Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Qua việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội nghĩ về phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường

15/09/2015

     Một sự kiện thu hút dư luận xã hội ở Thủ đô Hà Nội, của cả nước và của cả báo chí quốc tế thời gian qua là việc Sở Xây dựng TP Hà Nội triển khai thực hiện Dự án chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh trên một số tuyến phố của Thủ đô. Tuy nhiên, Dự án này mới thực hiện được một thời gian thì vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của giới truyền thông, của nhiều nhà khoa học, của đông đảo người dân thủ đô và của cả nước. Qua vụ việc này, có rất nhiều chuyện để bàn, trong đó nổi lên một câu hỏi lớn là: Tại sao một dự án không phải là lớn lắm, kinh phí thực hiện cũng không nhiều lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng? Chắc mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Dưới đây là một số lý giải bước đầu của người viết bài này về vụ việc nêu trên.      Trước hết, phải khẳng định rằng, vấn đề BVMT, nhất là tình trạng suy giảm, hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng, trong đó có nạn chặt phá rừng, ở nhiều địa phương nước ta hiện nay là một trong những vấn đề cấp bách, nhạy cảm, nó đụng chạm đến đời sống cũng như lợi ích trước mắt, lâu dài của toàn dân. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác BVMT đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, tác động đến ý thức, tinh thần trách nhiệm, hành vi của cả cộng đồng, từng cá nhân trong xã hội về sự cần thiết, cấp bách, lâu dài của công tác BVMT trong quá trình phát triển đất nước. Chính vì vậy, khi ở ngay Thủ đô Hà Nội lại diễn ra cảnh chặt hạ hàng loạt cây xanh, được coi là tài sản của người dân, lại thiếu sự tuyên truyền, giải thích của các tổ chức, cơ quan, đơn vị chức năng thì sự phản ứng mạnh mẽ của giới truyền thông và của đông đảo người dân là một điều hiển nhiên.      Thứ hai, không biết vì những lý do cấp bách, quan trọng gì, nhưng việc Lãnh đạo Thành phố phê duyệt, cho triển khai tiến hành Dự án liên quan đến vấn đề môi trường sống của người dân Thủ đô, với số lượng cây bị chặt hạ, thay thế là rất lớn lại được thực hiện giữa “thanh thiên bạch nhật” trên một dãy phố có nhiều cây đang xanh tốt xum xuê, không bị sâu mọt, mục ruỗng; vụ việc diễn ra trong một thời gian dài lại được triển khai vội vã, thiếu thận trọng, ngay trong tháng “Tết trồng cây” và trước ngưỡng cửa của mùa hè nóng nực, không tham khảo ý kiến của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan, thiếu sự tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, chu đáo trong khi Hà Nội đang phấn đấu cho môi trường “xanh, sạch, đẹp”... là việc làm, gây bất bình, phản ứng mạnh mẽ của người dân.      Thứ ba, việc cắt nghĩa, giải thích, phát ngôn thiếu cân nhắc của một số Lãnh đạo Thành phố (sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng tình của nhân dân; việc này đã thông qua Hội đồng nhân dân TP...) lại không đúng như thực tế đã và đang diễn ra gây kích thích cộng đồng dân cư đi tìm sự thật và những “góc khuất” của dự án này. Nếu như những người Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội quả quyết rằng, “không hề có chiến dịch chặt hạ cây xanh, không có lợi ích nhóm, không có tiêu cực và không dùng tiền ngân sách để thực hiện dự án này”, rằng “việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội là việc làm thường xuyên, có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông” thì trên thực tế diễn ra không hoàn toàn như vậy. Một loạt câu hỏi đặt ra sau khi có sự giải thích trên đây.      Rằng, vậy thì tại sao từ trước đến nay việc chặt hạ, thay thế cây xanh không bị người dân phản ứng? Tại sao từ trước đến nay, Công ty Công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây? Tại sao nhiều cây cao, thẳng, khỏe mạnh cũng bị chặt? Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không? Động cơ của các doanh nghiệp “tài trợ” cho dự án này là gì. Trên thực tế có cả một dự án chặt hạ, thay thế cây xanh, thay toàn bộ cây xanh trên một số tuyến phố, chứ không phải chỉ thay những cây mục ruỗng. Nếu ý kiến của một số cán bộ lãnh đạo trên đây là đúng thì lại lộ ra sự bất cập trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, khi dư luận phản ứng mạnh mẽ, rà soát lại mới thấy thiếu sót, rút kinh nghiệm thì việc đã rồi. Có cán bộ lãnh đạo của Hà Nội còn dám quả quyết rằng, việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân! Đó là những phát ngôn thiếu cân nhắc.      Thứ tư, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh, có thể được coi là tài sản của dân, ảnh hưởng đến môi trường sống, lợi ích của người dân nhẽ ra phải được cân nhắc, hỏi ý kiến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia về thực vật học, về môi trường sinh thái và được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của đông đảo người dân. Thế nhưng việc phê duyệt, thực thi dự án quan trọng này chỉ có mấy cơ quan thuộc thẩm quyền của chính quyền Thành phố Hà Nội. Cho nên khi bị người dân chất vấn thì những người có trách nhiệm trong dự án này tỏ ra lúng túng. Các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội của Hà Nội cũng hoàn toàn không được tham gia thẩm định, góp ý trước khi thực hiện dự án này.      Có thể khẳng định rằng, nếu như dự án mà TP Hà Nội đã và đang thực hiện không thuộc dự án đụng chạm đến vấn đề môi trường thì chắc chắn cộng đồng dân cư không phản ứng một cách mạnh mẽ như thế. Như vậy, nói một cách hình ảnh thì cây xanh đã cố kết, làm nên sức mạnh cộng đồng thời gian qua. Vì vậy, Lãnh đạo Hà Nội đã bước đầu nhận ra thiếu sót và cho dừng dự án để rà soát toàn diện, xử lý những tập thể, cá nhân liên quan.   Dự án thay thế 6.700 cây xanh các loại trên một số tuyến phố của Thủ đô vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân        Qua vụ việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố của Thủ đô Hà Nội có thể là bài học kinh nghiệm cho nhiều nơi khác:      - Các ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân cần rất thận trọng khi phê duyệt, triển khai thực hiện những dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... nhưng lại liên quan, đụng chạm đến vấn đề BVMT, bảo đảm phát triển bền vững.      - Trong thời gian từ nay đến hết năm 2015, các tổ chức cơ sở đảng từ cơ sở đến tỉnh, thành phố tiến hành đại hội, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong đó sẽ thông qua các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các nhiệm vụ, giải pháp BVMT. Để các kế hoạch này khi được thông qua không gặp sự phản ứng của cộng đồng dân cư thì ngay từ bây giờ các dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội nhất thiết phải có sự thống nhất trong cấp ủy đảng, chính quyền, của hệ thống chính trị, có sự tham vấn, hỏi ý kiến các cấp, các ngành liên quan, các nhà khoa học và sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. Trong thực hiện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân người lãnh đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, người lãnh đạo khi các kế hoạch, chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có yếu tố môi trường.      - Vấn đề BVMT hiện nay được ví như yếu tố tăng cường liên kết, sức mạnh cộng đồng. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có lĩnh vực BVMT, cần phát huy sức mạnh, nhân rộng mối liên kết, để chung tay, góp sức BVMT thông qua Quy chế giám sát và phản biện xã hội đã được Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành vào tháng 12/2013. Theo đó, các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia), phải được các đoàn thể chính trị-xã hội có chức năng chủ trì phản biện trước khi được biểu quyết thông qua, thực hiện.      Cách đây đã lâu, trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/9/2000 “Về tăng cường công tác dân vận” có đoạn viết: “Khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các chính sách, triển khai các chương trình, dự án phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, làm cho các văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Bác Hồ đã viết: “Chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”.      Nếu như thời gian qua Hà Nội làm được như lời Bác Hồ dạy và như Chỉ thị trên đây thì dứt khoát nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ, không có những phản ứng gay gắt như đã xảy ra.   Ý kiến của các nhà khoa học về Ðề án thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội      Ngày 23/3/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) tổ chức Tọa đàm “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học.   Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia        Tại buổi Tọa đàm, đa số các ý kiến đều tán thành chủ trương cần phải cải tạo hệ thống cây xanh Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia đều phản đối cách triển khai thiếu khoa học của giới chức Thủ đô trong Đề án. Sở Xây dựng Hà Nội trước đó khẳng định, mới chỉ chặt 500 cây, nhưng nhiều ý kiến khẳng định, con số thực tế lớn hơn rất nhiều lần. Tạp chí Môi trường xin trích đăng ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề này.      GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh vật Việt Nam: “Hà Nội là thủ đô rộng thứ 3 trên thế giới, sau Bắc Kinh (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), Hà Nội rất đẹp nhờ có nhiều hồ và cây. Nhưng trong Đề án thay thế 6.700 cây xanh vừa qua, giới chức Hà Nội đã không quan tâm đến ý kiến của các nhà khoa học, phản ứng của người dân và điều đau xót nhất là Hà Nội không biết rút kinh nghiệm từ những bài học của việc lấp một số sông, hồ trước đây. Cả Thủ đô hiện có 50.000 cây mà Đề án chặt tới 1/7 là điều không thể tưởng tượng nổi”.      Luật sư Phạm Đức Bảo, ĐH Luật Hà Nội: “Hành động chặt cây của giới chức Hà Nội mang tính triệt hạ, vi phạm Điều 10, Điều 14 Luật Thủ đô quy định về quản lý và BVMT phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử ở Thủ đô và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch”.      GS.TS KH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ có 3 loại cây được phép chặt mà không cần xin phép, bao gồm cây bị đổ và có nguy cơ đổ gây nguy hại, cây chết và cây nằm trong các dự án phát triển kinh tế. Đối với các trường hợp khác, muốn chặt cây phải có đơn xin phép và chỉ rõ chặt cây nào (có chụp ảnh gửi kèm), ở đâu, lý do chặt ? Tuy nhiên, Đề án chặt 6.700 cây của Hà Nội không tuân thủ những điều này, không có cơ sở khoa học và không thực tiễn.      TS.KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, ĐH Lâm nghiệp đặt ra câu hỏi: “Tại sao những cây đó yếu và bị sâu bệnh? Vì từ trước đến nay, Hà Nội chưa bao giờ trồng cây đúng quy cách. Cây đô thị phải được trồng bằng giá thể, vi lượng, khác với trồng cây lâm nghiệp hay nông nghiệp. Với hiện trạng trồng cây như hiện nay, dù cây thay thế có là giống cây gì đi nữa nhưng kỹ thuật vẫn như cũ thì cây khó mà sống được.”   Vũ Ngọc Lân Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015
Ý kiến của bạn