Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường làng nghề tại các địa phương

02/12/2013

ông Lê Hồng Sơn

Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang

 

     Thưa ông, Luật BVMT năm 2005 đã có những tác động như thế nào đối với việc thực thi chính sách BVMT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua?

     Ông Lê Hồng Sơn: Sau 8 năm triển khai thực hiện Luật BVMT 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được một số kết quả quan trọng.

     Hệ thống các văn bản hướng dẫn chính sách, pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh về cơ bản được hoàn thiện; Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước được kiện toàn, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập phòng TN&MT, 120/230 xã, phường, thị trấn đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT.

     Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về môi trường được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả, định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền việc thực hiện Luật BVMT đến các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân với nhiều hình thức phong phú và thiết thực.

     Việc kiểm soát ô nhiễm, phục hồi, cải tạo môi trường được tăng cường: Từ năm 2008 đến nay duy trì thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện 11 dự án cải tạo và phục hồi môi trường (trong đó: 5 bệnh viện, 3 bãi rác, 2 làng nghề, 1 kho thuốc bảo vệ thực vật); Tổ chức thẩm định phê duyệt 168 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 95 đề án BVMT, 13 dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, đã cấp 315 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp huyện tổ chức xác nhận trên 3.000 bản cam kết BVMT, đề án BVMT; có 7/11 cơ sở hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

     Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và BVMT các lưu vực sông được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo BVMT lưu vực sông Cầu và lưu vực các sông, thực hiện tích cực Đề án BVMT sông Cầu.

     Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Từ năm 2006 đến nay, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 5 tỷ đồng, trong đó riêng Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt năm 2012 là trên 1,5 tỷ đồng, cùng với đó là yêu cầu cơ sở vi phạm phải có các biện pháp khắc phục.

     Hiện nay, việc thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại các làng nghề gây ÔNMT nghiêm trọng của địa phương như thế nào và hiệu quả đến đâu?

     Ông Lê Hồng Sơn: Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Giang còn 2 làng nghề chưa thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm là làng nghề nấu rượu truyền thống Vân Hà và làng có nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm.

     Để giảm thiểu ÔNMT tại làng nghề trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư xây dựng trạm cung cấp nước sạch, khu xử lý chất thải hữu cơ tập trung cho làng nghề Vân Hà với diện tích khoảng 200 m2; hỗ trợ xây dựng 37 hầm biogas cho các hộ gia đình tại xã Vân Hà, 12 hầm cho các hộ gia đình tại xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên) góp phần thu gom, xử lý một số lượng lớn chất thải phát sinh từ 2 làng nghề, giảm mức độ ô nhiễm.

     Đến nay, ý thức BVMT của người dân tại 2 làng nghề được nâng lên; đã thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải, vận chuyển đến khu vực xử lý tập trung; hầu hết các hộ chăn nuôi tại làng nghề Vân Hà đã đầu tư xây dựng bể tự hoại để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi; một số hộ giết mổ gia súc thôn Phúc Lâm đã có ý thức thu gom các phụ phẩm dư thừa từ hoạt động giết mổ, không xả thải trực tiếp ra ao của thôn… Tuy nhiên, ÔNMT ở làng nghề đã bị tích đọng qua nhiều năm nên địa phương khó xử lý.

     Để từng bước giảm thiểu ÔNMT làng nghề, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống Vân Hà và làng có nghề giết mổ trâu bò, gia súc Phúc Lâm với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.

     Từ góc độ của địa phương, ông có góp ý gì cho Dự thảo Luật nói chung và quy định về BVMT làng nghề nói riêng?

     Ông Lê Hồng Sơn: Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) nên phân công một đầu mối quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực BVMT; Việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT chồng chéo như hiện nay dẫn tới tình trạng có nơi buông lỏng công tác quản lý, có nơi tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp.

