Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch: Thực trạng và giải pháp

09/09/2014

     Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt (NTSH) và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông. Từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã trở thành nơi chứa nước thải của TP - một dòng sông "chết".

     Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở TN&MT Hà Nội tiến hành năm 2013 cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước sông chuyển thành màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm trầm trọng về cuối nguồn.

 

Chất lượng nguồn nước sông Tô Lịch đã dần được khắc phục, cải thiện

 

     Trước thực trạng trên, UBND TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp về BVMT, hướng đến khắc phục, cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch; hình thành nếp sống văn minh và xây dựng Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp. Năm 2010, UBND TP giao các Sở, ngành thực hiện 2 biện pháp: Bổ sung nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, giúp duy trì cân bằng nước, giảm nồng độ ô nhiễm và xây dựng các trạm xử lý nước thải kết hợp với xử lý nước thải ngay tại nguồn.

     Đối với NTSH từ các hộ dân sinh sống ven sông, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý NTSH tại nguồn trước khi thải ra sông. Năm 2014, Sở đã tiến hành kiểm kê các nguồn thải dọc sông và phát chế phẩm sinh học cho 8.000 hộ.

     Đặc biệt, TP đã tiến hành triển khai Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp với xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Bên cạnh đó, UBND TP giao các quận/huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống hai bờ sông; Mời chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm phù hợp; Chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn NTSH đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung Phú Đô và Yên Xá.

     Ngoài ra, UBND TP giao Sở Xây dựng tăng cường trồng cây xanh, tu sửa kè bờ, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông và thường xuyên nạo vét lòng sông; Giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận/huyện trên lưu vực sông tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng, doanh nghiệp về BVMT, nhằm trả lại vẻ đẹp cho sông Tô Lịch - dòng sông gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

 

Phạm Văn Khánh

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

Ý kiến của bạn