Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở Ðồng bằng sông Cửu Long

13/01/2014

     1. Thực trạng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp

     Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo hàng loạt các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2003, ĐBSCL có 68 KCN và CCN với tổng diện tích 15.154 ha. Đến năm 2012, có 251 KCN, CCN với tổng diện tích gần 42.000 ha và 60.000 lao động. Định hướng đến năm 2020 khu vực ĐBSCL sẽ là 50.000 ha diện tích đất dành cho phát triển KCN và CCN.

     Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Chế biến gạo, rau quả, thức ăn chăn nuôi, tôm cá xuất khẩu, hàng dệt may, da giầy xuất khẩu, vật liệu xây dựng; thực phẩm đồ ăn uống; cơ khí luyện kim, sản xuất điện năng, vật liệu mới, chế tạo ô tô, xe máy, sản xuất hóa chất, sản xuất giấy… góp phần quan trọng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác BVMT đối với các KCN, CCN ở các tỉnh và thành phố trong khu vực trở nên bức xúc cần được giải quyết triệt để nhằm phát triển bền vững trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH.

     Quy hoạch KCN, CCN: Phát triển các KCN, CCN ở ĐBSCL chủ yếu đặt lợi ích của địa phương dưới áp lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, mà chưa theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng đã dẫn đến sự lãng phí về tài nguyên đất đai và nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch các KCN, CCN chất lượng chưa cao, các khu chức năng xử lý môi trường không phù hợp với các đặc trưng ô nhiễm. Một số KCN, CCN quan tâm thu hút đầu tư mà thiếu quy hoạch hạ tầng xử lý chất thải, hoặc đầu tư hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu BVMT, từ đó các nguồn thải không được quản lý và xử lý chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường…

     Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Công tác thẩm định báo cáo ĐTM ở một số địa phương còn nhiều hạn chế. Một số dự án có trình độ công nghệ lạc hậu vẫn được đưa vào sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Báo cáo ĐTM được phê duyệt giai đoạn 2006 - 2012 có xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường chỉ đạt khoảng 30% số dự án đã thẩm định. Công tác kiểm tra, giám sát thực thi Luật BVMT đối với các KCN, CCN chưa làm tốt, do đó nhiều vi phạm tiếp tục diễn ra mà chưa được ngăn chặn triệt để và kịp thời.

     Công nghệ và nguồn vốn đầu tư cho xử lý môi trường: Các chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN… còn lúng túng trong việc lựa chọn, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường và vận hành hiệu quả, phù hợp với đặc điểm cụ thể của loại hình sản xuất, tiềm lực kinh tế, trình độ công nghệ của các KCN, CCN. Đến nay khu vực ĐBSCL còn khoảng 57% KCN và 85% CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu theo quy định…

     Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư, chi phí vận hành hệ thống xử lý môi trường, chi phí quan trắc và giám sát môi trường cũng như việc bố trí nguồn nhân lực thực hiện nhiêm vụ BVMT trong các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo đã làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý BVMT tại khu vực ĐBSCL.

 

KCN Sa Đéc, Đồng Tháp - điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực ĐBSCL

 

     Công tác thanh, kiểm tra các KCN, CCN: Năm 2010, các cơ quan chức năng đã thanh tra 27 KCN trên địa bàn 12 tỉnh Tây Nam bộ, có 4/27 KCN không có báo cáo ĐTM được phê duyệt; 2/27 KCN không lập báo cáo ĐTM bổ sung theo quy định; 8/27 KCN chưa xây lắp công trình xử lý môi trường; 7/27 KCN xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường; 4/27 KCN thực hiện không đầy đủ báo cáo ĐTM phê duyệt. Năm 2012, thực hiện Quyết định số 551/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc thanh tra công tác BVMT trên địa bàn các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long đối với 44 cơ sở sản xuất và chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm như: 9/44 cơ sở không thực hiện đúng và đầy đủ nội dung BVMT như ĐTM đã phê duyệt; 16/44 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành các công trình BVMT; 27/44 cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; 14/44 cơ sở vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; 8/44 cơ sở vận hành công trình xử lý môi trường không liên tục, xây lắp công trình xử lý không đúng theo ĐTM được phê duyệt…

     2. Kết luận và đề xuất

     Quy hoạch phát triển các KCN, CCN tại các địa phương cần phải được điều chỉnh và định hướng đầu tư theo hướng gắn liền với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

     Có chính sách thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các KCN, CCN để tập trung nguồn lực phát triển sản xuất công nghiệp và đảm bảo công tác quản lý BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa.

     Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng BVMT, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư và công nghệ xử lý môi trường, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.

     Nâng cao năng lực thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định ĐTM. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư, ngay từ khi xây dựng; đồng thời, xử lý kịp thời các vi phạm.

     Tăng cường đầu tư hợp tác quốc tế và trong khu vực để nâng cao năng lực trong việc lựa chọn và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường cho các KCN, CCN.

     Tập trung kỹ thuật vận hành các hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt yêu cầu. Đồng thời, có hệ thống quan trắc môi trường liên tục và có bộ phận chuyên trách BVMT theo quy định.

     Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về BVMT của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, Ban quản lý KCN, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong việc thực thi Luật BVMT. Nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp nhằm đảm bảo các dự án đầu tư phải tuân thủ nghiêm pháp luật BVMT.

 

Phạm Đình Đôn

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

Ý kiến của bạn