Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Thành phố Hồ Chí Minh gian nan đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm

11/09/2014

     Từ nay đến năm 2015, TP. HCM phải đạt nhiều kết quả mới đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm bền vững. Trong đó, thời gian trước mắt thành phố phải đạt nhiều mục tiêu.

     Từ mục tiêu giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp...

     Mục tiêu đầu tiên của thành phố là giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt chôn lấp. Theo đó, tăng lượng rác thải tái chế lên 40%. Số còn lại là lượng rác thải chôn lấp. Tuy nhiên, mục tiêu này có khả năng không đạt được. Cụ thể, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra môi trường khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác này đang được cân đối theo tỷ lệ 2.000 tấn chôn lấp tại bãi chôn lấp rác Phước Hiệp; 3.000 tấn đang chôn lấp tại bãi chôn lấp rác Đa Phước. Còn lại tái chế một phần thành phân compost tại nhà máy xử lý Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa. Số ít thải bỏ ra môi trường không được thu gom. Theo kế hoạch của UBND TP, trong thời gian tới sẽ tập trung chuyển rác thải đang chôn lấp tại Phước Hiệp dồn về bãi chôn lấp rác Đa Phước, nâng công suất chôn lấp tại bãi này lên khoảng 5.000 tấn/ngày. Điều này cho thấy, lượng rác thải của thành phố vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp chiếm đa số.

 

Cần tạo ra thị trường xanh để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch phát triển bền vững

 

     Lý giải thực tế này, Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN&MT, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, không phải chỉ TP. HCM mà cả nước nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tính chung tổng lượng chất thải rắn trên cả nước ước tính hiện có khoảng 51.500 tấn/ngày bao gồm khu vực đô thị và nông thôn. Con số này sẽ tăng gấp 2 - 3 lần trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020. TPHCM và Hà Nội sẽ là 2 thành phố có khối lượng rác sinh hoạt tăng cao nhất. Do vậy, việc TP. HCM chỉ tập trung xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp là rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, hầu hết bãi chôn lấp rác của thành phố hiện đang trong tình trạng quá tải so với công suất tiếp nhận.

     Việc chôn lấp rác thải đang làm nảy sinh một số thực tế đáng quan ngại cho môi trường như chiếm dụng nhiều quỹ đất, khó kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của người dân trong khu vực do phát sinh nhiều mầm bệnh, mùi hôi, vi trùng, nước rỉ rác... Trong quá trình chôn lấp, nhiều loại chất thải nguy hại không được phân loại riêng, còn lẫn trong chất thải sinh hoạt khi đưa đến bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt là việc chôn lấp rác làm gia tăng quá trình phát sinh khí metan - một loại khí nhà kính gây nguy hại cho môi trường và là tác nhân chính gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan. Không dừng lại đó, việc xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp đang chiếm phần đáng kể trong ngân sách nhà nước.

     … Đến giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất

     Không chỉ mục tiêu giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp, một số mục tiêu liên quan cải thiện ô nhiễm nước thải đô thị và doanh nghiệp sản xuất cũng khó khả thi. Đơn cử như mục tiêu 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các đô thị loại 4 trở lên, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung… thì ngoại trừ mục tiêu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung là đã đạt được. Lý giải thực tế này, Phó giáo sư Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, ước tính hiện chỉ có khoảng 10% - 15% doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Còn về khí thải thì tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.

     Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi nhiều, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm môi trường cũng đã được nâng lên đáng kể nhưng lổ hỗng thực thi luật còn quá nhiều. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm. Cụ thể, việc xử phạt hành vi vi phạm đối với chất thải nguy hại, nước thải có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng đối với khí thải thì lại không rõ ràng. Hơn nữa, sự chồng chéo trong thanh kiểm tra đã khiến nhiều doanh nghiệp bị phiền hà quá nhiều nhưng nghịch lý là cũng còn rất nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường vẫn lọt lưới… Riêng đối với nước thải đô thị thì những dự án đầu tư thu gom nước thải đòi hỏi kinh phí rất lớn mà không phải ngày một ngày hai thành phố có đủ kinh phí thực hiện. Không chỉ vậy, vấn đề tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường đã thực hiện nhiều năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình trạng xả rác thải tràn lan xuống kênh rạch và đường phố còn diễn ra khá phổ biến, khiến cho hầu hết kênh rạch thành phố đều bị tắt nghẽn là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này…

     Để có thể đẩy nhanh các mục tiêu bảo vệ môi trường, theo các chuyên gia việc tăng mức xử phạt hành vi vi phạm chỉ là một phần. Quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng những chính sách phát triển xanh nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào. Chính sách phát triển xanh không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch mà còn tạo ra thị trường kích cầu tiêu dùng xanh. Thị trường này đòi hỏi phải đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng đủ để buộc các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi mình nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Đồng thời, thị trường này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất xanh được tồn tại cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp sản xuất nhưng thiếu trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng.

     Ngoài ra, nhà nước còn cần xây dựng những chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án hạ tầng như nhà máy xử lý nước thải đô thị, cải thiện chất lượng không khí, hệ thống kênh rạch… góp phần cải thiện chất lượng môi trường của thành phố. Cuối cùng là giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây phải được xem là giải pháp mấu chốt, xuyên suốt và lâu dài. Bởi chỉ có nâng cao được nhận thức cộng đồng thì mới từng bước tạo nên những chuyển biến tích cực mang tính chất bền vững trong hoạt động bảo vệ môi trường. Và một trong những hoạt động đầu tiên thể hiện vai trò của cộng đồng chính là ưu tiên tiêu dùng sản phẩm doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và gìn giữ môi trường sống tại địa phương của mình luôn xanh sạch.

 

Theo sggp.org.vn

Ý kiến của bạn