Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Việt Nam cần xây dựng chính sách, cơ chế huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho Tăng trưởng xanh

13/10/2013


Ông Phạm Hoàng Mai

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) vào tháng 9/2012, cho giai đoạn từ năm 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện Chiến lược TTX góp phần thực hiện nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua đẩy mạnh công tác BVMT, bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững đất nước. Việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố hàng đầu đảm bảo việc thực hiện thành công Chiến lược TTX. Việt Nam cần có một cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển Kinh tế xanh. Để làm rõ vấn đề này,Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


            PV: Xin ông cho biết, tình hình thực hiện vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển TTX?

Ông Phạm Hoàng Mai: Chiến lược TTX đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, với chỉ tiêu (giai đoạn 2011-2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm); Thứ hai, xanh hóa sản xuất (đến năm 2020, đạt giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 80%, đầu tư các ngành hỗ trợ BVMT và làm giàu vốn tự nhiên đạt 3 - 4%); Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (phấn đấu đến năm 2020, đạt tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định 60%, cải thiện các khu vực bị ô nhiễm nặng đạt 100%...).

Để thực hiện mục tiêu trên, hàng năm, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực TTX, cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 ngày 2/10/2012 tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg, với tổng vốn đầu tư 930 tỷ đồng; Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngày 9/1/2012 tại Quyết định số 57/QĐ-TTg, với 49.317 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2011-2015, ngày 2/9/2012 tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg, với 5.863 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, ngày 30/8/2012 tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg, với 1.771 tỷ đồng…

 Việt Nam cần đưa yếu tố xanh vào quy trình thẩm định các dự án đầu tư công

Ngoài ra, riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nhà tài trợ nước ngoài như: Thụy Điển, Đan Mạch, Đức… đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực về thể chế chính sách, tài chính đầu tư cho TTX thông qua các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng dụng mô hình biogas, hỗ trợ về nâng cao năng lực và thể chế, chương trình hỗ trợ ngân sách cho ứng phó với BĐKH (SPRCC), trồng rừng, REDD+, phát triển nông thôn tổng hợp, trồng rừng ngập mặn ven biển, cải thiện lưới điện nông thôn...

            PV: Trong tiến trình thực hiện Chiến lược TTX, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức nào thưa ông?

Ông Phạm Hoàng Mai: Trong tiến trình thực hiện Chiến lược TTX, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất liên quan đến vấn đề tài chính. Báo cáo của ADB năm 2009 cho thấy, riêng tổng chi phí về biến đổi khí hậu của Việt Nam vào khoảng 2 - 9% GDP. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án TTX là rất lớn, trong khi Việt Nam hiện đang thiếu chính sách thu hút các nguồn tài chính xanh tham gia vào các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ và khu vực tư nhân để thực hiện Chiến lược TTX còn hạn chế.

Theo tính toán sơ bộ, trong giai đoạn từ nay đến 2020, để giảm phát thải khí nhà kính như đã cam kết trong 9 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, cần thiết phải huy động nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và khu vực tư nhân. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân chiếm vị trí chủ đạo, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và ODA đóng vai trò là chất xúc tác và cần phải triển khai trước.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện TTX còn yếu; Hệ thống cơ sở dữ liệu để giám sát và đánh giá TTX còn thiếu và chưa thống nhất.

            PV: Theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì để khuyến khích các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đầu tư phát triển TTX?

Ông Phạm Hoàng Mai: Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Chiến lược TTX, Việt Nam cần xây dựng và triển khai các mô hình hợp tác công tư trong việc huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược TTX; Phát triển các phương thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách cải cách tài chính; Ưu tiên, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng xanh, để tạo việc làm, tăng thu nhập và làm giàu vốn tự nhiên.

Bên cạnh đó, đưa lĩnh vực TTX vào hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư theo Nghị định 29 của Chính phủ về ưu đãi và khuyến khích đầu tư; Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp FDI sản xuất các sản phẩm xanh; Cho phép khu vực tư nhân được tiếp cận với nguồn tài chính ODA xanh; Xây dựng hành lang pháp lý và tăng cường năng lực cán bộ để các ngân hàng thương mại tiếp cận và quản lý một phần nguồn vốn vay ODA xanh.

Mặt khác, nhập khẩu các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; Đưa các yếu tố xanh vào các quy định trong quá trình ra quyết định đầu tư, quá trình thẩm định dự án đầu tư công; Xây dựng các cơ chế ưu đãi, dán nhãn xanh- sinh thái, biểu dương, đối với khu vực tư nhân sử dụng công nghệ xanh; Định giá hợp lý đối với các sản phẩm xanh của các khu vực tư nhân, như giá mua điện đối với nhà máy năng lượng tái tạo, giá chi trả cho xử lý rác thải, tăng phí vệ sinh môi trường - áp dụng phương pháp người gây ô nhiễm phải trả tiền, khắc phục tình trạng bình quân như hiện nay; Tăng cường năng lực về con người và vật chất kỹ thuật cho hệ thống giám sát, đánh giá, xử phạt nghiêm minh và có tính răn đe về ô nhiễm môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 8/2013

Ý kiến của bạn