Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Bàn về định mức chi phí tái chế, hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường của doanh nghiệp

05/10/2023

    Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định tại một số văn bản pháp lý quan trọng như: Luật BVMT số 72/2020/QH14 (Luật BVMT năm 2020) ban hành ngày 17/11/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm (pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông) và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc theo lộ trình của Chính phủ quy định. Quy định này hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường, tuy nhiên đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện trên thực tế.

    DN ủng hộ BVMT, tái chế chất thải

    Được biết, phí EPR sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2024 đối với các sản phẩm gồm pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt, bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm); từ ngày 1/1/2025 đối với các sản phẩm điện, điện tử và từ ngày 1/1/2027 đối với phương tiện giao thông. Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự mình thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức:

F = R x V x Fs

    Trong đó: F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng).

    R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %).

    V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg).

    Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg).

    Việc xác định Fs sẽ quyết định đến việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Nó định lượng được trách nhiệm của nhà sản xuất sẽ phải dự toán bao nhiêu cho việc thực hiện trách nhiệm của mình và là một trong những yếu tố để nhà sản xuất sẽ cân nhắc việc thực hiện theo hình thức tự tổ chức tái chế hay đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam.

Hội thảo “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế

thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức ngày 28/6/2023 tại Hà Nội

    Như đã nói ở trên, mục tiêu của chính sách EPR là thực hiện đầy đủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP) để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (từ các sản phẩm, bao bì thải bỏ sau tiêu dùng), đồng thời tác động đến nhà sản xuất, nhập khẩu, khiến họ phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm, bao bì, để giảm bớt chi phí thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất bằng cách sản xuất sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu đưa vào thị trường Việt Nam có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (trách nhiệm này được thực hiện từ 10/1/2022) và trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế.

    Dưới góc độ của cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI và các DN hoàn toàn đồng tình, ủng hộ việc BVMT, tái chế chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Các DN nhận thức trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung này và luôn sẵn sàng đóng góp để tăng cường việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải. Tuy nhiên, cơ chế EPR cần được xây dựng một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu sử dụng bao bì, hoặc thay đổi sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

    Cần tính toán lại định mức chi phí tái chế để giảm bớt khó khăn cho DN

    Tại Hội thảo góp ý về định mức chi phí tái chế và chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam, đại diện các DN và hiệp hội đều cho rằng, hệ số định mức chi phí tái chế (Fs) trong Dự thảo còn khá cao, bất hợp lý, trong khi các quy định hiện hành về triển khai thực hiện EPR còn nhiều bất cập.

    Cụ thể, đại diện cho cộng đồng DN ngành nhựa, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp Hội nhựa Việt Nam cho hay, năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 9,2 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó nhóm bao bì chiếm 38%, tương đương gần 3,5 triệu tấn, tuy nhiên, ngành tái chế nhựa Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu, đang gặp nhiều khó khăn. Ngành bao bì nhựa là ngành gia công với công nghệ đơn giản, dễ làm, nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5% hay khoảng 10 tỷ đồng/năm cho DN có quy mô trung bình 200 tỷ đồng doanh số mỗi năm. Với mức phí Fs như đề xuất của Bộ TN&MT thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của DN. Vì vậy, cần xem xét lại mức Fs cho phù hợp, không để hàng nghìn DN và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam phải đóng góp quá cao chỉ để hỗ trợ cho vài chục DN tái chế.

Săm lốp là một trong những sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu hồi tái chế

    Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, Dự thảo mới đã điều chỉnh định mức Fs, nhưng nhiều loạt vật liệu vẫn còn ở mức cao, như nhôm cao hơn trung bình 14 nước Tây Âu 1,26 lần. Hay các loại vật liệu như nhựa cứng PET, HDPE; đơn vật liệu mềm, đa vật liệu mềm hiện có mức 0,4 - 0,8. Trong khi đó, các bao bì nhôm, sắt, giấy carton, nhựa cứng như chai PET… đã được thu hồi hầu như hoàn toàn, hầu như không có nguy cơ với môi trường, thì nhà tái chế chính thức (không bao gồm các làng nghề) đều có lãi. Từ phân tích đó, bà Vân Anh kiến nghị, theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, hệ số điều chỉnh bằng 0 mới là hợp lý và hệ số 0,1 là để hỗ trợ thu gom cho những vùng sâu, vùng xa.

    Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) cho biết, bao bì sản phẩn của Công ty đang nằm trong danh sách sản phẩm tái chế của ERP. Công ty hoàn toàn ủng hộ và tuân thủ quy chế của ERP và đã thảo luận với các đơn vị tái chế để áp dựng EPR trong năm 2024. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, các đơn vị tái chế không rõ về mức giá mà họ đưa ra là bao nhiêu, phải chờ Fs được công bố; Hệ số Fs cao, thì đương nhiên là chi phí sản xuất của DN cũng sẽ cao và cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh chịu. Ông Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ, Công ty có sản lượng vỏ nhôm một năm rất lớn, chi phí đầu vào cao và sản lượng thu gom được tái chế tại Việt Nam cũng cao. Do vậy, chúng tôi đề xuất mức phí cho vật liệu nhôm là 0 hoặc 0,1. Một vấn đề nữa là cả DN và đơn vị tái chế đang rối về cách ghi nhận sản lượng được tái chế, tiếp đến là việc lấy chi phí từ Quỹ BVMT như thế nào? Nếu không rõ thì DN sẽ bị phạt vì có thể kê khai không chuẩn, khai thiếu.

    Ở một khía cạnh khác, tại Hội thảo tập huấn thực hiện EPR theo quy định của Luật BVMT tổ chức ngày 18/8/2023, các ý kiến chuyên gia đều nhận định, để đạt được điều này không hề đơn giản, bởi trong gần 4.000 DN nhựa trên cả nước thì có tới 90% là DN nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. DN có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm 1,2%. Vì vậy, Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách. Bộ TN&MT cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý; tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo cơ chế, chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế… Với khu vực DN, các DN thuộc đối tượng phải thực hiện EPR, cần tìm hiểu kỹ quy định EPR hiện hành để xác định những sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc để thực hiện trách nhiệm theo đúng pháp luật...

    Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Ủy viên thường trực Hội đồng EPR quốc gia, để xây dựng đề xuất định mức chi phí tái chế, Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát các chi phí thu gom, vận chuyển, tái chế thông qua quá trình khảo sát thực tế để đảm bảo tính đại diện trên toàn quốc, cũng như để phản ánh chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ tại các cơ sở tái chế chính thức đang thực hiện. Ngoài ra, nhóm chuyên gia tư vấn cũng đã tham khảo và xem xét định mức chi phí tái chế dự kiến với các loại bao bì trên cơ sở đề xuất của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) để đảm bảo sự đa dạng trong việc xác định chi phí tái chế với các loại bao bì cụ thể.

    Bộ TN&MT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng DN để hoàn thiện Dự thảo. Việc này sẽ tạo động lực để Việt Nam hình thành công nghiệp tái chế - ngành kinh tế mới phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích DN sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giảm phát thải các vật liệu sử dụng một lần, góp phần thực hiện hiệu quả các cam kết của Chính phủ về cắt giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững hơn.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn