Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ rừng bền vững

14/01/2015

     Thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 và chủ trương xã hội hóa nghề rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập một nguồn lực tài chính bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, góp phần BVMT sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

     Từ khi Nghị định số 99/2010/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, đã có 36 tỉnh trên cả nước thành lập Quỹ BV&PTR. Nhiều địa phương đã hoàn thành công tác rà soát, xác định ranh giới diện tích rừng làm cơ sở để chi trả đến từng chủ rừng như: Sơn La, Lâm Đồng, Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng…

     Hàng năm, Quỹ BV&PTR Trung ương và địa phương tiến hành ký kết hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR thuộc 3 nhóm (thủy điện, nước sạch, du lịch), đồng thời xây dựng kế hoạch chi trả cho từng chủ rừng. Tính đến hết tháng 8/2014, tổng số hợp đồng ký kết là 351, trong đó Trung ương ký được 41 hợp đồng, địa phương ký được 310 hợp đồng. Một số địa phương ký được nhiều hợp đồng(Lâm Đồng: 37 hợp đồng; Lào Cai: 56; Đắc Lắc: 8; Quảng Nam: 21; Gia Lai; 36; Đắc Nông: 11; Kon Tum: 11). Tổng số tiền thu được từ các đơn vị sử dụng DVMTR là 3.329 tỷ đồng, trong đó số tiền giải ngân đến chủ rừng là 1.393,2 tỷ đồng, đạt 78,2%.

 

Công tác triển khai chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng

 

     Qua công tác triển khai chính sách chi trả DVMTR, rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần ổn định diện tích, độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Báo cáo của Bộ NN&PTNT về sơ kết 3 năm chi trả DVMTR cho thấy, tổng số tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng DVMTR tăng lên hàng năm (năm 2011: 117.858 đối tượng, năm 2013: 355.047 đối tượng), trong đó, số hộ nhận giao khoán và bảo vệ rừng (năm 2011: 113.525 hộ, năm 2013: 236.425 hộ, trong đó 90% hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc).

     Mức thu nhập bình quân hàng năm trong cả nước của các hộ gia đình nhận giao khoán BVR từ DVMTR khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Tại một số địa phương mức chi trả đạt cao hơn mức chi trả của ngân sách Nhà nước như: Lâm Đồng (8 triệu đồng/1 hộ/năm); Bình Phước (7,2triệu đồng/1 hộ/năm); Kon Tum (5,7 triệu đồng/1hộ/năm); Hòa Bình (3,8 triệu đồng/1 hộ/năm); Lai Châu (2,4 triệu đồng/1 hộ/năm)…

     Ngoài ra, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR còn làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm đáng kể. Công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên cả nước. Hàng năm, số tiền chi trả DVMTR đã góp phần bổ sung một phần vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp (chiếm tỷ lệ 22,3%), bảo vệ từ 2,8 - 3,37 triệu ha/năm (chiếm tỷ lệ từ 20 - 24% tổng diện tích rừng hiện có).

     Mặc dù chính sách chi trả DVMTR đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Hiện vẫn còn một số Quỹ BV&PTR tỉnh được thành lập nhưng chưa chủ động triển khai ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên); Một số địa phương mặc dù đã có nguồn thu DVMTR nhưng tỷ lệ giải ngân ở mức 0% (Phú Thọ, Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên); Mô hình tổ chức hoạt động, tiêu chí thành lập và phân cấp quản lý Quỹ BV&PTR không thống nhất; Đội ngũ các bộ một số Quỹ BV&PTR ở địa phương thiếu năng lực, trình độ nghiệp vụ để đảm đương nhiệm vụ; Thiếu nguồn lực và kinh phí để thực hiện công tác rà soát, xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng; Mức chi trả DVMTR bình quân còn đạt thấp và chưa có cơ chế phân bổ tiền rõ ràng cho người dân và cộng đồng nên việc hưởng ứng, tham gia bảo vệ rừng còn hạn chế; Quy định mức thu tiền DVMTR đối với thủy điện (20 đồng/kWh), nước sạch (40 đồng/m3) không phù hợp với mức biến động giá; Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác đánh giá và chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Một số tỉnh chưa xác định được đối tượng chi trả DVMTR, chưa lựa chọn được phương thức chi trả (trả cho chủ rừng hay theo nhóm hộ hoặc cộng đồng); Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhận thức của người dân về công tác chi trả DVMTR chưa cao, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi…

     Để khắc phục các vấn đề trên, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, điều chỉnh bổ sung một số quy định về chính sách chi trả DVMTR theo hướng: Điều chỉnh quy định về thực hiện chi trả DVMTR theo các lưu vực sông chính, thay vì chi trả theo từng lưu vực của các nhà máy thủy điện; Bổ sung thêm các đối tượng, cơ sở thu DVMTR như: Dịch vụ hấp thụ các bon, dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống trong nuôi trồng thủy sản…; Cần có quy định xử phạt vi phạm và giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở các địa phương; Cho phép một số địa phương sử dụng nguồn tiền DVMTR năm 2011 và 2012 (chưa có đối tượng chi) để thực hiện các đề án, dự án xác định ranh giới, diện tích rừng của chủ rừng để đẩy nhanh tiến độ chi trả DVMTR…

     Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện việc thu DVMTR đúng kế hoạch; Kiện toàn bộ máy tổ chức các Quỹ DV&PTR địa phương; Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Lồng ghép thực hiện chính sách DVMTR gắn với kế hoạch BV&PTR; Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp và công đồng tham gia bảo vệ rừng; Hỗ trợ, đảm bảo đơn giá chi trả DVMTR tối thiểu đến chủ rừng là 200.000 đồng/ha rừng/năm; Các địa phương cần sớm hoàn thành dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, làm cơ sở thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

 

Nguyễn Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

Bộ TN&MT

Nguồn: số Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

Ý kiến của bạn