Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Việt Nam tăng cường chính sách bảo tồn loài hổ

04/06/2014

     Việt Nam là một trong các khu vực có đa dạng sinh học cao trên thế giới, với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị và là một trong 13 quốc gia còn có hổ sinh sống trong tự nhiên. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, các nguồn tài nguyên quý giá của tự nhiên dần bị cạn kiệt, nhiều loài động vật, thực vật hoang dã trở lên nguy cấp và bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là các loài thú lớn trong số đó có phân loài hổ đông dương.

     Hiện trạng quần thể hổ tự nhiên ở Việt Nam

     Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn.

     Hổ Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam.

 

Số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm đến mức độ nghiêm trọng

 

     Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ. Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện, đường xá, khai khoáng... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm từ 43% những năm cuối thế kỷ XX xuống còn 17% đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ. Hiện trạng hổ hoang dã còn rất ít, phân bố rải rác thành các quần thể nhỏ, không có sự giao lưu, trao đổi di truyền có thể sẽ dẫn đến hiện tượng suy thoái nguồn gen.

     Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động bảo tồn loài hổ

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nói chung, các loài thú lớn (trong đó có hổ) nói riêng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ chương, chính sách kịp thời cụ thể. Từ những năm 1963, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về cấm săn bắt chim, thú rừng. Đưa hổ và nhiều loài động vật, thực vật vào danh mục bảo vệ, quy hoạch hệ thống các khu rừng đặc dụng đại diện cho các hệ sinh thái rừng trên cả nước, đổi mới về thể chế, chính sách cũng như huy động nhiều nguồn lực cho bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế:

     Quan điểm bảo tồn có sự khác biệt, chưa thống nhất từ cấp độ quốc gia đến quốc tế. Ở cấp độ quốc tế, đa phần các quốc gia, các chuyên gia cho rằng, việc gây nuôi sinh sản hổ không có lợi cho bảo tồn, mặt khác hoạt động này còn khuyến khích việc tiêu thụ, buôn bán hổ trái phép. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc nuôi hổ góp phần duy trì nguồn gen phục vụ tái thả tự nhiên đồng thời thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó giảm áp lực lên săn bắn trái phép. Đối với bảo tồn hổ tự nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc bảo tồn hổ là yếu tố quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, không nên tập trung vào bảo tồn một loài nhất định mà nên tiếp cận theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

     Thiếu nguồn lực con người, tài chính, ưu tiên trong công tác bảo tồn loài, đặc biệt đối với hổ.

     Hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào điều tra sâu về phân bố, tập tính, sinh thái của hổ trong tự nhiên; Thiếu các nghiên cứu về bảo tồn ngoại vi, cứu hộ, tái thả hổ về tự nhiên.

     Việc chồng chéo trong quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu các chế tài đủ mạnh, thiếu các quy định về tội phạm buôn bán hổ và các loài nguy cấp, quý hiếm.

     Thiếu quy hoạch cho bảo tồn hổ, mặc dù hổ là loài biểu tượng của văn hóa, là chỉ thị sức khỏe các hệ sinh thái nhiều khu rừng thuộc châu Á, nhưng hiện tại chưa có một khu bảo tồn loài cho hổ hay các khu được quy hoạch cho phục hồi hổ tại Việt Nam.

     Cơ chế hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế còn lỏng lẻo, thiếu sự tham vấn, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao, thiếu sự thuyết phục với cộng đồng quốc tế.

     Việt Nam là quốc gia nằm trong tuyến đường trung chuyển hổ, tuy nhiên các vụ bắt giữ gần đây thể hiện rằng không có sự liên lạc với các quốc gia láng giềng. Chính vì vậy, việc xác định các tổ chức, cá nhân liên quan đến buôn bán trái phép hổ rất khó khăn. Chưa có một khu bảo tồn liên biên giới được thiết lập.Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp tác với Lào, Campuchia, Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên các thỏa thuận mới chỉ ở mức độ nguyên tắc chung mà thiếu các hoạt động triển khai trên thực địa.

     Hoạt động giáo dục, bảo tồn nói chung và hổ nói riêng đã được thực hiện từ lâu, song công tác này thường chỉ được thực hiện đơn lẻ tại một khu vực nhất định, đối tượng nhất định và thiếu một chiến dịch dài hạn.

     Các chương trình bảo tồn loài, đa dạng sinh học hiện nay thường được xây dựng và tiến hành độc lập với các chương trình, dự án vùng đệm. Các hoạt động bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nhằm phục vụ lợi ích cộng động dân cư địa phương. Để bảo tồn hổ và các loài hoang dã khác không chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học, thừa hành pháp luật mà cần một cách tiếp cận tổng thể trong đó cộng đồng địa phương được xác định là nhân tố cốt lõi của bảo tồn thiên nhiên, do vậy cần có sự kết hợp, lồng ghép với các chương trình phát triển cộng đồng khác của Nhà nước đã và đang được thực hiện.

     Giải pháp bảo tồn hổ trong thời gian tới

     Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT” đã xác định các nhiệm vụ đến năm 2020 “Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng”. Ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022. Đây được coi là một sự tiếp cận tổng thể, một chương trình đồng bộ lâu dài, cần được ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp:

     Xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên và hoạt động gây nuôi hổ; lồng ghép hoạt động quy hoạch các khu vực ưu tiên bảo tồn hổ với quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng;

     Tăng cường công tác đấu tranh với các tội phạm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã; Tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn, bảo vệ hổ, và con mồi của hổ;

     Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; giáo dục tuyên truyền nhằm thực hiện các nội dung của Chương trình bảo tồn hổ; ưu tiên thực hiện các nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới về quản lý, bảo vệ và giám sát hổ, con mồi của hổ như công nghệ viễn thám (GIS), công nghệ quét rada trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; Khuyến khích các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật trong nước về quản lý, bảo tồn, bảo vệ hổ, con mồi của hổ;

     Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác quản lý, bảo tồn hổ; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình; bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ hổ, chú trọng đầu tư cho hoạt động bảo tồn hổ ngoài tự nhiên và đấu tranh, phòng ngừa hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ hổ trái phép; Nghiên cứu và áp dụng các cơ chế tài chính mới và bền vững để đầu tư, hỗ trợ cho quản lý, bảo tồn hổ và con mồi của hổ như cơ chế đồng quản lý rừng, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường; Giáo dục và nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn hổ;

     Tăng cường hợp tác với các nước, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới để nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động buôn lậu hổ xuyên biên giới và đánh giá tính khả thi thiết lập khu bảo tồn hổ liên biên giới; Tích cực tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan về quản lý, bảo vệ hổ…

 

Vương Tiến Mạnh

Tổng cục Lâm nghiệp

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn