hoạch quốc gia và căn cứ vào hoàn cảnh, khả năng của quốc gia; (4) các nước thành viên phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát việc phát thải và thải bỏ chất thải nhựa và vi nhựa ra môi trường từ các nguồn được xác định trong Phụ lục E; (5) các nước thành viên phải quản lý và loại bỏ tình trạng thất thoát và thải bỏ các sản phẩm nhựa và chất thải sản phẩm, bao gồm cả chất thải vi nhựa, ra môi trường.

    Tại Hội nghị INC-4, về cơ bản phần lớn các quốc gia, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Samoa, Sri Lanka,… đồng thuận cao đối với nội dung quản lý chất thải trong phương án quản lý chất thải theo hướng chặt chẽ từ đầu nguồn đến xử lý; thống nhất thực hiện quản lý tổng hợp chất thải theo các công ước, hiệp ước hiện có (Công ước Basel, Rotterdam). Các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ tài chính và công nghệ trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; đặc biệt đề nghị ưu tiên các biện pháp tự nguyên do quốc gia xác định được nêu trong kế hoạch quốc gia; đề nghị kiểm soát vận chuyển chất thải nhựa xuyên biên giới, lưu ý thách thức do nhập khẩu chất thải từ các quốc gia khác. Các quốc gia phát triển đề nghị các biện pháp xuyên suốt vòng đời và chuỗi giá trị nhựa, phát triển hệ thống phân cấp chất thải.

    Kết thúc phiên đàm phán, nội dung phát thải và thải bỏ trong vòng đời nhựa đã rút gọn thành 2 phương án được đề xuất tiếp tục thảo luận tại phiên họp tiếp theo gồm: (1) Các quốc gia thành viên theo kế hoạch quốc gia và dựa vào hoàn cảnh, năng lực quốc gia cần thực hiện các biện pháp để điều chỉnh, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ phát thải, chất thải nhựa bao gồm cả vi nhựa ra môi trường theo vòng đời của nhựa; (2)  Các quốc gia thành viên theo kế hoạch quốc gia và dựa vào hoàn cảnh, năng lực quốc gia khuyến khích/ nên có các biện pháp để điều chỉnh, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ phát thải, chất thải nhựa. Cả 2 phương án này vẫn đang tiếp tục thảo luận để bổ sung các nội dung, các nhóm vấn đề cần thiết và đưa vào thảo luận ở các phiên INC5 tiếp theo.

    Quản lý chất thải nhựa: Trong Dự thảo số 0, nội dung quản lý nhựa có 04 phương án bao gồm: (1) các nước thành viên sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo chất thải nhựa được quản lý an toàn và thân thiện với môi trường trong các giai đoạn khác nhau theo vòng đời. Các biện pháp được thực hiện để thực thi điều khoản này sẽ được thể hiện trong kế hoạch quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu do quốc gia xác định và các yêu cầu tối thiểu được xây dựng dựa trên các chỉ số hài hòa được nêu trong phần II, phụ lục F; (2) các quốc gia thành viên sẽ thực hiện các biện pháp an toàn để quản lý chất thải nhựa thân thiện với môi trường. Các biện pháp được thực hiện để thực thi điều khoản này được khuyến khíchthể hiện trong kế hoạch quốc gia, nhằm đạt được các mục tiêu do quốc gia xác định và yêu cầu tối thiểu đã được xây dựng dựa trên các chỉ sốhài hòa được nêu trong phần II, phụ lục F; (3) Mỗi Bên nên thực hiện các biện pháp hiệu quả để đáp ứng các thực hành tốt nhất hiện có, nhằm thu gom, tái chế và xử lý ở mức tối thiểu an toàn và thân thiện với môi trường, xem xét đến các hướng dẫn liên quan, cơ sở hạ tầng quản lý chất thải sẵn có và các ưu tiên quốc gia; (4) Mỗi Bên, theo kế hoạch quốc gia của mình và căn cứ vào hoàn cảnh, khả năng của quốc gia cũng như các quy định quốc gia liên quan, sẽ thực hiện các biện pháp quản lý chất thải an toàn và thân thiện với môi trường. Các biện pháp được thực hiện để thực thi điều khoản này sẽ được thể hiện trong kế hoạch quốc gia.

    Tại Hội nghị INC-4, về cơ bản, phần lớn các quốc gia đều đồng thuận cao đối với nội dung quản lý chất thải trong phương án: quản lý chất thải theo hướng chặt chẽ từ đầu nguồn đến xử lý; thống nhất thực hiện quản lý tổng hợp chất thải theo các công ước, hiệp ước hiện có (Công ước Basel, Rotterdam). Đối với nhóm các nước đang phát triển nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm hỗ trợ tài chính và công nghệ trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; đặc biệt đề nghị ưu tiên các biện pháp tự nguyên do quốc gia xác định được nêu trong kế hoạch quốc gia. Các quốc gia này cũng đề nghị việc kiểm soát vận chuyển chất thải nhựa xuyên biên giới, lưu ý thách thức do nhập khẩu chất thải từ các nước khác. Các quốc gia phát triển kiêu gọi giải quyết các biện pháp xuyên suốt vòng đời và chuỗi giá trị nhựa, phát triển hệ thống phân cấp chất thải.

    Quản lý ngư cụ: Trong dự thảo số 0, nội dung quản lý ngư cụ là một nội dung trong phần quản lý chất thải nhựa (mục b phần II.9) với 3 phương án bao gồm: (1) không có nội dung quy định về vấn đề này; (2) các nước thành viên tùy theo kế hoạch quốc gia của mình và căn cứ vào hoàn cảnh và khả năng quốc gia phải thực hiện/khuyến khích thực hiện các biện pháp thích hợp về thiết kế, đánh dấu, truy tìm, theo dõi, truy xuất để ngăn ngừa, giảm thiểu và loại bỏ ngư cụ bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển. Các biện pháp được thực hiện để thực thi điều khoản này sẽ được thể hiện trong kế hoạch quốc gia; (3) các quốc gia thành viên, tùy theo hoàn cảnh và năng lực quốc gia, nên hợp tác để thực hiện các biện pháp hiệu quả, phù hợp, để xử lý ngư cụ.

    Tại phiên đàm phán, nội dung này vẫn đang được trao đổi và còn nhiều mâu thuẫn do chưa xác định được chính xác nội hàm ngư cụ, phạm vi quản lý. Một số quốc gia nêu quan điểm ngư cụ không phải chất thải là chỉ là thất lạc. Nhiều quốc gia phát triển đề nghị quản lý chặt chẽ từ đầu nguồn theo cách tiếp cận vòng đời , tiến hành dán nhãn, truy vết được ngư cụ. Các quốc gia đang phát triển như Indonesia, Malaysia có ý kiến việc quản lý vòng đời đối với ngư cụ rất thách thức và cần có nâng cao năng lực, hướng dẫn hỗ trợ để có thể thực hiện được. Một số nước đề nghị đưa nội dung ngự cụ từ mục quản lý chất thải lên mục phát thải.

    Kết thúc phiên đàm phán, nội dung quản lý ngư cụ được tách thành một mục riêng trong các vấn đề của nghĩa vụ với 2 phương án được tiếp tục đề xuất để thảo luận tại phiên tiếp theo, bao gồm: (1) không quy định về quản lý ngư cụ thành 1 nội dung chính của các nghĩa vụ cốt lõi; (2) các quốc gia thành viên tùy theo kế hoạch quốc gia của mình và căn cứ vào hoàn cảnh và khả năng quốc gia phải thực hiện/khuyến khích thực hiện các biện pháp thích hợp về thiết kế, đánh dấu, truy tìm, theo dõi, truy xuất để ngăn ngừa, giảm thiểu và loại bỏ ngư cụ bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển. Hiện nay, đã bổ sung các nội dung, các nhóm vấn đề cần thiết phải đưa vào đối với phương án này để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện ở Hội nghị INC-5 tiếp theo.

    Tài chính: Nhiều quốc gia đang phát triển ở Nam Mỹ, các quốc gia đảo nhỏ ủng hộ việc thành lập một cơ chế tài chính mới, chuyên biệt (ví dụ như Quỹ ô nhiễm nhựa) để hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong khi đó, các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh…) muốn tận dụng các cơ chế tài chính hiện hành như ADB, Ngân hàng thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu… bảo đảm hiệu quả và có thể đi vào vận hành ngay để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa hiện đang tương đối cấp bách trên toàn cầu; việc lập quỹ mới cũng không bảo đảm sẽ có thêm nguồn ngân sách. Việt Nam, Indonesia và một số quốc gia châu Á khác tuy ủng hộ có quỹ mới song cũng cho rằng vẫn nên tận dụng các cơ chế tài chính hiện tại (trong đó có GEF đang hoạt động hiệu quả), tận dụng bộ máy quản trị và nguồn tài chính có sẵn nhằm tối đa hóa nguồn lực, trong khi chờ thành lập một cơ chế mới.

    Bên cạnh đó, nội dung về Tài chính này cũng đề cập đến việc thiết lập các phương thức tính phí ô nhiễm nhựa toàn cầu, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất polyme phải chịu trách nhiệm về chi phí ô nhiễm của tất cả các loại nhựa do họ sản xuất. Khoản phí này có thể sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến làm sạch và quản lý chất thải thân thiện với môi trường. Liên minh châu Âu ủng hộ phương án thu phí ô nhiễm. Nhiều quốc gia đang phát triển đề nghị không quy định loại phí này trong Thỏa tuận do nhiều quốc gia đã quy định EPR và việc thu phí ô nhiễm nhựa sẽ gây ra tình trạng nộp phí hai lần, có thể tạo ra rào cản đầu tư từ các doanh nghiệp. 

    Tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ: các quốc gia đang phát triển đề xuất có các chương riêng về nội dung này, bảo đảm các nước phát triển hỗ trợ tăng cường năng lực, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trong việc giải quyết rác thải nhựa và trong nghiên cứu để có các giải pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong khi đó, các quốc gia phát triển chỉ muốn nội dung rút gọn. Một số quốc gia đề nghị bổ sung việc đưa ra cơ chế, chính sách cụ thể để xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ bền vững và hiệu quả, trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ quá trình phát triển, chuyển giao, phổ biến và đặc biệt là tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ mới, thân thiện môi trường. Một số quốc gia đề nghị nhấn mạnh việc xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; làm rõ hơn yêu cầu phối hợp, hợp tác với các hiệp định đa phương về môi trường và các sáng kiến khác có liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả.

Sự tham gia của Việt Nam và một số nội dung cần quan tâm trong thời gian tới

    Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên thảo luận theo các Nhóm liên hệ và các Tiểu nhóm với tinh thàn chủ động, có trách nhiệm trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường vận động, thu hút nguồn lực về tài chính và công nghệ để thực hiện Thỏa thuận.

    Trong quá trình thảo luận, Đoàn tập trung vào các nội dung đã được phê duyệt tại Đề án đàm phán liên quan đến việc ủng hộ cách tiếp cận vòng đời của nhựa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên, đặt lợi ích quốc gia cùng với mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các nghĩa vụ bắt buộc phải tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia, ủng hộ nguyên tắc và quan điểm của các quốc gia có điều kiện tương đương trong khu vực, đề xuất hỗ trợ về công nghệ, tài chính và ưu tiên việc triển khai giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình cho các quốc gia đang phát triển; phối hợp với Philippines đưa vào nội dung trách nhiệm bảo vệ môi trường biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) vào phần Mở đầu của dự thảo Thỏa thuận.

    Để chuẩn bị cho việc tham gia đàm phán tại Hội nghị INC-5 và các sự kiện liên quan, trong thời gian tới Việt Nam cần triển khai một số nội dung:

    Quá trình đàm phán hiện nay đã đi vào thực chất nội dung của Thỏa thuận, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành tham gia Ban công tác đàm phán cần phải có sự chuẩn bị kỹ các phương án đàm phán, bao gồm: quan điểm, phương án cao, phương án và những giới hạn có thể chấp nhận được để trao đổi tại các phiên đàm phán tới đây, đồng thời tiếp tục bảo vệ các phương án đã nêu tại Hội nghị INC-4.

    Các Bộ, ngành liên quan cần bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm về các nội dung đàm phán đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; trực tiếp tham gia các Phiên đàm phán, các cuộc họp kỹ thuật trong khuôn khổ đàm phán Thỏa thuận.

    Cử các chuyên gia và thành viên Đoàn đàm phán tham dự cuộc họp của 02 nhóm chuyên gia kỹ thuật để có thể thảo luận, đồng thời theo dõi và thậm chí tham gia đàm phán không chính thức tại cuộc họp này.

    Về thủ tục kết thúc đàm phán, Hội nghị INC-5 là Hội nghị đàm phán cuối cùng để các quốc gia thành viên đàm phán xây dựng Thỏa thuận, do đó, về thủ tục theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, cơ quan chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng phương án kết thúc đàm phán, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước Hội nghị INC-5 và các Bộ thành viên Ban công tác đàm phán cung cấp các nội dung liên quan để chuẩn bị cho việc kết thúc đàm phán.

    Đối với các vấn đề cần quan tâm, cần sớm có những đánh giá tác động về chính sách trên cơ sở dự báo xu thế, nhất là đối với các nội dung mới như: mục tiêu 40x40, phí ô nhiễm nhựa.

    Huy động sự tham gia của các bên liên quan, tại Hội nghị INC-4, một số đoàn đàm phán, bên cạnh sự tham gia của các cơ quan Chính phủ còn có sự tham gia của các chuyên gia, tư vấn đại diện các Hiệp hội liên quan trong ngành nhựa, các viện nghiên cứu, tư vấn pháp lý độc lập cho đoàn đàm phán (chẳng hạn Malaysia, Chile, Trung Quốc, Philippines….). Việt Nam cũng có thể xem xét bổ sung thành phần đại diện từ các cơ quan ngoài tham gia tư vấn các nội dung liên quan cho Đoàn đàm phán.

    Tiếp tục tổ chức tham vấn với các bên liên quan thông qua các Hội thảo kỹ thuật về những nội dung sẽ được trao đổi tại các cuộc họp nhóm chuyên gia tại Băng Cốc, Thái Lan, từ ngày 24-28/8/2024; cần đề xuất các nội dung chính của Thỏa thuận trên cơ sở dự thảo Thỏa thuận tổng hợp hợp đã được Ủy ban đàm phán liên chính phủ công bố tháng 7/2024.

    Từng bước truyền thông về tiến trình đàm phán và nội dung của dự thảo Thỏa thuận toàn cầu đến người dân và doanh nghiệp để từng bước nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng do ô nhiễm nhựa gây ra, thay đổi hành vi từ sản xuất đến tiêu dùng và thải bỏ có trách nhiệm các sản phẩm nhựa, tránh làm ô nhiễm môi trường.

    Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm nhựa, thúc đẩy các mô hình tuần hoàn nhựa, quản lý và xử lý rác thải nhựa.

Lê Ngọc Tuấn

Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2024)

Ý kiến của bạn