Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Hướng tới triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Việt Nam

27/10/2023

    Ngày 26/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Hướng tới triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm đóng góp vào sự hoàn thiện về cách thức phát triển hiệu quả hệ thống thu gom, tái chế rác thải bao bì tại Việt Nam, cùng những giải pháp thực thi trong lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR. Đây được xem là cơ hội để tất cả các bên có liên quan cùng gặp mặt, trao đổi và đóng góp ý kiến để việc thực thi EPR tại Việt Nam sẽ được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật BVMT năm 2020. Đây được xem là một bước tiến rất dài và nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Quy định EPR sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, do đó, những người tiên phong luôn là những người làm các công việc khó khăn nhất. Hành trình thực hiện EPR tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng như người dân và các tổ chức tình nguyện hoạt động phi lợi nhuận như PRO Việt Nam hứa hẹn việc triển khai EPR sẽ hiệu quả và bền vững.

    Hội thảo đã lắng nghe báo cáo tham luận về: Nâng cao tỷ lệ tái chế nhờ phân loại rác tại nguồn của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO); Giải pháp nâng cao tỷ lệ thu hồi và tái chế chất thải rắn sinh hoạt của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO); Lực lượng thu gom rác dân lập: Các thách thức và cơ hội của Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam; Phát triển cơ sở hạ tầng tái chế trên quy mô lớn: Vai trò của khối chính thức và khối phi chính thức của Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương… Nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức về thực trạng hệ thống thu gom, phân loại, tái chế tại Việt Nam, từ đó hiểu được những thách thức có thể ảnh hưởng đến việc thực thi hiệu quả EPR, đồng thời nêu lên những giải pháp để quá trình triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam.

    Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc quốc gia tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Việt Nam), quy định EPR sẽ thúc đẩy việc thành lập các công ty tái chế chuyên nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở tái chế tại các làng nghề hoặc mua lại hay sáp nhập các cơ sở tái chế thành các cơ sở chuyên nghiệp hơn và mạnh hơn. Cùng với đó, quy định EPR cũng sẽ yêu cầu các cơ sở tái chế phải đáp ứng các tiêu chỉ, tiêu chuẩn cao hơn về các quy định của pháp luật. Qua đó, giúp cho quá trình quản lý và hoạt động được ổn định và bền vững hơn. Việc quy định EPR tại Việt Nam có thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc phân loại rác thải tại nguồn của hộ gia đình, hộ kinh doanh, người mua bán và người tiêu dùng.

    Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch VPPA - Tổng Giám đốc Công ty giấy Đồng Tiến chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì hệ thống thu gom rác ở các cơ sở chưa được phân loại nguồn nên khi đưa về nhà máy tái chế rất mất công và thời gian. Theo số liệu ước tính, hiện tổng sản lượng vỏ hộp đồ uống giấy các thương hiệu đưa ra thị trường Việt Nam tiêu thụ là khoảng 100.000 tấn/năm và có tỷ lệ thu gom tái chế chưa đến 5%, rất thấp nếu so với tỉ lệ thu gom các loại giấy nói chung là gần 48%. Thách thức trong việc tái chế hiện nay đưa ra là việc tái chế gây hao mòn thiết bị nhanh, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao. Ngoài ra, tỉ lệ thu hồi sơ sợi thấp hơn so với tái chế giấy thông thường, tối đa chỉ đạt 65%. Vì vậy, thời gian tới, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn, cơ sở hạ tầng thu gom và các trung tâm phân loại, trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom chuyên nghiệp, kết hợp phân loại tại nguồn, đồng thời, phát huy vai trò năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của khối chính thức trong lĩnh vực này.

    Bà Nguyễn Thị Quế Lâm - Phó trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO) cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 20 - 25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Song kết quả chưa đạt theo mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung. Hiện tại, CITENCO đã xây dựng mạng lưới thu gom chất thải tái chế; đồng thời, xây dựng trạm thu mua chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác sinh hoạt. Cạnh đó, CITENCO còn xây dựng trạm thu hồi chất thải tái chế. Theo đó, trạm sẽ thu mua chất thải được phân thành loại riêng và phân loại phế liệu hỗn hợp có tỉ lệ nhựa cao.

    Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về việc thực thi EPR trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra những trao đổi chuyên sâu mang tính kỹ thuật hơn, bám sát thực trạng tại Việt Nam để tập trung thảo luận hai nội dung chính: Phân loại, thu gom, tái chế rác thải và góp ý bổ sung chính sách nhằm đề xuất những giải pháp khả thi mang tính ứng dụng cao, nâng cao hiệu quả trong quá trình thu gom, tái chế bao bì, rác thải, cũng như việc triển khai EPR đối với doanh nghiệp và sự quản lý nhà nước của Bộ TN&MT. Đa số các đại biểu cho rằng, đây là cơ hội để tất cả các bên liên quan cùng gặp mặt, trao đổi, đóng góp để việc thực thi EPR tại Việt Nam sẽ được triển khai thuận lợi và hiệu quả.

    Trong khuôn khổ Hội thảo, PRO Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh (Green Media Hub) - thuộc Hội nhà báo Việt Nam, với điều khoản “Cam kết cùng nhau phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả trong dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thực thi EPR hiệu quả”.

    Sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ có một báo cáo tổng kết dự kiến được gửi đến Bộ TN&MT trong tháng 11/2023. Bản báo cáo tổng kết đề xuất nhiều nội dung tâm huyết này, với sự khởi xướng của PRO Việt Nam, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy thúc đẩy việc hỗ trợ khiển khai EPR khả thi và thành công tại Việt Nam khi có hiệu lực từ tháng 1/2024.

    Với sứ mệnh hướng đến một Việt Nam xanh, sạch, đẹp, trong tương lai, PRO Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TNMT, cũng như các bên liên quan, để triển khai các hoạt động thiết thực hơn nữa, nhằm thực thi EPR nói riêng, hướng đến xây dựng sự tăng trưởng xanh thông qua thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn nói chung.

Mai Hương

Ý kiến của bạn