Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Thúc đẩy giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần

20/12/2023

    Ô nhiễm nhựa trên diện rộng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sinh vật biển, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội toàn cầu. Ước tính, hàng năm, trên thế giới, có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP, trong đó, 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế và có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ (không được tái chế), dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.

    Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ ngành công nghiệp nhựa (bao gồm sản xuất nguyên liệu, sản xuất/gia công hàng hóa và quản lý rác thải cuối vòng đời) là khoảng 1.800 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2019, dự kiến tăng khoảng 3.5% hàng năm nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

    Vì thế, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam trong thời gian tới, việc thúc đẩy các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần là một trong những giải pháp vô cùng cấp thiết, nhằm BVMT và sức khỏe con người, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững đất nước. Đó là khẳng định của Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Nguyễn Trung Thắng tại Hội thảo Thúc đẩy giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào ngày 19/12/2023.

Toàn cảnh Hội thảo

    Sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) là những sản phẩm thay thế, có công dụng tương tự các SUP và thân thiện với môi trường. Nhà nước đã đề ra các quy định, lộ trình nhằm hạn chế, tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Cụ thể, Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã quy định rõ, từ  ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Từ ngày 1/1/2031, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy định đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường; chính sách ưu đãi đối với sản phẩm thân thiện với môi trường; thị trường tiềm năng của các sản phẩm thay thế ở Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sử dụng các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay, tại thị trường Việt Nam, có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, thường là túi dùng nguyên liệu có gốc thực vật như bắp, mì, đường mía... Khó khăn chung đối với thị trường túi thay thế là quy mô sản xuất còn thấp, chưa có lượng cầu lớn, giá thành khá cao, đặc tính lý hóa ngắn hơn so với túi nhựa dùng một lần do khả năng tự hủy… Trong khi đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp  cận, thiếu rõ ràng. Để phát triển các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần tại Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách tính phí đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng thuế   BVMT đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần; ban hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn công nhận các sản phẩm thay thế; có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nhà sản xuất sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (thuế, vốn, chính sách về đất đai…). Ngoài ra, cần co sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các Bộ, ngành liên quan và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy các sản phẩm thay thế và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trần Tân

Ý kiến của bạn