Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ngày Đất ngập nước thế giới 2015: Hãy bảo vệ đất ngập nước vì tương lai chúng ta

02/03/2015

     Đó là Chủ đề của Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2015 với ý nghĩa các vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người thông qua việc cung cấp nguồn nước, các nguồn lợi đa dạng sinh học (tôm, cá…), tái tạo nguồn nước ngầm, lọc nước và xử lý chất thải, kiểm soát lũ và bảo vệ con người tránh khỏi bão, đồng thời tạo ra môi trường giải trí hoặc chốn tâm linh của nhiều thế hệ…

     Vùng đất ngập nước đảm bảo nước sạch cho tất cả chúng ta: Chỉ có 3% lượng nước trên thế giới là nước ngọt và hầu hết trong số đó là đóng băng. Tuy nhiên, mỗi con người cần 20-50 lít nước mỗi ngày cho các nhu cầu cơ bản như: uống, nấu ăn và làm sạch. Đất ngập nước cung cấp nước và còn bổ sung các tầng chứa nước ngầm.

 

 

     Đất ngập nước làm sạch và lọc các chất có hại từ nước thải: Cây trong vùng đất ngập nước có thể giúp hấp thụ phân bón và thuốc trừ sâu độc hại, cũng như các kim loại nặng và các chất độc từ ngành công nghiệp. Một phần nước thải sinh hoạt thành phố Kolkata của Ấn Độ (dân số đô thị hơn 14 triệu USD) được xử lý hiệu quả nhờ các đầm lầy Đông Kolkata, ngoài ra các đầm lầy này còn cung cấp sinh kế cho 20.000 người.

     Đất ngập nước nuôi sống nhân loại: Lúa, trồng ở ruộng đất ngập nước, là thức ăn chính của gần 3 tỷ người. Mỗi người tiêu thụ trung bình 19 kg cá mỗi năm. Hầu hết, các giống cá thương mại sinh sản và phát triển trong đầm lầy ven biển và cửa sông. 70% nguồn nước ngọt trên toàn cầu được sử dụng để tưới cho cây trồng.

     Đất ngập nước chứa đầy đa dạng sinh học: Đất ngập nước là nhà của hơn 100.000 loài nước ngọt nổi tiếng và con số này ngày càng tăng mỗi năm. Chỉ trong 10 năm, 272 loài cá nước ngọt mới đã được phát hiện ở Amazon. Đất ngập nước rất cần thiết cho cuộc sống của chim, nơi sinh sản và di cư.

     Đất ngập nước đóng vai trò hấp thụ nước tự nhiên: Vùng đất than bùn và cỏ ướt trong lưu vực sông hoạt động như bọt biển tự nhiên, hấp thụ nước mưa, tạo rộng bề mặt của hồ và sông. Dung lượng lưu trữ nước cũng có thể bảo vệ chống lại hạn hán.

     Đất ngập nước giúp chống lại biến đổi khí hậu: Chỉ riêng các vùng đất than bùn đã lưu trữ nhiều hơn gấp đôi lượng cacbon so với tất cả các khu rừng trên thế giới. Đối mặt với nước biển dâng, vùng đất ngập nước ven biển giảm tác động của bão và sóng thần. Đất ngập nước của các vùng ven biển cũng có tác dụng giảm thiểu và chống xói mòn.

 

Các vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người

 

     Đất ngập nước cung cấp các sản phẩm và sinh kế bền vững: 61.800.000 người trên thế giới phụ thuộc trực tiếp đánh bắt cá và thủy sản để kiếm sống. Đất ngập nước được quản lý sẽ cung cấp bền vững gỗ xây dựng, dầu thực vật, cây thuốc, thức ăn gia súc, thân cây và lá để dệt vải.

     Một tương lai không có vùng đất ngập nước?

     Đó là một khả năng đáng sợ. Ước tính mới nhất cho thấy, 64% các vùng đất ngập nước trên thế giới đã biến mất kể từ năm 1900. Trong một số khu vực, đặc biệt là châu Á, sự thiệt hại thậm chí còn cao hơn. Suy giảm nhanh chóng này có nghĩa là tiếp cận nước ngọt đang bị ảnh hưởng khoảng từ 1-2 tỷ người trên toàn thế giới. Đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng, quần thể các loài nước ngọt đã giảm 76% trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2010 theo chỉ số hành tinh (Living Planet Index) của WWF.

     Các nguyên nhân chính của các vùng đất ngập nước bị mất và suy thoái là: Những thay đổi lớn trong sử dụng đất, đặc biệt gia tăng trong nông nghiệp và chăn thả gia súc. Ô nhiễm không khí, nước và dư thừa chất dinh dưỡng. Dòng nước chảy qua đập, đê điều và kênh.

     Bảo vệ tương lai của chúng ta

     Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Công ước Ramsar) được ký ngày 2/2/1971 tại thành phố Ramsar, Iran. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, các quốc gia thành viên Công ước đã thống nhất chọn ngày 2/2 hàng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới và tổ chức kỷ niệm thông qua các hoạt động khác nhau nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị, lợi ích của đất ngập nước, khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

     Từ năm 1989, Việt Nam tham gia Công ước Ramsar, là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 168 quốc gia tham gia Công ước này. Cho đến nay, Lễ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới đã trở thành một hoạt động thường niên của các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương, địa phương và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

     Để hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2015, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng với nội dung: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ biết được tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước cho tương lai chúng ta và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững tại các vùng đất ngập nước; Tiến hành các hoạt động tuyên truyền thích hợp về chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới như: treo biểu trương, áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi…; các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, vai trò và tầm quan trọng của đất ngập nước (cả hiện tại và tương lai), các mối đe dọa đến đất ngập nước; Tổ chức cuộc thi ảnh cho cộng đồng với nội dung là các vùng đất ngập nước bảo đảm tương lai của chúng ta.

 

Nguyên Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn