Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020

13/01/2014

 

 

     Bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; Duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước là mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

     Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học theo 4 đối tượng

     Theo đó, Việt Nam sẽ quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 theo 8 vùng địa lý trên phạm vi cả nước, gồm Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; Theo 4 đối tượng, gồm hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn (KBT), cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH.

     Trong đó, với vùng Đông Bắc, bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên lưu vực sông Hồng, sông Lô, sông Gâm; Hệ sinh thái núi đá vôi tại Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Quảng Ninh; Hệ sinh thái đất ngập nước tại Đầm Hà, Yên Hưng (Quảng Ninh).

     Bên cạnh đó, chuyển tiếp 36 KBT hiện có sang hệ thống KBT theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 265.800 ha; Nâng cấp và thành lập 3 cơ sở bảo tồn ĐDSH, gồm 1 trung tâm cứu hộ động vật, 1 vườn thực vật và 1 vườn cây thuốc.

     Đồng thời, thành lập và đưa vào hoạt động 1 hành lang ĐDSH với diện tích khoảng 506 ha kết nối các sinh cảnh giữa KBTthiên nhiên Na Hang và Vườn quốc gia Ba Bể.

     Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên tại Hải Phòng, Thái Bình; Các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng tại Ninh Bình, Nam Định; Chuyển tiếp 11 KBT hiện có sang hệ thống KBT theo Luật ĐDSH với tổng diện tích khoảng 88.000 ha.

     Với vùng Nam Trung Bộ, bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên lưu vực sông Cái (tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa), sông Côn, sông Đà Rằng, sông Ba, sông Trà Khúc, sông Thu Bồn; Hệ sinh thái rừng khộp tại Ninh Sơn (Ninh Thuận), Hoàn Giao (Khánh Hòa); Các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm, Ninh Hải, vịnh Vĩnh Hy, vịnh Cam Ranh, đầm Thủy Triền, vịnh Vân Phong; Hệ sinh thái đất ngập nước khu vực đầm Thị Nại, Trà Ổ, Cù Mông, Ô Loan, Nha Phu.

     Bên cạnh đó, thành lập và đưa vào hoạt động 3 hành lang ĐDSH kết nối các KBT tại vùng Nam Trung Bộ với tổng diện tích khoảng 118.700 ha.

     Thành lập mới 46 khu bảo tồn

     Giai đoạn từ 2016 - 2020, định hướng quy hoạch thành lập mới 46 KBT với diện tích khoảng 567.000 ha từ quỹ đất tăng thêm trên cơ sở kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016 - 2020) cấp quốc gia được Quốc hội thông qua.

     Cụ thể, thành lập 6 KBT mới với tổng diện tích khoảng 81.300 ha tại vùng Đông Bắc; 2 KBT mới với diện tích khoảng 35.000 ha tại vùng Tây Bắc; 7 KBT mới với diện tích dự kiến khoảng 63.150 ha tại vùng Đồng bằng sông Hồng; 7 KBT mới với diện tích khoảng 140.000 ha tại vùng Bắc Trung Bộ; 8 KBT mới với diện tích khoảng 113.000 ha tại vùng Nam Trung Bộ; 3 KBT mới với diện tích khoảng 57.100 ha tại vùng Tây Nguyên; 4 KBT với diện tích khoảng 43.600 ha tại vùng Đông Nam Bộ và 9 KBT với diện tích khoảng 33.500 ha tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

     Định hướng đến năm 2030, xác định các vùng có hệ sinh thái tự nhiên và tiềm năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng; Tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái.

     Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập và đưa vào hoạt động 20 KBT mới với tổng diện tích dự kiến khoảng 128.000 ha, nâng tổng số KBT lên 219 với tổng diện tích khoảng 3.067.000 ha, được phân bố đều trên phạm vi cả nước.

 

Theo TTXVN

Ý kiến của bạn