 

Để cải thiện môi trường làng nghề, Bắc Giang định kỳ lập

kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT

 

     Trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Luật BVMT năm 1993, Luật BVMT năm 2005, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định rõ việc quản lý chất thải công nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tiêu hủy và trung chuyển phế thải, phế liệu sau sản xuất; Quy định cụ thể điều kiện chấp thuận đầu tư đối với các dự án/cơ sở sản xuất ở khu vực giáp ranh các tỉnh/thành phố, cụ thể như diện tích đầu tư nằm trên địa bàn 1 tỉnh, nhưng khu vực của tỉnh giáp ranh lại chịu tác động trực tiếp của chất thải; Đồng thời, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần thống nhất với quy định của các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Đầu tư, Doanh nghiệp, Xây dựng, Đất đai...

     Các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần đưa ra lộ trình để doanh nghiệp thực hiện; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về BVMT (ngoài quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT). Cần luật hóa các cam kết về BVMT của hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Nghiêm cấm việc xử lý chất thải bằng biện pháp pha loãng, để tự thấm hoặc bơm xuống bồn nước ngầm hoặc chôn lấp trái phép. Cần thống nhất quy định quản lý nhà nước về BVMT, tránh đưa ra nhiều thuật ngữ quản lý gây phức tạp trong quá trình áp dụng như chất thải nguy hiểm, nguy hại, độc hại; Đề án BVMT, Đề án BVMT chi tiết, Đề án BVMT đơn giản...

     Mặt khác, năng lực cán bộ cấp huyện hiện nay chưa đồng đều, thiếu biên chế có chuyên môn về môi trường, dẫn tới trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã có nhiều hạn chế... Do vậy, không nên giao cho cấp huyện thẩm định hoặc xem xét tham mưu cấp phép các hồ sơ về BVMT mà nên quy định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm xem xét, giám sát công tác BVMT trên địa bàn là Chi cục BVMT. Đối với các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ nên quy định cam kết BVMT theo mẫu cụ thể, ngắn gọn, công bố, niêm yết công khai để chính quyền và cộng đồng địa phương giám sát thực hiện.

     Đối với quy định BVMT làng nghề, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các làng nghề; trách nhiệm của các làng nghề, của UBND cấp xã, huyện, tỉnh là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế để quản lý. Các hộ làm nghề phải nhận thức rõ về trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, phải lập kế hoạch BVMT, thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý chất thải, đóng góp kinh phí xây dựng, quản lý và vận hành các công trình BVMT làng nghề, phí BVMT. Quy định chi tiết và điều kiện của làng nghề, trách nhiệm của UBND chính quyền địa phương các cấp chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý về BVMT làng nghề. Tăng cường đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, quy hoạch làng nghề tập trung hoặc biện pháp xử lý chất thải, BVMT tương thích với hoạt động sản xuất, sinh hoạt ở khu vực làng nghề, khuyến khích áp dụng, cải tiến, điều chỉnh quy trình, công nghệ hỗ trợ sản xuất cho phù hợp với tình hình mới...

     Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả, đề nghị thống nhất một cơ quan đầu mối quản lý môi trường làng nghề, quy định trách nhiệm phối hợp cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo, không rõ ràng. Nên giao cho UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý chung, ngành TN&MT chủ trì quản lý về công tác BVMT làng nghề, các ngành NN&PTNT, Công thương, Tài chính, KH&CN… phối hợp quản lý.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) nên quy định cụ thể việc thành lập Ban/Phòng/Tổ quản lý BVMT làng nghề thuộc UBND cấp xã, các tỉnh/ thành phố có số làng nghề phân bố trên địa bàn từ 2 đơn vị cấp huyện trở lên thì phải thành lập Phòng BVMT làng nghề thuộc Chi cục BVMT để giám sát và tham mưu kịp thời cho chính quyền cấp tỉnh để công tác BVMT làng nghề đạt hiệu quả.

     Đối với các làng nghề có mục chi ngân sách, phải có phần chi cho BVMT. Hàng năm, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND cấp huyện tham mưu, lập kế hoạch nhiệm vụ, chi ngân sách tổng thể và từng nhiệm vụ về BVMT làng nghề, đồng thời định kỳ lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT làng nghề.

     Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Châu Loan (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn