Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Hiện trạng và các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

21/01/2015

     1. Hiện trạng môi trường làng nghề

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 169 làng nghề, với các loại hình sản xuất như hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, đồ gỗ mỹ nghệ; khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ; ươm tơ dệt lụa; chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; luyện kim, cơ khí... Hầu hết, các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

     Theo kết quả điều tra của Chi cục BVMT Thanh Hóa năm 2013 cho thấy, tất cả các làng nghề được điều tra (22% số làng nghề) chưa có biện pháp thu gom, xử lý khí thải tập trung. Tỷ lệ các cơ sở hoạt động trong các làng nghề xây dựng hệ thống xử lý khí thải rất thấp; việc vận hành chưa đạt hiệu quả. Qua kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh tại 9 làng nghề (lựa chọn) so sánh với QCVN 05:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 06:2009/BTNMT - QCKTQG về một số chất độc hại trong không khí xung quanh; QCVN 26:2010/BTNMT/BTNMT: QCKTQG về tiếng ồn cho thấy: 7/9 làng nghề được lấy mẫu phân tích đều có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu như bụi, SO2, H2S… Cụ thể: Làng nghề vôi đá Đông Tân, Đông Hưng, huyện Đông Sơn, nồng độ bụi tại Trung tâm sản xuất của làng vượt QCVN 1,82 lần; tại khu dân cư Ngã Ba Nhồi, xã Đông Tân vượt 1,29 lần. Làng nghề chế biến hải sản tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, nồng độ NH3 tại khu vực trung tâm làng nghề vượt QCVN 1,08 lần. Làng nghề cơ khí Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tại khu vực trung tâm của làng nghề, nồng độ bụi vượt 1,21 lần; SO2 vượt 1,2 lần; Khu vực cổng của làng nghề, nồng độ bụi vượt 1,16 lần...

     Hầu hết, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chiếm tỷ lệ rất thấp; nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh. Điển hình, làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, hiện có 40 hộ trong làng làm nghề ươm tơ, dệt nhiễu. Lượng nước thải phát sinh từ quá trình ươm tơ khoảng 10 m3/ngày đêm/hộ gia đình. Loại nước thải này có độ màu cao, nhưng không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Kết quả phân tích chất lượng môi trường nước thải, nước mặt và nước ngầm khu vực xung quanh của 9 làng nghề (đại diện) vào tháng 11/2013 cho các loại hình sản xuất khác nhau so sánh với QCVN 08:2008/BTNMT, cột B1; QCVN 09:2008/BTNMT; QCVN 40:2011/BTNM; QCVN 11:2008/BTNMT; QCVN 14:2008/BTNMT, cho thấy còn nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu: TSS, COD, BOD; NH4+, Coliform...

      Tại các làng nghề, chất thải rắn sản xuất phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân trong làng nghề. Điển hình là làng nghề chế biến và khai thác đá Đông Tân, Đông Vinh, TP. Thanh Hóa; xã Yên Lâm, huyện Yên Định; xã Hà Phong, huyện Hà Trung… bột đá phát sinh từ quá trình sản xuất chưa được xử lý, hiện đang chất đống trong khuôn viên từng cơ sở trong làng nghề. Theo số liệu thống kê của Chi cục BVMT Thanh Hóa năm 2013, tại 37/169 làng nghề được điều tra, tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 37,5 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 60%, khoảng 30% đưa đến nơi quy định của địa phương và 10% thải ra môi trường.

     2. Quản lý môi trường tại các làng nghề

     Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang nổi lên như một vấn đề nóng, cấp bách. Cùng với sự gia tăng phát triển cả về số lượng và các loại hình sản xuất, kinh doanh, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Nhận thức được vấn đề đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nêu trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác BVMT làng nghề. Song quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Các làng nghề rất đa dạng về quy mô sản xuất, loại hình sản xuất với những đặc thù riêng, tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề BVMT làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất. Các văn bản hướng dẫn hiện hành đều quy định chung cho tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh, do đó, để áp dụng vào làng nghề nhiều khi không phù hợp hoặc khó áp dụng.

     Theo quy định của pháp luật, đối với vấn đề môi trường tại các làng nghề, trách nhiệm chủ yếu thuộc về UBND các cấp. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản mới dừng lại ở UBND cấp tỉnh. Như vậy, để pháp luật thực sự có hiệu lực phải có văn bản quy định trách nhiệm cho UBND từng cấp, thậm chí có văn bản quy định đến cấp làng, thôn, bản. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn địa phương chưa chủ động thực hiện đúng trách nhiệm được phân công, chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác BVMT làng nghề; Chưa có sự kết hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương để phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

 

Lượng nước thải phát sinh từ quá trình ươm tơ tại Làng nghề Hồng Đô, xã Thiệu Đô gây ô nhiễm môi trường

 

     Tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT còn yếu và chưa phát huy hiệu quả. Các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề triển khai chậm. Tại nhiều làng nghề, chủ cơ sở và người dân làng nghề còn chưa nắm được Luật BVMT và các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về BVMT tại các làng nghề chưa được thường xuyên và triệt để, công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT chưa nghiêm.

     Phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng dân cư làng nghề còn chưa được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đi vào cuộc sống. Một số địa phương tập trung phát triển kinh tế mà chưa quan tâm, coi trọng công tác BVMT tại các làng nghề.

     3. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề

     Đối với cơ quan quản lý nhà nước

     Sở NN&PTNT: Điều tra, đánh giá tình hình hoạt động của các làng nghề, từ đó tái cơ cấu ngành nghề làng nghề cho phù hợp; Xây dựng các quy định về vệ sinh môi trường tại các làng nghề; tiêu chí làng nghề xanh; Xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, chú trọng công tác BVMT.

     Sở TN&MT: Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT chi tiết của dự án đầu tư xây dựng làng nghề và các cơ sở đã đi vào hoạt động trong làng nghề theo quy định; Phối hợp với các cơ quan liên quan của UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy định về BVMT; Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; chủ trì hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Giám sát việc thực hiện công khai thông tin về BVMT tại các làng nghề trên địa bàn.

     Sở KH&CN: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường tại các làng nghề.

     UBND cấp huyện, xã: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT làng nghề theo quy định; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Đôn đốc việc xây dựng nội dung BVMT trong hương ước, quy ước của làng nghề, trình phê duyệt theo quy định; Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về BVMT và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; Thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm BVMT; khuyến khích các cơ sở phân loại chất thải tại nguồn.

     Đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề

     Thực hiện đúng, đủ các nội dung về ĐTM, Cam kết BVMT, Đề án BVMT theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận trong hương ước, quy ước của địa phương (nếu có);

     Áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ theo quy định; thực hiện thu gom, phân loại, tập kết đúng nơi quy định chất thải rắn; đối với chất thải nguy hại (nếu có) phải thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có giấy phép hành nghề theo quy định;

     Tiếp nhận và vận hành đúng quy định các hạng mục công trình xử lý chất thải nếu được lựa chọn, đầu tư; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh;

     Thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấp hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;

     Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ, rò rỉ hóa chất, phán tán ô nhiễm thì phải báo cáo cho UBND cấp xã để chỉ đạo xử lý và khắc phục kịp thời;

     Đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề; nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; nước thải công nghiệp và các loại phí, lệ phí khác có liên quan.

     Quy hoạch làng nghề gắn với BVMT

     UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm có Quy hoạch các làng nghề, để di dời các cơ sở hiện đang sản xuất xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực dân cư; đồng thời, tại các khu vực này phải được quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ; đặc biệt là các công trình xử lý môi trường;

     Do đặc điểm hình thành và phát triển của các làng nghề có thể đề xuất 3 loại hình quy hoạch chính là quy hoạch tập trung theo quy mô nhỏ, quy hoạch phân tán tại chỗ và quy hoạch phân tán kết hợp tập trung.

 

Làng nghề rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

 

     Quy hoạch tập trung theo quy mô nhỏ: Cần phải xa khu dân cư, quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom nước mưa, thu gom và xử lý chất thải rắn. Quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù của các loại hình làng nghề;

     Quy hoạch phân tán tại chỗ (quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình): Với loại hình quy hoạch này cần phải tổ chức bố trí sao cho cải thiện được điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng... lưu giữ được nét cổ truyền của làng nghề để có thể kết hợp với du lịch.

     Quy hoạch phân tán kết hợp tập trung: Di dời các công đoạn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như làng nghề tằm tơ (công đoạn kéo kén), làng nghề cơ kim khí (công đoạn mạ), làng nghề mây tre đan (công đoạn sấy lưu huỳnh)... vào các CCN, KCN.

     Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT

     Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã xây dựng kế hoạch quản lý môi trường tại các làng nghề; chủ trì với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Các sở, ban, ngành khác phối hợp với Sở TN&MT thực hiện công tác quản lý môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Tăng cường áp dụng công nghệ xử lý chất thải làng nghề

     Quy định và triển khai có hiệu quả việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải. Đối với các làng nghề cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì yêu cầu có tổ quản lý chất thải rắn. Đối với các cơ sở sản xuất phân tán cần khuyến khích áp dụng giải pháp xử lý cục bộ khí thải, nước thải và chất thải rắn. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần đảm bảo chất thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; Công nghệ đơn giản, dễ vận hành, dễ chuyển giao; Vốn đầu tư, chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; Ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, tái sử dụng chất thải.

 

Tạ Hoàng Tùng Bắc - Phạm Phương Hạnh

Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

 

Ý kiến của bạn