Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Rác thải điện tử… “xử” môi trường

03/01/2014

     Thực tế cho thấy, rác thải điện tử đang là bài toán khó đối với các nhà môi trường học. Bởi số lượng thải ra mỗi năm càng lớn nhưng phương pháp xử lý chưa đạt kết quả cao. Trong khi đó, các chất độc hại từ các thiết bị này ảnh hưởng đến môi trường trầm trọng

     Làng ngập trong rác điện tử

     Không khó khăn khi chúng tôi tiếp cận vài thôn thuộc Mỹ Hào (Hưng Yên) để ghi nhận về rác thải điện tử. Tại đây, các loại ti vi đời cũ, dàn âm thanh, tủ lạnh… được chồng chất lên nhau.

     Theo người dân nơi đây, các mặt hàng điện tử thải loại từ các nơi được thu mua và gom về đây để lấy kim loại từ các bảng mạch, nhựa tái chế, thủy tinh… Các bộ phận còn lại không mang lại lợi nhuận, họ chôn bỏ tại các bãi rác của làng ở ngoài đồng hoặc vứt lung tung. Chính vì thế, hàng loạt bóng đèn ti vi đời cũ (CRT) được bày la liệt ở một số khu vực thuộc các thôn này.

     Cũng theo khảo sát của các nhà khoa học môi trường như Viện Khoa học & Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) hay Khoa Hóa học (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) đã cho thấy thực tế nan giải với bài toán rác thải điện tử. Theo đó, tỉ lệ loại bỏ thiết bị của các gia đình ngày càng gia tăng, thậm chí hơn 200% so với 10 năm trước đây. Cụ thể chi tiết khảo sát đến năm 2020, Hà Nội sẽ loại bỏ hơn 160.000 ti vi, 97.000 máy tính, 178.000 tủ lạnh, 136 máy giặt, 97.000 máy điều hòa nhiệt độ. Tại TPHCM có khoảng 700.000 ti vi, 290.000 máy tính, hơn 420.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt, 330.000 điều hòa nhiệt độ (số liệu thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội).

 

Rác thải điện tử đang là bài toán khó đối với các nhà môi trường học

 

     Nhiều chất độc hại

     Theo PGS.TS Đỗ Quang Trung, trưởng phòng thí nghiệm hóa môi trường, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), rác thải điện tử chứa rất nhiều nguy cơ đến môi trường, sức khỏe người dân nếu không xử lý tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay vẫn chưa có công nghệ xử lý tốt, quy trình thu hồi chuẩn cũng như khuyến cáo an toàn đến người dân.

     Vị chuyên gia này cho hay, rác thải điện tử chứa rất nhiều chất kim loại nặng độc hại. Ví dụ, vỏ nhựa bảo vệ, bản mạch, kim loại và tụ điện chứa chất chống cháy nhựa Bromodiphenyl và Polychlorinated biphenyls (PCBs), các ống phóng tia catot (CRT) chứa oxit Cadmi, Bari, Photpho, bản mạch chứa chì, cadmi… Bản thân thủy tinh của ti vi đời cũ là thủy tinh Bari và thủy tinh chì, chúng được gắn với nhau bằng một lớp keo thủy tinh chì. Trong đó, màn hình được làm từ thủy tinh có chứa oxit bari (đến 14%) và oxit tronti (đến 12%). Phần nón chứa đến 25% oxit chì, phần cổ chứa đến 40% oxit chì. Ti vi màu có chứa nhiều nguy cơ hơn màn hình đen trắng với các chất như hỗn hợp photpho, oxit chì, cadmi, kẽm, europi và các kim loại nặng khác…

     “Các chất độc có thể có ảnh hưởng đến con người. Như, chì làm gây hư hại đến hệ thống thần kinh, máu, thận, não trẻ em. Cadmi sẽ tích lũy trong cơ thể ảnh hưởng thận. Thủy ngân gây tổn hại trí tuệ và thai nhi. Crom gây tổn hại cho tế bào di truyền và môi trường, Bari gây sưng não, yếu cơ, tổn thương tim và lá lách, Bery gây ung thư phổi, bột in gây ức chế thần kinh…

     Tương tự, trong một nghiên cứu của khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng chỉ ra, lúa ở một số khu vực tái chế kim loại từ rác thải điện tử như Yên Phong và Từ Sơn (Bắc Ninh) bị xâm nhiễm kim loại nặng. Theo đó, gạo trồng tại hai khu vực này đều có hàm lượng chì, asen trung bình cao hơn các làng lân cận. Như, hàm lượng chì trong gạo Văn Môn có trị số trung bình cao gấp 2 lần với thóc đối chứng. 60% mẫu gạo ở đây có hàm lượng chì lớn hơn 0,5mg/kg, trong khi mẫu đối chứng chỉ trung bình 0,05mg/kg. Tuy nhiên, hàm lượng nhiễm kim loại nặng này đều nằm trong ngưỡng an toàn của Bộ Y tế Việt Nam. Chỉ có điều, nếu so sánh với tiêu chuẩn gạo sạch Nhật Bản thì 30% mẫu gạo ở khu vực này vượt ngưỡng.

 

Theo Quyết định Quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành vào ngày 09/8/2013, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp như bóng đèn compact, huỳnh quang, máy vi tính, máy in, fax, máy chụp ảnh, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa, ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt… sẽ được thu hồi sau khi thải bỏ. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi, tiếp nhận, thỏa thuận với người tiêu dùng và xử lý sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp cung cấp ra thị trường. Sau đó, các đơn vị phải thông báo đến Bộ TN&MT về các điểm thu hồi và cơ sở xử lý sản phẩm. Công khai thông tin có liên quan về điểm thu hồi và cơ sở xử lý…

 

Theo BizLIVE.vn

 

Ý kiến của bạn