Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020

02/09/2013

Ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 763/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020” với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam; Khôi phục, bảo vệ các nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và các bộ phận dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trong vùng và trên thế giới.

            Nội dung chính của Đề án bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án bảo tồn quần thể voi hoang dã tại 3 tỉnh Nghệ An, Đắc Lắc và Đồng Nai; Tăng cường thực thi pháp luật, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định hiện hành; Ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư trong khu vực được quy hoạch bảo tồn voi; Thực hiện các dự án điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn voi hiện có và khu vực phân bố của những quần thể voi có số lượng cá thể ít, cơ cấu đàn nhỏ, lẻ đang bị cô lập, có nguy cơ bị đe dọa trong tự nhiên; Tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm của voi trong nội địa; hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh các mẫu vật ngà voi, tập trung vào các cảng biển, cảng hàng không và một số khu vực cửa khẩu quốc tế quan trọng .

Tổng cục Môi trường và Tổng cục Hải quan thực hiện Quy chế phối hợp về bảo vệ môi trường

            Ngày 18/4/2013, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã ban hành Quy chế số 01/QCLN-TCMT-TCHQ về phối hợp công tác BVMT trong quản lý đối với một số loại hàng hóa xuất, nhập khẩu: phế liệu, chất thải, chất thải nguy hại; hóa chất độc hại đối với môi trường; động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ theo Công ước CITES; các loại hàng hóa, sản phẩm khác do xuất, nhập khẩu gây ảnh hưởng đến môi trường. Nội dung phối hợp gồm:

            Tăng cường năng lực quản lý nhà nước: Hai ngành phối hợp rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến công tác BVMT hoặc hoạt động xuất nhập khẩu; Xây dựng, triển khai, thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và kiến thức khoa học, kỹ thuật về BVMT cho ngành Hải quan…;

             Về trao đổi thông tin: Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn, địa bàn, tuyến đường trọng điểm liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các phế liệu, chất thải nguy hại, hóa chất độc hại, động thực vật hoang dã và các loại hàng hóa khác; Các thông tin nghi vấn về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường… Tổng cục Môi trường có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, quy định danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về BVMT…;

            Về đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật và thanh tra, xử lý vi phạm:  Hai ngành phối hợp thực hiện tư vấn, giám định, kiểm định, phân tích mẫu hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT, làm rõ các nguyên nhân gây ra sự cố về môi trường, đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa gây ảnh hưởng đến môi trường.

PV

Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013

Ý kiến của bạn