Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông - Bài học thực tiễn từ quá trình triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông

21/01/2014

     LTS: Trong số 12/2013, Tạp chí đã giới thiệu phần thứ nhất của bài viết về hiện trạng cũng như một số kết quả triển khai 3 Đề án BVMT lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai). Trong số này, Tạp chí xin giới thiệu phần tiếp theo về Định hướng triển khai các Đề án BVMT lưu vực sông.
(Tiếp theo số trước)

     Việc triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách hoặc giải pháp BVMT theo quan điểm quản lý tổng hợp lưu vực sông (LVS) hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc lập quy hoạch BVMT cho 3 LVS còn gặp khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý và vị trí quy hoạch BVMT so với các quy hoạch khác; việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về một số loại hình sản xuất kinh doanh cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên LVS bị hạn chế do chính sách, pháp luật về đầu tư; việc nâng cao vai trò của các Ủy ban BVMT LVS gặp khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý về quyền lực hành chính của tổ chức cấp vùng, liên tỉnh...

     Các Đề án BVMT LVS được phê duyệt với số kinh phí rất lớn (Đề án hệ thống sông Đồng Nai 1.938 tỷ đồng, Đề án sông Nhuệ - sông Đáy 3.335 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho các Đề án này không được bố trí riêng nên rất khó huy động để triển khai thực hiện, nhất là trong bối cảnh kinh tế cả nước đang gặp khó khăn. Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác này không thể thực hiện được do quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tại đa số các địa phương, việc phân bổ kinh phí 1% chi sự nghiệp môi trường còn thiếu và sử dụng kinh phí hiệu quả chưa cao. Công tác triển khai xây dựng các nhiệm vụ, dự án cụ thể tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc các Đề án BVMT LVS. Bên cạnh hiệu quả của công tác quản lý nhà nước thì việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường là yếu tố quyết định, nhưng vấn đề này chưa được đầu tư thỏa đáng.

     Năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại các địa phương thuộc LVS còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về sự gia tăng ô nhiễm. Các địa phương chưa thống kê, kiểm soát được đầy đủ các nguồn nước thải thuộc địa bàn để quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT còn chưa quyết liệt, triệt để. Trong quá trình phát triển kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp còn hạn chế, vai trò của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng trong việc tham gia BVMT LVS chưa được phát huy đầy đủ.

     Định hướng triển khai các Đề án BVMT LVS

     Nhìn chung, công tác quản lý BVMT các LVS ở Việt Nam hiện nay vẫn đang ở giai đoạn khắc phục và ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước. Đối với việc triển khai các Đề án BVMT LVS trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp:

     - Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BVMT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BVMT LVS. Đặc biệt, kiến nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ các vướng mắc về tài chính thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc các Đề án BVMT LVS.

     - Kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Ủy ban BVMT LVS (và các Ban chỉ đạo tại địa phương) theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban trong chỉ đạo, điều phối triển khai các Đề án BVMT LVS và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như các vấn đề BVMT liên vùng, liên tỉnh trên LVS.

 

Cần kiểm tra các nguồn nước thải trên các lưu vực sông

 

     - Tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, phân rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác BVMT tổng thể toàn lưu vực. Giải quyết các điểm nóng ô nhiễm tại các sông, suối chảy qua địa bàn nhiều tỉnh; quản lý môi trường tại các khu vực giáp ranh; vận hành các hồ chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường liên tỉnh...

     - Xây dựng và triển khai Đề án thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn nước thải trên 3 LVS, công khai thông tin về nguồn thải trên cổng thông tin môi trường LVS. Triển khai Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 (được phê duyệt theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Các địa phương tiếp tục rà soát, lập danh sách, công bố và lên kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường mới phát sinh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

     - Bộ TN&MT phối hợp với UBND cấp tỉnh trên 3 LVS tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT, thành lập các đoàn thanh tra giám sát liên ngành có đủ thẩm quyền để tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, kể cả biện pháp đình chỉ sản xuất hoặc đóng cửa. Buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm.

     - Tăng cường xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách, xã hội hóa hoặc vay vốn ODA, vận dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai các nhiệm vụ, dự án có liên quan trên LVS. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Thoát nước đô thị, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung; cải tạo, phục hồi môi trường cho những đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế; nạo vét và khơi thông dòng chảy... Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp nhằm từng bước kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nước đặc biệt tại các vị trí đặt nhà máy cấp nước trên các LVS.

     - Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Triển khai các Quy hoạch BVMT LVS, Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp trên LVS và Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên 3 LVS (Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

     - Các địa phương thuộc phạm vi Dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc LVS Đồng Nai và Nhuệ - Đáy (vốn vay của Ngân hàng thế giới) phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn tất thủ tục và triển khai Dự án, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Đề án tổng thể sông Nhuệ - sông Đáy và Đề án sông Đồng Nai.

     - Hoàn thiện và triển khai thực hiện giám sát, quản lý môi trường trực tuyến, xây dựng hệ thống thông tin và cơ chế chia sẻ đảm bảo khả năng kết nối đồng bộ, hiệu quả phục vụ công tác quản lý môi trường của toàn LVS. Khuyến khích các tỉnh, thành phố có điều kiện về tài chính và ngân sách đầu tư nhân rộng mô hình hệ thống giám sát nước thải tự động.

     - Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT và pháp luật về tài nguyên nước trên các LVS, đặc biệt tại các vùng "nóng".

     Một số vấn đề trao đổi

     Trên thế giới, kể từ sau Hội nghị Dublin và Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và phát triển (Rio de Janeiro, 1992) được tổ chức, phần lớn các nước trên thế giới đều trong tiến trình thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước với việc lấy LVS làm đơn vị quản lý. Giữa các tài nguyên trên LVS có mối quan hệ chặt chẽ, tuy nhiên, khác với khái niệm vùng lãnh thổ hay vùng sinh thái, khái niệm LVS chủ yếu gắn với tài nguyên nước. Trong khi nhiều tài nguyên tương đối tĩnh thì tài nguyên nước và những yếu tố môi trường nước liên quan lại luôn luôn biến động. Lâu nay cơ chế quản lý theo địa giới hành chính đã bỏ qua điều kiện tự nhiên tài nguyên nước theo lưu vực. Các tỉnh, thành phố chỉ quy hoạch thủy lợi, khai thác tài nguyên nước hoặc BVMT nước của tỉnh, thành phố mình mặc dù nằm trên LVS liên tỉnh. Bên cạnh đó, công tác BVMT nước các LVS hiện nay do nhiều hệ thống pháp luật điều chỉnh; cùng với việc chưa có cơ chế huy động nguồn lực từ các tổ chức, cộng đồng cùng tham gia nên hiệu quả còn hạn chế. Việc thực hiện quản lý tài nguyên và môi trường nước theo LVS là một xu thế tất yếu ở nước ta trong giai đoạn tới. Tuy nhiên đây là vấn đề mới và trong bối cảnh của nước ta thì việc thực hiện trong thực tế không dễ dàng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu để từng bước giải quyết. Phương hướng chung là phải tiếp cận kinh nghiệm của các nước trên thế giới và nghiên cứu vận dụng với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các LVS, thông qua trao đổi rộng rãi để tìm ra một mô hình hợp lý.

 

Quản lý tài nguyên và môi trường nước theo lưu vực sông là một xu thế

tất yếu ở Việt Nam

 

     Tình hình triển khai các Đề án BVMT LVS đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên cũng đang đứng trước nhiều thách thức: Mâu thuẫn giữa yêu cầu BVMT với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển của các địa phương; giữa tổ chức và năng lực quản lý môi trường LVS còn nhiều bất cập với những đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công tác quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước vào nề nếp; giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật BVMT còn lạc hậu với khối lượng nước thải vào môi trường nước mặt đang ngày càng gia tăng; giữa yêu cầu BVMT, phát triển bền vững đất nước với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm ngày càng gay gắt.

     Qua nghiên cứu các mô hình BVMT LVS của một số nước trên thế giới như mô hình quản lý LVS của Pháp, mô hình quản lý LVS Hoàng Hà (Trung Quốc), mô hình quản lý LVS Murray - Darling (Ôxtrâylia), mô hình quản lý LVS Mê Công cho thấy, các tổ chức LVS đều là những cơ quan quản lý hành chính, có ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam thì việc hình thành tổ chức liên tỉnh với cơ chế luân phiên làm Chủ tịch không mang lại hiệu quả như mong muốn do không phải là một cấp hành chính, các quyết sách chỉ mang tính đồng thuận. Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ cho hình thành tổ chức LVS hoặc Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

     Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả công tác BVMT các LVS, tại Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật Chính phủ đã ra Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 20/8/2013, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương thành lập 3 Chi cục BVMT LVS Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

     Tình trạng ô nhiễm môi trường các LVS tác động nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và luôn là vấn đề nóng. Kiến nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục coi công tác BVMT các LVS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Nguyễn Thượng Hiền

Trần Thị Lệ Anh

Văn phòng các Ủy ban BVMT LVS

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn