01/07/2025
Ô nhiễm không khí (ÔNKK) là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng, chủ yếu do nồng độ cao các hạt bụi mịn trong không khí, chỉ cần tiếp xúc một thời gian ngắn cũng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp như ho, thở khò khè, khó thở. Trường hợp tiếp xúc suốt thời gian dài, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi… Các nhóm dễ bị tổn thương bởi ÔNKK gồm trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền. Bài viết tập trung phân tích thực trạng, nguyên nhân, giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) của Thái Lan, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trước bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí ngày càng gia tăng.
1. Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Thái Lan
Theo Bộ Y tế công cộng Thái Lan, chỉ số chất lượng không khí (CLKK) - AQI tại nhiều nơi ở Thái Lan, nhất là Thủ đô Băng Cốc thường ở mức không lành mạnh, cho thấy nguy cơ sức khỏe đáng kể đối với người dân. Cụ thể, các quan chức y tế Thái Lan cho biết, kể từ đầu năm 2023, ÔNKK ở quốc gia này đã khiến khoảng 2,4 triệu người cần được chăm sóc y tế. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2019 có hơn 31.000 ca tử vong ở Thái Lan do các nguyên nhân liên quan đến ÔNKK. Sau khi đo các mức ÔNKK tại 28 thành phố, Báo cáo kết quả nghiên cứu do Tổ chức Greenpeace Đông Nam Á và Công ty công nghệ theo dõi CLKK IQAir công bố ngày 17/2/2021 cũng cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra khoảng 29.000 ca tử vong ở Thái Lan vào năm 2021, con số này cao hơn số ca tử vong do tai nạn giao thông, sử dụng ma túy và giết người cộng lại [1]. Mật độ bụi mịn PM2.5 quá mức trong khí quyển dẫn đến gia tăng chi phí cho điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, chẳng hạn như khẩu trang và máy lọc không khí. Giả định trong số 2,4 triệu người ở Thái Lan đang bị dị ứng và mắc bệnh về đường hô hấp, có khoảng 1/2 cần đi khám bác sĩ ít nhất 1 lần/tháng, thì chi phí y tế và đi lại trung bình từ 1.800 - 2.000 baht/người. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KRC) của Thái Lan đã đánh giá thiệt hại kinh tế do tình trạng ÔNKK với mật độ bụi mịn PM2.5 vượt quá mức trung bình 100 µg/m³ trong và xung quanh thủ đô Băng Cốc với khoảng thời gian một tháng. Ước tính mức thiệt hại này có thể lên tới 3 tỷ baht (tương đương 89,4 triệu USD) [1]. Mới đây nhất, ngày 23/1/2025, mức ô nhiễm tại Thái Lan đã cao gấp 8 lần so với mức khuyến nghị trung bình tối đa hàng ngày của WHO. Báo cáo từ Bộ Y tế Công cộng hồi đầu tháng 1/2025 cho thấy, tình trạng này đã khiến hơn 1 triệu người bị ốm kể từ cuối năm 2023 và quốc gia này đã tốn hơn 88 triệu USD cho chi phí y tế; buộc hơn 350 trường học phải đóng cửa vào ngày 24/1. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin trích dẫn một nghiên cứu từ Đại học Chicago cho biết, việc tiếp xúc lâu dài với mức PM2.5 vượt quá 37,5 µg/m³ có thể rút ngắn tuổi thọ của một người khoảng một năm.
Riêng Thủ đô Băng Cốc - Thành phố sôi động với hơn 11 triệu dân sinh sống, trong đó có hơn 10,7 triệu phương tiện cá nhân đã đăng ký, từ lâu bị nhấn chìm bởi bụi mịn PM2.5. Theo Quỹ không khí sạch (Clean Air Fund), vào năm 2023, ÔNKK đã gây ra hơn 5.000 ca tử vong sớm mỗi năm tại Băng Cốc. Ngày 21/1/2025, truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin mức độ bụi siêu mịn không an toàn đã được báo cáo tại 70/76 tỉnh của Thái Lan, trong đó tình trạng ÔNKK tồi tệ nhất được ghi nhận ở Thủ đô Băng Cốc. Dữ liệu do Cơ quan Phát triển công nghệ vũ trụ và địa tin học (GISTDA) của Thái Lan thu thập ngày 21/1/2025 cho thấy, mức PM2.5 cực kỳ không lành mạnh đã được ghi nhận trên khắp Băng Cốc, trong đó khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là quận Nong Khaem với mức PM2.5 146,5µg/m³. Tiếp đó, ngày 24/1/2025, theo Công ty theo dõi CLKK IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ chỉ số bụi mịn PM2.5 tại thủ đô Băng Cốc chạm ngưỡng 108 µg/m³, vượt xa ngưỡng khuyến cáo không quá 15 µg/m³ của WHO, khiến Băng Cốc trở thành thành phố đứng thứ 7 trong danh sách các thành phố lớn có mức độ ÔNKK cao nhất thế giới. Ngày 14/2/2025, mức PM2.5 tại Băng Cốc đạt hơn 72 microgam/m³, gấp 7 lần ngưỡng an toàn của WHO là 10 microgam/m³.
Theo Mạng lưới không khí sạch Thái Lan (Thailand Can), có nhiều nguồn và mức độ ÔNKK khác nhau, tùy khu vực, trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính gồm hoạt động đốt sinh khối (đốt trong nông nghiệp, cháy rừng và đốt rác thải ngoài trời); ô nhiễm công nghiệp; khí thải từ phương tiện giao thông; hiện tượng khói mù xuyên biên giới và thời tiết “đóng kín”, ám chỉ một lớp khí ấm bên trên, bao phủ bụi, ngăn chúng bay đi. Tại Băng Cốc, các nghiên cứu được trích dẫn bởi Viện Môi trường Stockholm (SEI) chỉ ra, phương tiện giao thông là nguồn phát thải lớn nhất PM2.5, chiếm từ 44% - 73% tổng lượng bụi mịn tùy theo mùa và khu vực. Thành công trong việc biến Thái Lan thành “Detroit của phương Đông” với ngành sản xuất ô tô phát triển mạnh đã vô tình làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm, khi số lượng xe cá nhân tăng vọt từ 4,2 triệu (năm 1999) lên 10,7 triệu vào năm 2019. Đặc biệt, xe chạy bằng dầu diesel chiếm khoảng 25% trong tổng số phương tiện đăng ký, bị xem là “kẻ thù số một” của CLKK. Xe bán tải một tấn, loại xe phổ biến ở cả thành thị và nông thôn Thái Lan nhờ chính sách ưu đãi thuế từ những năm 1990 cũng là một trong những nguồn phát thải lớn. Tại các tỉnh Đông Bắc, Bắc và miền Trung Thái Lan, ÔNKK xuất phát từ những vụ cháy rừng thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm; hoạt động đốt nương làm nông nghiệp; khí hậu nóng cực đoan hoặc ảnh hưởng một phần do khói bụi từ các nước láng giềng bay sang. Còn tại những thành phố lớn, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thêm nguyên nhân từ khí phát thải của các hoạt động giao thông vận tải (GTVT), nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 càng được dư luận xã hội Thái Lan quan tâm hơn do thời tiết tại ngày càng cực đoan. Năm 2023, nhiệt độ cao nhất đo được ở tỉnh Nan lên đến 44,60C; năm 2024, nhiệt độ tại nhiều địa phương nằm ở ngưỡng hơn 440C.
2. Những giải pháp cấp bách từ chính quyền địa phương
Đối diện với vấn nạn ÔNKK ngày càng nghiêm trọng, tác động sâu rộng đến mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe người dân, Chính phủ Thái Lan đã liên tục triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện CLMTKK và tạo ra môi trường sống trong lành hơn. Năm 2019, Chính phủ Thái Lan đưa ÔNKK trở thành vấn đề ưu tiên và công bố Kế hoạch hành động quốc gia giải quyết ô nhiễm bụi mịn giai đoạn từ năm 2019 - 2024, nhằm trao quyền cho chính quyền địa phương để xử lý tốt hơn các nguồn gây ÔNKK. Cho đến cuối tháng 1/2025, khi mức độ ô nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể thấy rõ tại Băng Cốc và vùng phụ cận, Chính phủ Thái Lan đã khẩn cấp đưa ra một số chính sách tạm thời nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giảm lượng bụi ô nhiễm.
2.1. Kiểm soát xe cũ, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe điện
Một trong những sáng kiến nổi bật của Thủ đô Băng Cốc là chính sách miễn phí giao thông công cộng nhằm khuyến khích người dân giảm sử dụng phương tiện cá nhân. Từ ngày 25 - 31/1/2025, chính quyền Thành phố đã triển khai chương trình miễn phí xe buýt, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm trong 7 ngày. Một khoản ngân sách trị giá 140 triệu baht được Chính phủ phê duyệt nhằm bù lỗ cho doanh nghiệp vận tải để người dân Băng Cốc và vùng phụ cận được miễn phí sử dụng các loại phương tiện công công. Tiếp đó, ngày 28/1/2025, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo tăng ngân sách lên 620 triệu baht để hỗ trợ các ban, ngành áp dụng thêm nhiều chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng khói bụi ô nhiễm đã ở mức báo động. Kết quả vượt ngoài mong đợi: Lượng xe cá nhân giảm gần 10% (khoảng 500.000 xe), trong khi số hành khách sử dụng tàu điện tăng 38,66%, đạt 12,08 triệu lượt, trong đó, ngày 30/1/2025 ghi nhận kỷ lục 2,33 triệu hành khách đi tàu điện ở Băng Cốc, mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 [2]. Bộ trưởng Bộ GTVT Thái Lan Suriya Jungrungreangkit khẳng định, chính sách này không chỉ giảm khí thải mà còn cho thấy người dân sẵn sàng chuyển sang giao thông công cộng nếu giá vé hợp lý. Thành công của thử nghiệm đã thúc đẩy kế hoạch áp dụng vé tàu điện cố định 20 baht trên mọi tuyến đường trong năm 2025, cùng với các biện pháp dài hạn như điện khí hóa xe bus công cộng và áp dụng phí tắc nghẽn ở một số khu vực trung tâm.
Đặc biệt, nhận thức được mối nguy hại từ các phương tiện cũ trong việc làm gia tăng ô nhiễm, Cơ quan quản lý đô thị Băng Cốc (BMA) và Bộ GTVT Thái Lan đã tăng cường kiểm soát xe không đạt tiêu chuẩn khí thải. Tính đến nay, 135.000 phương tiện đã được kiểm tra, trong đó 2.141 xe, bao gồm 529 xe tải bị phát hiện không đạt yêu cầu và buộc phải dừng hoạt động ở khu vực nội thành. Ngày 31/1/2025, Chính phủ Thái Lan tiếp tục tuyên bố siết chặt quản lý các xe vận tải như đề ra khu vực hạn chế xe tải; rút ngắn thời gian chỉnh sửa hệ thống khí thải từ 30 xuống còn 15 ngày đối với xe cũ trong diện bị khuyến cáo vi phạm thải ra khói đen; xem xét việc có thể cấm lưu hành vĩnh viễn nếu những loại xe này tái vi phạm. Các biện pháp khác nhằm hạn chế ÔNKK cũng được thắt chặt, giám sát kỹ, tiêu biểu như tại khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, ban quản lý được lệnh phải quây kín công trình và khu vực tập kết vật liệu; phương tiện vận tải phải rửa kỹ bánh xe khi ra vào công trình.
Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) từ lâu bị nhấn chìm bởi bụi mịn PM2.5
Ngoài ra, bên cạnh việc kiểm soát xe cũ và thúc đẩy giao thông công cộng, Băng Cốc đang đặt cược vào xe điện (EV) như một giải pháp bền vững. Từ năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất EV nội địa, với sự tham gia của các hãng lớn như Toyota, Mercedes-Benz, BMW. Năm 2024, Mercedes bán được 5.000 xe hybrid cắm điện (PHEV) tại Thái Lan, trong khi BMW đạt hơn 1.000 xe. Chính phủ nước này cũng điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế hải quan để thúc đẩy người dân chuyển sang EV, đồng thời lên kế hoạch thay thế xe buýt động cơ đốt trong bằng xe buýt điện. Tuy nhiên, thị trường EV tại Thái Lan vẫn còn non trẻ, cơ sở hạ tầng sạc điện hạn chế và thiếu ưu đãi tài chính; chưa có nhà sản xuất nào đề xuất mẫu xe bán tải EV một tấn - loại xe có thể giải quyết triệt để vấn đề khí thải từ xe diesel phổ biến nhất... nên tốc độ chuyển đổi còn chậm. Đây là lỗ hổng cần được khắc phục nếu Băng Cốc muốn đạt được mục tiêu giảm 30% ÔNKK vào năm 2030, như cam kết trong sáng kiến Breathe Cities mà Thủ đô vừa tham gia.
2.2. Quy định nghiêm ngặt về hoạt động đốt rơm rạ
Một nghiên cứu tại Thái Lan đã chỉ ra rằng, việc đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ mùa là nguyên nhân chính gây ra bụi mịn PM2.5, cao gấp 5 lần so việc người nông dân đốt mía khô để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Chính vì vậy, ngày 5/2/2025 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã ra thông báo không cho bất kỳ công ty, hộ gia đình hoặc cá thể làm nông nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ về nông nghiệp bắt đầu từ ngày 1/6/2025 - 31/5/2027 nếu phát hiện từng bị ghi vào hồ sơ có liên quan việc đốt nương rẫy từ ngày 17/1 - 31/5/2025. Chính sách cứng rắn này nhằm ngăn chặn triệt để nạn đốt nương làm rẫy của nông dân một số tỉnh phía Bắc và vùng Đông Bắc Thái Lan, dẫn đến cháy rừng, làm phát sinh khí thải độc hại gây ÔNKK.
2.3. Thực hiện Dự án “Lớp học không bụi”
Để đối phó với tình trạng ÔNKK gia tăng trong mùa đông, chính quyền Thủ đô Băng Cốc đã triển khai Dự án “Lớp học không bụi” như một sáng kiến nhằm cung cấp không gian học tập an toàn và giáo dục học sinh về ô nhiễm PM2.5. Hiện BMA đã đóng cửa 352/437 trường học tại 31 quận của Thủ đô, đánh dấu đợt đóng cửa trường học lớn nhất kể từ năm 2020. Người đứng đầu trường học được khuyến cáo cân nhắc đóng cửa dựa trên mức PM2.5, cụ thể: (i) Mức PM2.5 từ 37,6 - 75 µg/m³ (vùng cam): Hiệu trưởng nhà trường có thể cho phép đóng cửa trường học tối đa 3 ngày; Chủ tịch quận có thể cho phép đóng cửa tối đa 7 ngày; (ii) Mức PM2.5 vượt quá 75 µg/m³ (vùng đỏ) trong ba ngày liên tiếp: Giám đốc Sở Giáo dục có thể cho phép đóng cửa trường học tối đa 15 ngày; Thống đốc Băng Cốc có thể cho phép đóng cửa vô thời hạn khi mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến hơn 5 quận trong Thủ đô. Nếu trường học đóng cửa, các nhà quản lý phải tổ chức lớp học bù hoặc áp dụng phương pháp giảng dạy thay thế như học trực tuyến. Đối với những trường vẫn mở cửa, phải chỉ định khu vực an toàn cho học sinh dễ bị tổn thương và phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt giảm thiểu bụi. Dự kiến trong năm 2025, tất cả mọi trường học tại Thái Lan sẽ hoàn thành việc nâng cấp các khu vực an toàn với phòng học có điều hòa và máy lọc không khí. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 744 lớp mẫu giáo được nâng cấp, phần còn lại sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2025.
Mặt khác, Cục Y tế Thái Lan đang triển khai kế hoạch tăng số lượng nhà hàng có phòng ngăn bụi lên 20.000 trên toàn quốc, như một phần trong sáng kiến xây dựng không gian chống bụi tại khu vực công cộng. Hiện tại, 234 nhà hàng ở 9 tỉnh trên toàn quốc đã hoạt động theo mô hình này, với việc trang bị thiết bị phòng chống bụi riêng cho những khách hàng gặp vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, chính quyền Thái Lan cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp hỗ trợ năng lượng sạch; tạo ra khu vực không ô nhiễm gần trường học, cơ sở y tế; thiết lập hệ thống giám sát CLKK và công khai dữ liệu về ÔNKK để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm bụi mịn PM2.5; áp dụng các biện pháp làm việc tại nhà để giảm thời gian đi lại, hạn chế tiếp xúc với nguồn không khí bị ô nhiễm…
2.4. Xây dựng Dự thảo Đạo luật không khí sạch
Nhằm giải quyết triệt để các vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm GTVT, công nghiệp và ô nhiễm xuyên biên giới… Chính phủ Thái Lan đang xây dựng Dự thảo Đạo luật không khí sạch. Tiến trình xây dựng văn bản Luật đang tiến triển, với cấu trúc toàn diện gồm 10 Chương; công cụ thực thi chính trong Đạo luật gồm các khái niệm như “khu vực phát thải thấp”, “nơi chỉ có EV mới được phép ra vào không hạn chế”... Theo đó, xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ đối mặt với việc hạn chế về việc sử dụng hoặc phải trả phí phát thải khi có nhu cầu đi vào một số khu vực nhất định; mỗi tỉnh hoặc quận có thể điều chỉnh các biện pháp này cho phù hợp nhu cầu tại địa phương. Việc soạn thảo Đạo luật Không khí sạch có sự tham gia của đại diện tất cả các đảng phái chính trị, nhằm giải quyết xung đột tiềm ẩn trong giai đoạn soạn thảo, giảm khả năng xảy ra các cuộc tranh luận sau này trong Quốc hội.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
3.1. Thực trạng và tác động của ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Cũng như Thái Lan và một số quốc gia khác trên thế giới, ÔNKK tại Việt Nam đang ở mức báo động, với chỉ số PM2.5 cao gấp nhiều lần mức khuyến nghị của WHO. Đặc biệt, tình trạng ÔNKK tại các thành phố lớn không chỉ diễn ra trong vài tháng mà đã kéo dài suốt hơn một thập kỷ, với mức độ thay đổi theo từng thời điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu bước đầu đã xác định 4 nguồn phát thải chính của bụi mịn tại các đô thị Việt Nam, bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới; hoạt động công nghiệp (nguồn tại chỗ, từ các tỉnh lân cận, xuyên biên giới); đốt sinh khối từ cháy rừng (tự nhiên hoặc nhân tạo), đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt; hoạt động dân sinh.
Số liệu thống kê ÔNKK năm 2023 vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại, trong tháng 3/2023, người dân Hà Nội chỉ có một ngày CLKK ở mức “vừa phải”, không có ngày nào ở mức “tốt” [3]. ÔNKK quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, khi Việt Nam chứng kiến mức độ các hạt bụi mịn PM2.5 có hại trong không khí tăng 9%. Trung bình năm 2023, chỉ số PM2.5 của Việt Nam cao gấp gần 6 lần mức khuyến nghị của WHO [4]. Năm 2024, dữ liệu từ Công ty công nghệ Thụy Sĩ IQAir cho thấy, từ ngày 4/3 - 2/4, Hà Nội đã trải qua 16 ngày có chất lượng không khí “không lành mạnh”, với chỉ số AQI từ 151 - 200; 12 ngày CLKK được coi là “không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm”, với AQI từ 101 - 150. Ngày 5/3/2024, Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí “rất không lành mạnh” với giá trị AQI là 201. Duy chỉ có ngày 19/3/2024, Thủ đô có CLKK “vừa phải”, với giá trị AQI là 67. Cũng trong ngày 19/3, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng của IQAir về các thành phố đông dân nhất thế giới khi mức PM2.5 vượt quá 24 lần so với hướng dẫn hàng năm của WHO [5]. Thời điểm cuối năm, vào 9h sáng ngày 14/11/2024, khu vực Tây Hồ (Nà Nội) ghi nhận chỉ số ô nhiễm cao (246), trong đó, Ciputra, Tây Hồ ghi nhận chỉ số lên tới 208; khu vực Cừ Khôi, Long Biên ghi nhận chỉ số AQI ở ngưỡng tím (225); Lê Duẩn, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI là 215... Đến 9h30, nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 20,5 lần mức cho phép của WHO, ngưỡng rất xấu cho sức khỏe. Trang iqair.com xếp Hà Nội ở vị trí thứ 3 trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Năm 2025, kết quả hệ thống quan trắc không khí IQAir cho thấy, vào lúc 7h39 ngày 2/2/2025, Hà Nội xếp thứ 36 trong danh sách thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 91, CLKK của Hà Nội ở mức màu vàng “trung bình”. Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu cam “không tốt cho các nhóm nhạy cảm” ở mức 137. TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong nhóm có CLKK ở mức màu vàng “trung bình” với chỉ số AQI là 59, xếp thứ 72. Đáng nói, tình trạng này gần như diễn ra liên tục, các đợt ô nhiễm lặp đi lặp lại ở mức đáng báo động. Tiếp đó, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h30 ngày 29/5/2025, Hà Nội đứng thứ 9/126 thành phố ô nhiễm trên thế giới, với chỉ số AQI ở mức 105, CLKK ở mức màu cam “không tốt với nhóm nhạy cảm”. Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất (mức 154), màu đỏ “không lành mạnh”. TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có CLKK ở mức màu vàng “trung bình”, chỉ số AQI là 52, xếp thứ 56. VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin CLMTKK trên smartphone do Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) xây dựng cho thấy, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h30 sáng 29/5 thuộc về TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, với chỉ số AQI ở mức 86 màu vàng - “trung bình”.
Hiện tượng ÔNKK tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường rõ rệt vào dịp cuối năm. Cụ thể, từ tháng 10 năm nay cho đến khoảng tháng 2 năm sau, CLKK sẽ chạm ngưỡng ô nhiễm cao nhất. Đây là một quá trình mang tính chu kỳ, chịu tác động từ hai yếu tố: Nguồn phát thải và điều kiện thời tiết. Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, dẫn đến nhiều phương tiện giao thông mới được đăng ký và sử dụng, cùng lúc đó, hoạt động sản xuất cũng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Đồng thời, yếu tố thời tiết bất lợi như các đợt không khí lạnh tràn xuống từ phương Bắc thường mang theo lượng ô nhiễm từ khu vực khác, thậm chí từ các nước lân cận, ảnh hưởng đến CLKK của các thành phố.
Theo WHO, trung bình mỗi năm, ÔNKK gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu và ít nhất 70.000 ca ở Việt Nam, khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm [6]. Nếu không hành động để giải quyết các tác động đến sức khỏe, ÔNKK có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến mức tăng tuổi thọ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Bên cạnh đó, ÔNKK làm giảm năng suất của người lao động; tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và chăn nuôi; giảm doanh thu du lịch trong nước cũng như đầu tư quốc tế; gây thiệt hại cho các công trình di sản do mưa axit; làm suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học. WHO ước tính, ÔNKK gây ra thiệt hại về xã hội và kinh tế cho Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD/năm, chưa bao gồm chi phí làm sạch trong tương lai. Con số này tương đương với 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước [7]. Đáng chú ý, ÔNKK trong nhà cũng là một nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Trong năm 2020, ÔNKK trong nhà là nguyên nhân khiến gần một nửa số ca tử vong (ước tính khoảng 3,2 triệu người), bao gồm cả những cái chết bi thảm của hơn 237.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Một nghiên cứu mới trên 15.000 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh mối liên hệ giữa các triệu chứng đường hô hấp, CLKK kém trong nhà do hút thuốc thụ động và nấu ăn bằng than, củi hoặc dầu hỏa.
3.2. Nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí
Để giải quyết bài toán ÔNKK ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Tiếp đó, ngày 23/11/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác quản lý CLMTKK thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát CLKK; cảnh báo, dự báo CLKK và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) - COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tiếp đó, tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế đã công bố quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), nhằm mục đích giải phóng nguồn tài chính để hỗ trợ đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Việt Nam cũng đã gia nhập Liên minh hành động về BĐKH và sức khỏe của WHO, phát đi một tín hiệu quan trọng, khẳng định giải quyết vấn đề BĐKH và cải thiện CLKK là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 đã đề ra nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó quy định quốc gia và các địa phương phải có kế hoạch quản lý CLMTKK. Đây được coi như là công cụ tổng thể nhằm quản lý, kiểm soát CLMTKK tại Việt Nam. Mặt khác, Bộ NN&MT cũng đưa ra khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến CLKK qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web: https://cem.gov.vn, https://enviinfo.cem.gov.vn. Đây là nguồn thông tin chính thống được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thực hiện.
Mới đây nhất, tại cuộc họp về giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn diễn ra vào ngày 27/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ÔNKK, xác định mục tiêu từng năm và cả giai đoạn 5 năm. Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết, Bộ NN&MT chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện tình trạng ÔNKK theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng thành phố; chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm; phân tích sâu mối quan hệ giữa ÔNKK và sức khoẻ để người dân nhận thức đúng, ủng hộ và cùng tham gia thực hiện. Cùng với đó, chủ trì thiết lập quy trình đo đếm, giám sát các chỉ số CLKK, hình thành hệ thống quan trắc chính xác, tin cậy, tập trung ở khu vực trọng điểm về ÔNKK, truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay việc kiểm kê, xác định nguồn thải vào không khí và xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn; xây dựng Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK giai đoạn 2026 - 2030, trong đó xác định mục tiêu hàng năm, giao trách nhiệm cụ thể, hạn ngạch cho từng lĩnh vực, địa phương thực hiện. Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát quy định pháp luật, cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến công tác BVMT, nhất là môi trường không khí; kịp thời phát hiện bất cập, đề xuất giải pháp hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền... Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các hoạt động, giải pháp thu gom, công nghệ tái chế rơm rạ, phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp; rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, cố ý lợi dụng, phát tán chất thải ra môi trường không khí trong thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; triển khai ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường kết nối các trạm quan trắc, giám sát CLKK tự động của địa phương.
Đối với UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - hai thành phố có mức độ ÔNKK cao nhất cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số AQI ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người. Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ÔNKK; đầu tư kết nối các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, đủ dày, đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất vào thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý. Thực hiện các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, giao thông, công nghiệp; phát triển không gian xanh trong quy hoạch xây dựng đô thị…
3.3. Bài học từ Thái Lan
Từ kinh nghiệm của Thái Lan có thể thấy rõ vai trò quản lý nhà nước của các Bộ/ ngành/địa phương rất quan trọng, nhất là hệ thống pháp luật luôn được nhấn mạnh và đề cao. Tùy vào thực trạng ô nhiễm của từng khu vực và theo từng thời kỳ phát triển, các văn bản chính sách của Việt Nam cần được chỉnh sửa, ban hành phù hợp với điều kiện thực tế và có sự tham gia cũng như trao quyền cho cộng đồng giám sát. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cải thiện CLMTKK, trong đó có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, kết hợp với các biện pháp như áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở, kiểm soát các phương tiện phát thải, đưa ra hạn ngạch phát thải đối với các loại khí, kèm theo đó là quy định, biện pháp cứng rắn, xử phạt nghiêm minh, để ngăn chặn và hạn chế các nguồn/nguyên nhân gây ô nhiễm... Đồng thời, phải thực hiện công khai, minh bạch những chính sách mới được sửa đổi, bổ sung và đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế trong kiểm soát OONKK.
Kinh nghiệm của Băng Cốc trong kiểm soát khí thải phương tiện cá nhân cũng mang lại nhiều bài học quý giá cho Việt Nam: (i) Việc kiểm soát xe cũ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính sách thuế phù hợp để khuyến khích người dân nâng cấp phương tiện; (ii) Giao thông công cộng giá rẻ và tiện lợi là chìa khóa để thay đổi thói quen đi lại, nhưng cần đầu tư dài hạn vào hạ tầng; (iii) Chuyển đổi sang EV là xu hướng tất yếu, nhưng cần vượt qua rào cản về chi phí và cơ sở hạ tầng; (iv) Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện CLKK. Trong khi các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp; các nhà quản lý xây dựng lộ trình thực hiện, người dân cần tích cực tuân thủ và áp dụng nghiêm túc mọi biện pháp đã đề ra. Chẳng hạn, người dân có thể chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để giảm số lượng phương tiện cá nhân hoặc ưu tiên sử dụng EV. Bên cạnh đó, sự hợp tác, đóng góp ý kiến từ cộng đồng sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm hiệu quả hơn.
Kết luận: Hành trình của Băng Cốc vẫn còn nhiều thử thách do tắc nghẽn giao thông, bất bình đẳng kinh tế - xã hội và áp lực chính trị tiếp tục cản trở những nỗ lực cải thiện CLKK. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền và sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế thông qua các sáng kiến như Breathe Cities, Băng Cốc nói riêng, Thái Lan nói chung đang dần tìm ra con đường để trở thành một thành phố đáng sống hơn. Trong bối cảnh ÔNKK trở thành vấn đề toàn cầu, câu chuyện của Thái Lan là lời nhắc nhở rằng hành động kịp thời và phối hợp là cách duy nhất để cứu lấy bầu không khí.
Trương Thị Huyền - Thu Hằng
Tài liệu tham khảo: